Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/4505
Nhan đề: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân viêm tuỵ mạn
Tác giả: Bùi Ngọc, Hải
Người hướng dẫn: Trần Ngọc, Ánh
Trần Việt, Hùng
Từ khoá: Viêm tuỵ mạn
Năm xuất bản: 23/10/2023
Nhà xuất bản: Trường Đại học Y Hà Nội
Tóm tắt: Viêm tụy mạn (VTM) là quá trình viêm đặc trưng bởi sự phá hủy nhu mô tụy tiến triển, không hồi phục, dẫn tới xơ hóa nhu mô gây giảm cả chức năng nội tiết và ngoại tiết, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1788 bởi Cawley. Đây là một bệnh lý do nhiều căn nguyên gây ra, trong đó nghiện rượu được coi là căn nguyên hàng đầu, chiếm từ 65 đến 90% các trường hợp. Tỷ lệ viêm tụy mạn ngày càng gia tăng trong đó tỷ lệ mắc phải hằng năm khoảng 5-14/100.000 dân và tỷ lệ hiện mắc khoảng 30-50/100.000 dân 1. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi theo các quốc gia, ở châu Âu là 7/100.000 dân, ở châu Á là 14/100.000 dân 2. Tại Việt Nam hiện chưa có các nghiên cứu dịch tễ học về tỷ lệ viêm tụy mạn trong cộng đồng được công bố. Biểu hiện lâm sàng VTM phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Chẩn đoán VTM vẫn còn nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức cho bác sĩ lâm sàng, đặc biệt là trong giai đoạn sớm, vì biểu hiện ban đầu của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm với các rối loạn tiêu hóa khác. Một trong những vấn đề nan giải lớn nhất là thiết lập một chẩn đoán rõ ràng. Mặc dù có nhiều xét nghiệm và các thăm dò chẩn đoán hình ảnh nhưng cho đến thời điểm hiện tại chưa có xét nghiệm nào có thể thiết lập chẩn đoán VTM một cách đáng tin cậy. Chẩn đoán có thể đặc biệt khó nắm bắt ở những bệnh nhân viêm tụy mạn tính sớm (còn được gọi là viêm tụy mạn tính thay đổi tối thiểu) vì những bệnh nhân này thường có các triệu chứng lâm sàng gợi ý viêm tụy mạn tính nhưng thiếu các bất thường rõ ràng trên chẩn đoán hình ảnh. Các thông số khách quan khác hỗ trợ chẩn đoán, chẳng hạn như xét nghiệm chức năng tuyến tụy gián tiếp (PFT), thường có thể bình thường trong nhiều năm sau khi xuất hiện triệu chứng. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để cải thiện chẩn đoán viêm tụy mạn tính, nhưng điều này đã bị hạn chế đáng kể do thiếu tiêu chuẩn vàng. Chẩn đoán thực sự về viêm tụy mạn có thể không chỉ được thực hiện chỉ bằng bệnh sử lâm sàng, hình ảnh hoặc xét nghiệm chức năng mà bằng bằng chứng được thu thập bằng sự kết hợp của các biện pháp thăm dò chẩn đoán này. Vì việc quản lý chủ yếu tập trung vào việc trì hoãn sự tiến triển và điều trị các triệu chứng của bệnh hơn là chữa khỏi bệnh nên các bác sỹ cần phải chắc chắn trước khi đưa ra chẩn đoán này. Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ đường mật là hai phương pháp được khuyến cáo đầu tiên trong chẩn đoán VTM, nếu hai phương pháp này không phát hiện được tổn thương thì lựa chọn tiếp theo là siêu âm nội soi. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm tụy mạn trên siêu âm nội soi hiện nay dựa vào 2 tiêu chuẩn đó là tiêu chuẩn thông thường và tiêu chuẩn Rosemont. Ngoài ra cũng có thể chẩn đoán viêm tụy mạn theo tiêu chuẩn Cambridge, Cambridge 3 và 4 được xếp vào nhóm chẩn đoán viêm tụy mạn. Tiêu chuẩn M-ANNHEIM có tính cập nhập, chia thành 3 mức độ là chẩn đoán xác định, chẩn đoán có thể và ranh giới viêm tuỵ mạn. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu trong nước về bệnh lý viêm tụy mạn. Xuất phát từ thực tiễn nói trên, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân viêm tụy mạn” với hai mục tiêu: 1. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa ở bệnh nhân viêm tụy mạn. 2. Mô tả các đặc điểm trên chẩn đoán hình ảnh ở bệnh nhân viêm tụy mạn.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/4505
Bộ sưu tập: Luận văn bác sĩ nội trú

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
Luận-văn-Viêm-tụy-mạn-BNH-Final.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân viêm tụy mạn2.77 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn
Luận-văn-Viêm-tụy-mạn-BNH-Final.docx
  Tập tin giới hạn truy cập
1.84 MBMicrosoft Word XML


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.