Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3745
Title: Giá trị của cộng hưởng từ 1.5 Tesla trong chẩn đoán hẹp đường mật trong và ngoài gan
Authors: Nguyễn, Văn Công
Advisor: Lê, Tuấn Linh
Keywords: cộng hưởng từ;chụp đường mật qua da;hẹp đường mật
Issue Date: 10/2022
Abstract: Hẹp đường mật là sự giảm khẩu kính đường mật một cách tương đối so với phần ống mật kế cận do nhiều nguyên nhân gây ra dẫn đến ứ trệ lưu thông dịch mật. Đây là một tình trạng bệnh lý không hiếm gặp trên lâm sàng, tuy nhiên, tỷ lệ hẹp đường mật đến nay vẫn không được biết chính xác. Nguyên nhân gây ra hẹp đường mật có thể là nguyên nhân lành tính hoặc ác tính. Hẹp đường mật lành tính thường do tổn thương đường mật liên quan đến sỏi mật, tiền sử phẫu thuật, các bệnh lý viêm đường mật mạn tính hoặc một số nguyên nhân khác ít gặp hơn. Trong khi đó, hẹp đường mật ác tính thường do ung thư biểu mô đường mật, ung thư biểu mô tuyến tụy hoặc các nguyên nhân khác như hạch ác tính rốn gan chèn ép, ung thư di căn vào đường mật. Việc phân biệt hẹp đường mật do nguyên nhân lành tính hay ác tính có ý nghĩa rất quan trọng trong lựa chọn phương pháp điều trị cho BN. Với các BN nghi ngờ có hẹp đường mật, ngoài việc quan tâm đến các dấu hiệu lâm sàng, tiền sử của BN, thực hiện các xét nghiệm sinh hóa thì các phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ đóng một vai trò hết sức quan trọng chẩn đoán bệnh. Siêu âm là phương pháp thăm khám hình ảnh đầu tiên được sử dụng nhằm phát hiện tình trạng giãn đường mật, đặc biệt có thể phát hiện giãn đường mật trong gan với độ nhạy lên đến 100%. CLVT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn siêu âm trong phát hiện các tổn thương ác tính của đường mật, đặc biệt với các tổn thương nằm ở rốn gan. Tuy nhiên, CLVT có ít giá trị trong phân biệt hẹp đường mật do nguyên nhân lành tính hay ác tính. Trong khi đó, CHT có nhiều ưu điểm hơn so với CLVT như có khả năng cung cấp hình ảnh cây đường mật với chất lượng cao giúp xác định vị trí và mức độ hẹp đường mật cũng như hướng dẫn cho các can thiệp đường mật qua da trong trường hợp có chỉ định. Ngoài ra CHT cũng có giá trị cao trong chẩn đoán nguyên nhân gây hẹp, chẩn đoán các biến chứng của hẹp giúp bác sĩ định hướng điều trị cho BN. Có nhiều cách thức để lựa chọn cho điều trị hẹp đường mật như: nội soi, mổ mở hay can thiệp qua da. Việc lựa chọn cách thức điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí hẹp, cũng như toàn trạng của BN. Hẹp đường mật lành tính có thể điều trị bằng các phương pháp kinh điển như nong bằng ống hoặc bóng, đặt stent đường mật hay phẫu thuật. Hẹp đường mật ác tính có thể phẫu thuật cắt bỏ có hoặc không dẫn lưu đường mật tiền phẫu, dẫn lưu đường mật và đặt stent hay điều trị giảm nhẹ. Do điều trị và tiên lượng rất khác nhau, nên việc chẩn đoán nguyên nhân của hẹp đường mật là hết sức quan trọng. Như vậy, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể định hướng bản chất tổn thương sẽ rất có ích cho các nhà lâm sàng để đưa ra những phương án giúp chẩn đoán xác định và điều trị tiếp theo cho BN. Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu về giá trị của CHT trong phânbiệt nguyên nhân hẹp đường mật ác tính với lành tính. Tuy nhiên, các nghiêncứu có đối chiếu hình ảnh cộng hưởng từ hẹp đường mật với chụp đường mật qua da hay nội soi đường mật còn khá hạn chế. Ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào về giá trị của CHT trong chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của hẹp đường mật. Do đó, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Giá trị của cộng hưởng từ 1.5 Tesla trong chẩn đoán hẹp đường mật trong và ngoài gan” với các mục tiêu nghiên cứu sau: 1. Mô tả đặc điểm hình ảnh cộng hưởng từ gan mật ở bệnh nhân hẹp đường mật trong và ngoài gan. 2. Đánh giá giá trị của cộng hưởng từ 1.5T trong chẩn đoán hẹp đường mật trong và ngoài gan.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3745
Appears in Collections:Luận văn bác sĩ nội trú

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
Nguyễn Văn Công - BSNT.docx
  Restricted Access
6.16 MBMicrosoft Word XML
Nguyễn Văn Công - BSNT.pdf
  Restricted Access
2.35 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.