Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3947
Nhan đề: NGHIÊN CỨU HẸP, TẮC ĐỘNG MẠCH NỘI SỌ TRÊN CỘNG HƯỞNG TỪ 3.0 TESLA VÀ MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN, YẾU TỐ NGUY CƠ TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Tác giả: Đỗ, Hải Hà
Người hướng dẫn: Phạm, Minh Thông
Từ khoá: Hẹp mạch nội sọ;Tắc mạch nội sọ;Cộng hưởng từ;3.0 Tesla
Năm xuất bản: 11/11/2022
Tóm tắt: Hẹp, tắc động mạch nội sọ là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ não, ước tính 10% số đột quỵ nhồi máu não ở Mỹ và tới 50% số đột quỵ nói chung ở khu vực Châu Á.1 Khác với hẹp, tắc động mạch ngoài sọ, các tổn thương mạch nội sọ có tỉ lệ mắc cao hơn ở chủng tộc người Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh (người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha),2 đặc biệt rất phổ biến ở Trung Quốc với tỉ lệ gây đột quỵ nhồi máu não tới 33-50% và các cơn thiếu máu não thoáng qua là 50%.3,4 Việt Nam cũng vậy, một quốc gia đang phát triển mạnh ở khu vực Châu Á với các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch có xu hướng tăng dần. Theo WHO 2016,5 và báo cáo mới nhất của Mai Duy Tôn năm 2022,6 bệnh lý tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam (31% tổng số ca tử vong), trong đó đột quỵ chiếm tỉ lệ cao nhất. Tình trạng hẹp, tắc động mạch nội sọ tiến triển thầm lặng, có thể đã sớm xuất hiện ở người trẻ tuổi dưới dạng không triệu chứng, sau đó dần trở thành dạng có triệu chứng hoặc xuất hiện là dạng có triệu chứng ở những người lớn tuổi, tăng huyết áp,… Vì vậy việc phát hiện sớm, đánh giá được tình trạng này rất cần thiết và có ý nghĩa tích cực rất nhiều với người bệnh, đặc biệt ở nhóm người có các yếu tố nguy cơ cao.5 Trong nghiên cứu của Ryu Wi Sun, không chỉ gây ra đột quỵ não, tình trạng hẹp, tắc động mạch nội sọ làm tăng tỉ lệ tái phát đột quỵ tương ứng với độ cao của mức độ hẹp mạch (3,27% ở mức hẹp nhẹ, 3,82% ở mức hẹp vừa, 5,16% ở mức hẹp nặng và 7,27% ở mức tắc hoàn toàn).6 Báo cáo của Xinyi Leng, tỉ lệ tái phát đột quỵ lên tới 12-14% trong vòng hai năm sau tai biến ở những bệnh nhân có tình trạng hẹp động mạch nội sọ.4 Việc nhận định mức độ tình trạng hẹp, tắc động mạch nội sọ là một trong các tiêu chí quan trọng giúp các bác sĩ lâm sàng quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân: nội khoa, phẫu thuật hay can thiệp nội mạch,… Từ đó, không chỉ tăng hiệu quả điều trị, giúp khỏi bệnh mà còn làm giảm tối đa tỉ lệ tái phát của mỗi trường hợp cụ thể.4 Trên phương diện chẩn đoán hình ảnh, tuy rằng các phương pháp như chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, chụp mạch số hoá xoá nền - là tiêu chuẩn vàng - có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao nhưng nhược điểm là nhiễm xạ và cần tiêm thuốc cản quang chứa i-ốt đường tĩnh mạch với các yếu tố có thể gây dị ứng, sốc, ... Trong khi xu hướng mới của thời đại nay yêu cầu phương pháp thăm khám không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu, giảm tối đa ảnh hưởng của tia xạ và các tai biến. Nên để đánh giá tình trạng hẹp, tắc động mạch nội sọ, cần phải kể đến vai trò của chụp cộng hưởng từ mạch máu não - không hoặc có tiêm thuốc đối quang từ Gadolinium: dựa trên tín hiệu dòng chảy thu được để đánh giá mức độ và đặc điểm hẹp, tắc động mạch nội sọ. Phương pháp này có ưu điểm là không nhiễm xạ, kèm theo đánh giá tốt tổn thương nhu não phối hợp và có các tiến bộ mới như trong đánh giá tổn thương thành mạch (MR VWI – Magnetic Resonance Vessel Wall Imaging).4 Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu hẹp, tắc động mạch nội sọ trên cộng hưởng từ 3.0 Tesla và một số nguyên nhân, yếu tố nguy cơ tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3947
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
FINAL LV Đỗ Hải Hà - Hẹp động mạch nội sọ 0911.docx
  Tập tin giới hạn truy cập
19.03 MBMicrosoft Word XML
FINAL LV Đỗ Hải Hà - Hẹp động mạch nội sọ 0911.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
4.68 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.