Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này:
http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/5261
Nhan đề: | Kết quả của biện pháp truyền Insulin trong điều trị viêm tụy cấp có tăng Triglycerid |
Tác giả: | Võ, Chí Tuyến |
Người hướng dẫn: | Nguyễn, Công Tấn |
Từ khoá: | viêm tuỵ cấp |
Năm xuất bản: | 9/6/2024 |
Tóm tắt: | Viêm tụy cấp là một bệnh lý tổn thương cấp tính của nhu mô tụy. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến phức tạp với nhiều bệnh cảnh lâm sàng đa dạng. Trên thế giới và ở Việt Nam, VTC vẫn là một trong những bệnh cảnh được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu về bệnh lý tiêu hóa cần phải nhập viện. Đặc biệt, bệnh có diễn biến lâm sàng phức tạp, có thể chuyển từ VTC thể phù đến VTC thể nặng có hoại tử nhu mô tụy gây ra các biến chứng nặng nề trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng suy đa tạng, làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 20-30%. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng VTC có xu hướng gia tăng theo thời gian, đặc biệt do gia tăng tỷ lệ béo phì và sỏi túi mật. Hàng năm, ở Mỹ có khoảng 250.000 trường hợp nhập viện vì VTC, trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ VTC đang có xu hướng ngày càng gia tăng 1,2. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học trong y học, viêm tụy cấp ngày càng được tìm hiểu rõ ràng hơn về bệnh cảnh lâm sàng cũng như về cơ chế của các nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt viêm tụy cấp có tăng TG trước đây thường không được chú ý tới, thường chỉ phát hiện khi không tìm được các nguyên nhân khác hoặc tình cờ phát hiện trên xét nghiệm. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì, tỷ lệ viêm tụy cấp có tăng triglyceride ngày càng tăng và trở thành một trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy cấp chỉ đứng sau sỏi mật và do rượu. Chính vì thế hiện nay, VTC có tăng TG đã được nghiên cứu chuyên sâu hơn 3. Điều trị viêm tụy cấp nói chung và điều trị viêm tụy cấp có tăng triglyceride nói riêng là một quá trình phối hợp nhiều biện pháp hồi sức cấp cứu giúp làm giảm các triệu chứng lâm sàng, hạn chế các biến chứng, chấm dứt vòng xoắn bệnh lý và can thiệp nguyên nhân như nội soi người dòng lấy sỏi, các biện pháp hỗ trợ điều trị, các biện pháp hồi sức: bù dịch, lọc máu liên tục (CVVH), thay thế huyết tương (PEX) … Liệu pháp truyền glucose và insulin là một trong những lựa chọn trong phác đồ điều trị viêm tụy cấp có tăng triglyceride, đặc biệt ở các đơn vị hồi sức chưa thực hiện được PEX thì liệu pháp truyền insulin được sử dụng như là biện pháp cứu cánh để giảm triglyceride máu ở bệnh nhân VTC và chi phí rẻ hơn nhiều so với PEX. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam, các tác giả kết luận rằng dùng insulin trong điều trị viêm tụy cấp có tăng triglyceride có hiệu quả trong cải thiện tình trạng viêm tụy, kiểm soát tốt triglyceride máu. Đồng thời, truyền insulin là liệu pháp an toàn, rẻ tiền và sẵn có hơn so với phương pháp điều trị bằng lọc huyết tương trong điều trị viêm tụy cấp có tăng triglyceride 4,5. Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, chúng tôi đã áp dụng liệu pháp truyền insulin điều trị viêm tụy cấp có tăng triglycerid từ tháng 1 năm 2022. Tính đến tháng 2 năm 2023 đã có khoảng 20 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp insulin. Kết quả ban đầu cho thấy đa số bệnh nhân tiến triển tốt sau điều trị, ít biến chứng, cho kết quả tích cực. Do đó, để làm rõ kết quả của phương pháp này từ đó đưa ra những khuyến cáo khoa học thuyết phục, hoàn thiện hơn phác đồ để áp dụng thường quy trong thực tế lâm sàng tại bệnh viện, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Kết quả của biện pháp truyền Insulin trong điều trị viêm tụy cấp có tăng Triglycerid” với mục tiêu sau: Nhận xét kết quả của biện pháp truyền Insulin trong điều trị viêm tụy cấp có tăng Triglycerid. Nghiên cứu được tóm sắt như sau: Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang, can thiệp không đối chứng và có theo dõi dọc, so sánh trước-sau trên đối tượng là 32 bệnh nhân suy viêm tuỵ cấp có tăng triglyceride tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, sử dụng phương pháp thu thập số liệu tiến cứu trong thời gian từ tháng 02/2023 đến tháng 3/2024. Kết quả: Nồng độ triglyceride máu giảm theo thời gian điều trị, sau 3 ngày đã có 24/32 bệnh nhân có TG < 5,6 mmol/L. Các triệu chứng lâm sàng của viêm tuỵ cấp cải thiện rõ rệt sau trung bình từ 2-4 ngày. Các thang điểm đánh giá mức độ nặng (SOFA, áp lực ổ bụng) giảm đáng kể sau 1 ngày điều trị (p<0,05). Kết quả ra viện có 30/32 bệnh nhân khỏi (93,8%), có 2/32 bệnh nhân chuyến tuyến trên (6,2%) có suy đa tạng. Có 10/32 bệnh nhân (31,2%) gặp biến chứng hạ kali máu ở mức độ trung bình và nhẹ. Có 5/32 bệnh nhân (15,6%) hạ đường huyết ở mức 1. Kết luận: Liệu pháp truyền insulin điều trị bệnh nhân viêm tuỵ cấp có tăng triglyceride ở mức độ nhẹ và trung bình cho kết quả tốt, giúp cải thiện nhanh tình trạng tăng TG. Liệu pháp tương đối an toàn, xuất hiện ít biến chứng ở mức độ nhẹ, trung bình. |
Định danh: | http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/5261 |
Bộ sưu tập: | Luận văn chuyên khoa 2 |
Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin | Mô tả | Kích thước | Định dạng | |
---|---|---|---|---|
2024CK2VoChiTuyen.docx Tập tin giới hạn truy cập | 2.8 MB | Microsoft Word XML | ||
2024CK2VoChiTuyen.pdf Tập tin giới hạn truy cập | 1.75 MB | Adobe PDF | Đăng nhập để xem toàn văn |
Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.