Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/4488
Nhan đề: KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU NÃO CẤP VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI MỘT SỐ ĐƠN VỊ ĐỘT QUỴ Ở HÀ NỘI
Tác giả: Nguyễn Duy, Chinh
Người hướng dẫn: Mai Duy, Tôn
Hoàng Bùi, Hải
Từ khoá: Hồi sức cấp cứu;CK. 62723101
Năm xuất bản: 2023
Tóm tắt: Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu không chỉ ở các nước phát triển mà đã và đang là gánh nặng bệnh tật ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.1 Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, hơn 11 triệu ca đột quỵ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, bao gồm cả các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ tử vong cao ở mức hơn 4 triệu người mỗi năm, với 87% số ca tử vong xảy ra ở khu vực này. Trong số tất cả những người sống sót sau đột quỵ, 30% bị tàn tật nặng và số còn lại có nguy cơ bị đột quỵ tái phát cao hơn.2 Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ hiện mắc bệnh đột quỵ được báo cáo là 161 và 415 trên 100.000 người.3 Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính là một thể đột quỵ não, trong đó động mạch não bị hẹp hoặc bị tắc dẫn đến tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não làm mất chức năng thần kinh tương ứng. Thể này chiếm khoảng 60-80% của đột quỵ não.4 Chẩn đoán và điều trị nhồi máu não đang được quan tâm đặc biệt nhằm giảm tối đa các tổn thương não và tối ưu hóa cơ hội phục hồi của bệnh nhân. Xét về kết quả điều trị nhồi máu não cấp, phương pháp được kỳ vọng nhất là tái thông ngay cho bệnh nhân từ giai đoạn tối cấp, cụ thể là dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và/hoặc can thiệp lấy huyết khối cơ học. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào đặc điểm bệnh, từ lâm sàng đến mức độ tổn thương trên hình ảnh học, tuần hoàn bàng hệ của từng bệnh nhân nhồi máu não. Đồng thời, việc xác định các yếu tố tiên lượng kết quả sẽ giúp chúng ta lựa chọn những bệnh nhân có nguy cơ cao để đưa ra chiến lược điều trị phù hợp. Kể từ khi ban hành Thông tư 47 năm 2016, Việt Nam đã có 81 bệnh viện triển khai cơ sở điều trị đột quỵ, trong đó có 6 trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh tại các thành phố lớn. Năm 2017, chương trình ANGELS được khởi xướng tại Việt Nam áp dụng tiêu chí chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu, các chỉ số chất lượng của ANGELS là công cụ giúp giải quyết vấn đề giám sát chất lượng điều trị đột quỵ.5 Theo công bố của chương trình ANGELS cập nhật tháng 9 năm 2020 thì Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Quân y 103 là 3 trong số 12 đơn vị nằm trong danh sách các bệnh viện sẵn sàng cấp cứu đột quỵ tại thành phố Hà Nội. Trong những năm qua có nhiều nghiên cứu về đột quỵ não tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu tập chung vào cỡ mẫu nhỏ đánh giá kết quả của của một số phương pháp điều trị tại một đơn vị, 6,7 mà chưa có nghiên cứu đa trung tâm đánh giá về phương pháp, kết quả điều trị và các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Kết quả điều trị nhồi máu não cấp và các yếu tố liên quan tại một số đơn vị đột quỵ ở Hà Nội” nhằm mục tiêu: 1. Nhận xét kết quả điều trị nhồi máu não cấp tại một số đơn vị đột quỵ ở Hà Nội. 2. Phân tích các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị nhồi máu não cấp.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/4488
Bộ sưu tập: Luận văn chuyên khoa 2

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
2023CK2NGUYENDUYCHINH.docx
  Tập tin giới hạn truy cập
1.09 MBMicrosoft Word XML
2023CK2NGUYENDUYCHINH.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.98 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.