Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2879
Nhan đề: Đặc điểm suy giảm trí nhớ và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân động kinh trưởng thành
Tác giả: Chử Văn, Dũng
Người hướng dẫn: Nguyễn Văn, Hướng
Từ khoá: trí nhớ;động kinh
Năm xuất bản: 15/9/2021
Tóm tắt: ĐẶT VẤN ĐỀ: Trong chuyên ngành thần kinh, động kinh là một bệnh lý phổ biến, có tỷ lệ mắc cao, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, giới, chủng tộc, tầng lớp xã hội và vị trí địa lý . Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ mắc động kinh dao động từ 5,1/1000 đến 8,75/1000 dân tùy theo từng tác giả, khu vực, quốc gia. Ở Việt Nam, tỉ lệ này hiện mắc động kinh là 0,45% - 0,54%, và về lâu dài bệnh lý này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh động kinh xuất phát từ tổn thương ở não, gây hậu quả là cơn động kinh và có thể gây tổn thương các chức năng cao cấp của não trong đó có chức năng trí nhớ. Trí nhớ là chức năng cơ bản của nhận thức suy giảm trí nhớ gây ảnh hưởng chức năng nhận thức tùy mức độ, mà nặng nhất là sa sút trí tuệ. Khi đó làm suy giảm một loạt các chức năng thần kinh cao cấp của con người bao gồm trí nhớ, tư duy, định hướng, sự hiểu biết, tính toán, khả năng học tập, ngôn ngữ và sự phán đoán. Những ảnh hưởng của suy giảm trí nhớ đến cuộc sống hằng ngày tiến triển nặng dần, tùy theo tình trạng bệnh mà khiến bệnh nhân phải phụ thuộc một phần hoặc hoàn toàn vào người thân. Cùng với các nghiên cứu suy giảm trí nhớ liên quan đến các bệnh lý như Alzheimer, tai biến mạch máu não, viêm não, suy giảm trí nhớ trên bệnh nhân động kinh cũng đã được đề cập đến. Những năm gần đây đã có một số nghiên cứu về suy giảm trí nhớ trên bệnh nhân động kinh được công bố. Năm 2010, Rayner và cộng sự đã mô tả một số đặc điểm sinh bệnh học về mối liên quan giữa suy giảm trí nhớ và động kinh. Giovagnoli và Bell (2011) cho thấy sự khác biệt về tỷ lệ suy giảm trí nhớ giữa các loại cơn động kinh. Bên cạnh đó, theo Lê Thế Phi (2018) và nhiều tác giả khác trong và ngoài nước cho thấy suy giảm trí nhớ còn liên quan đến tuổi khởi phát cơn tần suất cơn, thời gian mang bệnh, và việc sử dụng một số thuốc kháng động kinh cổ điển. Tỷ lệ suy giảm trí nhớ trên bệnh nhân động kinh khác nhau tùy theo từng nghiên cứu, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đối tượng nghiên cứu, thời gian, địa điểm nghiên cứu, và phương pháp chọn mẫu. Tuy nhiên hầu hết các tác giả đều nhận thấy suy giảm trí nhớ đều liên quan đến các yếu tố kể trên và sự cộng hưởng các yếu tố này sẽ làm cho chức năng trí nhớ càng trở nên suy giảm nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, việc hiểu biết các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn trí nhớ trên bệnh nhân động kinh sẽ giúp cho việc đưa ra các biện pháp phù hợp trong điều trị cũng như trong chăm sóc bệnh nhân động kinh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó chúng tôi tiến hành đề tài “Đặc điểm suy giảm trí nhớ và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân động kinh trưởng thành” với các mục tiêu sau: 1. Mô tả một số đặc điểm suy giảm trí nhớ trên bệnh nhân động kinh. 2. Phân tích mối liên quan giữa một số yếu tố trên bệnh nhân động kinh với sự biến đổi chức năng trí nhớ. Kết luận: 1.Đặc điểm lâm sàng suy giảm trí nhớ trên bệnh nhân động kinh trưởng thành. - Có 52/154 bệnh nhân có suy giảm trí nhớ, chiếm 33,8%. Trong đó, hay gặp nhất là suy giảm trí nhớ tức thì (94,2%). Tỷ lệ bệnh nhân có suy giảm trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ thị giác không gian là xấp xỉ nhau, lần lượt là 75% và 73,1%, ít gặp nhất là bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ dài hạn 32,7%. - Trong lĩnh vực trí nhớ tức thì, tỷ lệ bệnh nhân quên từ ngữ là 81,6% nhiều hơn so với quên hình ảnh 65,3%. Bệnh nhân suy giảm trí nhớ ngắn hạn hầu như bị quên các sự kiện trên một năm (94,6%). Có 17 bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ dài hạn, trong đó 12/17 bệnh nhân quên các kiến thức đã biết từ nhỏ, 10/17 bệnh nhân quên mất các kỹ năng cơ bản. 2. Một số yếu tố liên quan đến suy giảm trí nhớ trên bệnh nhân động kinh trưởng thành. - Không thấy có sự liên quan về suy giảm trí nhớ theo giới. - Tuổi trung bình của nhóm suy giảm trí nhớ tương tự như nhóm không suy giảm. - Tỷ lệ suy giảm trí nhớ ở nhóm bệnh nhân động kinh cục bộ phức hợp cao nhất, nguy cơ suy giảm trí nhớ của nhóm này cao gấp 5,13 lần so với nhóm khác. - Khi tần suất cơn càng dày thì nguy cơ và mức độ suy giảm trí nhớ càng tăng. - Khởi phát bệnh dưới 6 tuổi có nguy cơ suy giảm trí nhớ gấp 2,88 lần so với nhóm từ 6 đến 17 tuổi và gấp 5,13 lần so với nhóm khởi phát trên 18 tuổi. - Suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân có thời gian mắc bệnh trên năm năm cao gấp 4,78 lần so với bệnh nhân mắc bệnh từ một đến năm năm và gấp 5,57 lần bệnh dưới một năm. - Sử dụng phenobarbital có nguy cơ suy giảm trí nhớ gấp gấp 6,73 lần so với nhóm sử dụng các nhóm kháng động kinh khác. Chưa thấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ ở nhóm kháng động kinh mới. - Tổn thương não có nguy cơ cao gấp 3,07 lần so với nhóm không có tổn thương. Bệnh nhân có tổn thương bán cầu ưu thế đa phần gây suy giảm trí nhớ ngôn ngữ, ngược lại bán cầu không ưu thế thiên về trí nhớ phi ngôn ngữ. - Bất kỳ các dạng tổn thương não đều có nguy cơn tăng tỷ lệ suy giảm trí nhớ, tuy nhiện không thấy sự khác biệt giữa các dạng tổn thương.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2879
Bộ sưu tập: Luận văn bác sĩ nội trú

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA CHỨC NĂNG TRÍ NHỚ.docx
  Tập tin giới hạn truy cập
375.99 kBMicrosoft Word XML
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA CHỨC NĂNG TRÍ NHỚ .pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
974.9 kBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.