Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/983
Nhan đề: NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, VI KHUẨN TRONG VIÊM MŨI XOANG CẤP Ở TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI
Tác giả: PHẠM, THÙY LINH
Người hướng dẫn: TS. NGUYỄN, THỊ KHÁNH VÂN
PGS.TS. TỐNG, XUÂN THẮNG
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: Viêm mũi xoang cấp là tình trạng viêm mũi và các xoang cạnh mũi, theo hội mũi xoang Châu Âu, bệnh lý này đặc trưng bởi hai hoặc nhiều triệu chứng trong đó có một triệu chứng là chảy mũi hoặc ngạt mũi, khởi phát đột ngột và khỏi hoàn toàn trong vòng 12 tuần1. Đây là một bệnh khá phổ biến, chiếm tỉ lệ 6-15% dân số1. Ở trẻ em, viêm mũi xoang cấp là một bệnh thường gặp và có tỉ lệ mắc ngày càng cao2. Năm 2011, Uijen J.H và cộng sự nghiên cứu trên trẻ em Hà Lan cho thấy tỉ lệ mắc viêm mũi xoang cấp hàng năm ở nhóm tuổi 0-4, 5-14, 12-17 lần lượt là 2/1000, 7/1000, 18/10003. Ở Mỹ, mỗi năm phải tiêu tốn 1,8 tỉ đô cho việc điều trị viêm mũi xoang ở trẻ em dưới 13 tuổi4. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu bệnh lý Tai Mũi Họng học đường, tỉ lệ viêm mũi xoang là 6,3% ở Hà Nội và 6,6% ở thành phố Hồ Chí Minh5. Viêm mũi xoang cấp gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ em và người chăm sóc trẻ theo nhiều khía cạnh khác nhau. Viêm mũi xoang ở trẻ em có thể gây những biến chứng nguy hiểm như biến chứng ổ mắt (viêm tấy ổ mắt, áp xe ổ mắt…), biến chứng nội sọ (viêm màng não, áp xe não…), biến chứng xương, trong số đó biến chứng ổ mắt gặp nhiều hơn và thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn trẻ lớn1,6,7. Bệnh lý viêm mũi xoang ở trẻ em phức tạp, biểu hiện lâm sàng phong phú, do nhiều nguyên nhân gây nên (vi rút, vi khuẩn, nấm, dị ứng, trào ngược…) và có liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của các xoang. Viêm mũi xoang ở trẻ em có thể khó chẩn đoán do triệu chứng lâm sàng tương tự với các bệnh lý thường gặp khác như viêm mũi dị ứng, nhiễm vi rút đường hô hấp trên, viêm VA8. Nguyên nhân vi rút trong viêm mũi xoang cấp chiếm 90-98% trong khi vi khuẩn là 2-10%9. Ở trẻ em, tỉ lệ bội nhiễm vi khuẩn cao hơn với 5-13% viêm đường hô hấp trên do vi rút sẽ tiến triển thành viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn10,11. Căn nguyên vi khuẩn trong viêm mũi xoang cấp thay đổi tùy từng nghiên cứu, có thể gặp H. influenzea, S. pneumoniae, M. catarrhalis, S. aureus và một số vi khuẩn khác12–14. Với căn nguyên vi rút chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi, còn căn nguyên vi khuẩn việc sử dụng kháng sinh đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, cùng với sự biến đổi của bộ mặt vi khuẩn trong viêm mũi xoang cấp đòi hỏi bác sĩ lâm sàng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dùng kháng sinh. Việt Nam lại là một trong những quốc gia có tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao15, do vậy việc điều trị viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở nước ta vẫn còn khó khăn. Mặt khác, viêm mũi xoang ở đối tượng trẻ dưới 5 tuổi có những đặc trưng riêng về bệnh học cũng như điều trị. Xuất phát từ thực tiễn đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, vi khuẩn trong viêm mũi xoang cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi” với hai mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng viêm mũi xoang cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi. 2. Xác định một số vi khuẩn tại mũi xoang và mức độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn trong viêm mũi xoang cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/983
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
21THS0065.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.91 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.