Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1486
Nhan đề: NGHIÊN CỨU NỒNG ĐỘ AXIT URIC HUYẾT THANH BỆNH NHÂN VẢY NẾN VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI LÂM SÀNG CỦA BỆNH
Tác giả: HOÀNG THU, HƯỜNG
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Trần Lan, Anh
2. TS. Lê Huyền, My
Từ khoá: Da liễu;8720107
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: ĐHY
Tóm tắt: Vảy nến là một bệnh viêm mạn tính gây ra bởi đa yếu tố bao gồm di truyền, miễn dịch và môi trường, chiếm khoảng 2-3% dân số thế giới. Bệnh gây tổn thương ở da, móng, khớp và một số cơ quan nội tạng, tác động xấu đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân và hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu1. Axit uric là một hợp chất dị vòng của cacbon, oxi, hydro và nitơ, có công thức C5H4N4O3 được tạo thành trong cơ thể do quá trình thoái giáng các nhân purin, tiếp theo được hòa tan trong máu và cuối cùng được đưa đến thận và thải ra ngoài qua nước tiểu2. Trong bệnh vảy nến, tăng axit uric huyết thanh có thể xảy ra do sự gia tăng tế bào biểu bì, làm tăng tốc độ chuyển hóa purin và axit uric là sản phẩm của quá trình dị hóa. Sự liên quan của bệnh vảy nến với tăng axit uric huyết thanh có thể dẫn đến viêm khớp do gout và có nguy cơ cao gây ra các bệnh đi kèm khác do hậu quả của tăng axit uric huyết thanh3. Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng những bệnh nhân vảy nến với mức độ tổn thương bề mặt da càng nặng thì nguy cơ bị tăng axit uric huyết thanh càng cao4,5,6. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã góp thêm bằng chứng về việc nồng độ axit uric trong máu cao có liên quan đến các yếu tố rối loạn chuyển hóa như béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tiểu đường. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những bệnh nhân bị bệnh vảy nến nặng có nguy cơ cao mắc các bệnh kèm theo như bệnh mạch vành và hội chứng chuyển hóa3. Do đó, việc kiểm soát nồng độ axit uric huyết thanh ở người bình thường, cũng như bệnh vảy nến rất quan trọng. Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu khảo sát tình trạng tăng axit uric huyết thanh ở bệnh nhân vảy nến và tìm hiểu về các yếu tố liên quan chủ yếu được tiến hành ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Nghiên cứu của Gudu T.7 cho thấy bệnh nhân vảy nến có nồng độ axit uric huyết thanh cao hơn hẳn người bình thường. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Paolo G.8 và Berna S.9 cũng phát hiện thấy những bệnh nhân có tổn thương da nhiều thì tỉ lệ có nồng độ axit uric trong máu cao nhiều hơn. Ở Việt Nam, gần đây có một số nghiên cứu về rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân vảy nến, trong đó bao gồm cả rối loạn chuyển hóa axit uric như nghiên cứu của Nguyễn Trọng Hào10 về rối loạn lipid máu ở bệnh nhân vảy nến và hiệu quả điều trị hỗ trợ của simvastatin hay nghiên cứu của Trương Lê Anh Tuấn11 về mối liên quan giữa bệnh vảy nến và hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về sự thay đổi nồng độ axit uric huyết thanh trên bệnh nhân vảy nến và mối liên quan với lâm sàng được công bố. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu nồng độ axit uric huyết thanh bệnh nhân vảy nến và mối liên quan với lâm sàng của bệnh” với các mục tiêu: 1. Xác định nồng độ axit uric huyết thanh trên bệnh nhân vảy nến tại bệnh viện Da liễu Trung ương. 2. Đánh giá mối liên quan giữa nồng độ axit uric huyết thanh với lâm sàng bệnh vảy nến.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1486
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
2020THS0324.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.65 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.