Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1328
Nhan đề: KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN CHẤN THƯƠNG CỘT SỐNG CỔ CAO BẰNG PHƯƠNG PHÁP NẸP CỔ CHẨM
Tác giả: NGUYỄN VIẾT, LỰC
Người hướng dẫn: PGS. TS. NGUYỄN LÊ BẢO, TIẾN
Từ khoá: Ngoại khoa;8720104
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: ĐHY
Tóm tắt: Chấn thương cột sống cổ là chấn thương thường gặp, chiếm khoảng 6% trong tất cả những trường hợp đa chấn thương, 40% trường hợp có tổn thương thần kinh, có thể để lại hậu quả nặng nề như tổn thương thần kinh không hổi phục, thậm chí tử vong.1 Tại Bắc Mỹ năm 2008 có 300.000 trường hợp chấn thương cột sống cổ và số bệnh nhân chấn thương mới mỗi năm là 20.000 trường hợp, chi phí cho điều trị lên tới 9,7 tỉ đô la Mỹ.2 Trên thế giới, chấn thương cột sống cổ vỡ C1 chiếm tỷ lệ 1 - 2% các thương tổn cột sống nói chung và chiếm tỉ lệ 15% chấn thương cột sống cổ nói riêng.3 Vỡ C2 mà thường gặp nhất là gãy mỏm răng chiếm tỉ lệ 10 - 15% tổn thương cột sống cổ nói chung và chiếm 75% chấn thương cột sống cổ ở trẻ em.4 Ở Việt Nam theo Hà Kim Trung, chấn thương cột sống cổ cao chiếm 10,95% chấn thương cột sống cổ trong đó gãy mỏm răng chiếm 46,15%.5 Dựa theo đặc điểm giải phẫu và chức năng, cột sống cổ cao bao gồm C0 (lồi cầu chẩm), C1 (đốt đội) và C2 (đốt trục), và hệ thống dây chằng giữa chúng. Chấn thương cột sống cổ cao là những chấn thương phức hợp C0, C1, C2 hay còn gọi là vùng bản lề cổ chẩm.6 Cột sống cổ cao rất linh hoạt về mặt chức năng, được liên hệ với nhau bởi hệ thống dây chằng và diện khớp phức tạp do vậy các hình thái tổn thương cũng đa dạng và phức tạp.3 Triệu chứng lâm sàng chấn thương cột sống cổ cao thường nghèo nàn, vì vậy chẩn đoán ban đầu khó khăn, dễ bỏ sót làm chậm chỉ định điều trị, dẫn tới di chứng thần kinh nặng nề như liệt, tê bì tứ chi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chẩn đoán xác định chấn thương cột sống cổ cao dựa vào chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ cao. Tỉ lệ bỏ sót tổn thương cột sống cổ có thể lên đến 5-20%, trong đó tỉ lệ bỏ sót tổn thương cột sống cổ cao lên tới 60-70%.6 Nẹp cổ chẩm làm một trong những phương pháp điều trị chấn thương cột sống cổ cao, tuy nhiên chỉ định rất hạn chế, chỉ áp dụng trong một số tổn thương gây mất vững bản lề cổ chẩm.7 Gần 50% chức năng quay cổ và cúi ưỡn nằm ở vùng bản lề cổ chẩm,6 vì vậy phẫu thuật nẹp cổ chẩm làm hạn chế rất nhiều vận động vùng cổ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do vị trí đặc trưng của phẫu thuật nẹp cổ chẩm liên quan đến cả cấu trúc xương chẩm và cột sống nên phẫu thuật này có thể gặp các tai biến như: tổn thương thần kinh, tổn thương mạch, rò dịch não tủy, nhiễm trùng, đau thần kinh chẩm…8 Trước đây đã có một số nghiên cứu về chấn thương cột sống cổ cao của Hoàng Gia Du (2012) về kĩ thuật vít qua khớp, Vũ Văn Cường (2018) về kĩ thuật Harms… tuy nhiên chưa có nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp nẹp cổ chẩm trong điều trị chấn thương cột sống cổ cao. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài "Kết quả điều trị bệnh nhân chấn thương cột sống cổ cao bằng phương pháp nẹp cổ chẩm" tại Khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức nhằm 2 mục tiêu sau: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân chấn thương cột sống cổ cao. 2. Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật bệnh nhân chấn thương cột sống cổ cao bằng phương pháp nẹp cổ chẩm.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1328
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
2020THS0255.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
3.18 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.