Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1344
Title: ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ KỸ THUẬT TB-LAMP TRONG PHÁT HIỆN MTB Ở NGƯỜI BỆNH HIV/AIDS NGHI LAO PHỔI TẠI HÀ NỘI
Authors: NGUYỄN ĐỨC, CHUNG
Advisor: Nguyễn Văn, Hưng
Keywords: Vi khuẩn học
Issue Date: 2021
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm gây bởi Mycobacterium tuberculosis (MTB) và hiện đang là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với khoảng 1,4 triệu ca tử vong mỗi năm. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính năm 2019 trên toàn cầu có hơn 10 triệu trường hợp mắc bệnh lao trong đó: khoảng 7,1 triệu ca mắc mới; 88% là người trưởng thành; 68% là nam giới; 8,2% người mắc lao đồng nhiễm HIV. Bệnh tập trung nhiều ở các nước đang phát triển, có mật độ dân cư đông: Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Philipin và Pakistan [1]. Việt Nam là một trong 20 nước có gánh nặng bệnh lao theo đánh giá của WHO. Năm 2018 ước tính ở Việt Nam có khoảng 174.000 người bệnh lao, 6000 người đồng nhiễm lao HIV, với khoảng 13.200 người chết do lao (trong đó 2.200 người lao/AIDS), tỷ lệ phát hiện lao các thể là 182/100.000 dân. Cùng với sự lây lan của đại dịch HIV, bệnh lao đã và đang là nhiễm trùng cơ hội phổ biến và gây tử vong cho người bệnh HIV/AIDS [2]. Các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn lao thường quy dựa trên kỹ thuật nhuộm soi trực tiếp (NSTT) và kỹ thuật nuôi cấy đã được áp dụng trong thời gian dài. Kỹ thuật NSTT với những ưu điểm chi phí rẻ, trang thiết bị đơn giản, có thể hướng dẫn và thực hiện tại tuyến y tế cơ sở, tuy nhiên kỹ thuật NSTT có nhược điểm là độ nhạy thấp (mặc dù phương pháp nhuộm huỳnh quang đã cải thiện được một phần) [3], [4]. Đặc biệt thấp hơn nữa ở bệnh nhân đồng nhiễm HIV/AIDS [5], [6]. Kỹ thuật nuôi cấy xác định vi khuẩn lao có ưu điểm độ nhạy và độ đặc hiệu cao, là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao, nhưng là kỹ thuật khó đòi hỏi trang thiết bị phức tạp, đắt tiền, thời gian cho kết quả lâu, kỹ thuật viên cần có trình độ, kinh nghiệm. Hạn chế của các kỹ thuật xét nghiệm trên gây khó khăn cho phát hiện và điều trị sớm bệnh lao. Năm 2010 kỹ thuật Xpert MTB/RIF với độ nhạy và độ đặc hiệu cao đã được WHO khuyến cáo cho chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao và tính kháng thuốc rifampicin, đặc biệt có ý nghĩa với chẩn đoán lao ở người bệnh HIV/AIDS [7], [8]. Tuy nhiên, Xpert MTB/RIF có chi phí xét nghiệm khá đắt, phức tạp trong vấn đề bảo trì hệ thống thiết bị và thay thế linh kiện, các quốc gia có gánh nặng bệnh lao và HIV/AIDS thường có nguồn lực tài chính hạn chế nên khó khăn cho việc ứng dụng Xpert MTB/RIF để chẩn đoán lao cho người bệnh AIDS. Năm 2012, kỹ thuật nhân bản acid nucleic ở điều kiện đẳng nhiệt (LAMP) được ứng dụng để chẩn đoán bệnh lao. Đã có những nghiên cứu cho thấy kỹ thuật TB-LAMP có tiềm năng bởi lợi thế về độ nhạy, thời gian xét nghiệm nhanh, quy trình và trang bị tương đối đơn giản, có thể thực hiện tại y tế tuyến cơ sở [9], [10], [11], [12]. Tại Việt Nam có nghiên cứu về kỹ thuật TB-LAMP của Nguyễn Thị Vân Anh, Phạm Thu Hằng với các kết quả khác nhau, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đánh giá kỹ thuật TB-LAMP để chẩn đoán lao phổi ở người bệnh HIV/AIDS [13], [14]. Vậy kỹ thuật TB-LAMP có thể khắc phục được hạn chế về độ nhạy và sử dụng thay thế kỹ thuật nhuộm huỳnh quang chẩn đoán lao phổi ở người bệnh HIV/AIDS không? Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá giá trị kỹ thuật TB-LAMP trong phát hiện MTB ở bệnh nhân HIV/AIDS nghi lao phổi tại Hà Nội” với mục tiêu: 1. Xác định độ nhạy, độ đặc hiệu của kỹ thuật TB-LAMP trong phát hiện MTB ở người bệnh HIV/AIDS nghi lao phổi. 2. Xác định độ nhạy, độ đặc hiệu của kỹ thuật AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang trong phát hiện MTB ở người bệnh HIV/AIDS nghi lao phổi. 3. Đánh giá sự tương đồng trong phát hiện MTB của kỹ thuật TB-LAMP và AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang ở người bệnh HIV/AIDS nghi lao phổi .
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1344
Appears in Collections:Luận văn chuyên khoa 2

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21CKII0231.pdf
  Restricted Access
2.2 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.