Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3840
Nhan đề: Thực trạng hệ thống các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại miền bắc Việt Nam năm 2021 và một số yếu tố ảnh hưởng
Tác giả: Trần, Ngọc Phương Mai
Người hướng dẫn: Phạm, Quang Thái
Từ khoá: Xét nghiệm SARS-CoV-2, Xét nghiệm COVID-19, Hệ thống xét nghiệm
Năm xuất bản: 2022
Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Bệnh do chủng vi rút corona mới (SARS-CoV-2) gây ra, được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019. Tính tới đầu tháng 5 năm 2021, sau gần 1.5 năm kể từ khi xuất hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo hơn 161.2 triệu người đã mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (COVID-19) trên toàn thế giới, trong đó hơn 3 triệu ca tử vong. Bệnh được ghi nhận ở hầu hết các vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới1. Do các biểu hiện lâm sàng của COVID-19 không đặc hiệu nên bên cạnh các biện pháp can thiệp cộng đồng để phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng thì nhu cầu chẩn đoán trong phòng thí nghiệm đóng vai trò trung tâm trong việc xác định sớm ca bệnh, truy tìm dấu vết và giảm thiểu lây truyền bệnh. Việc không triển khai được xét nghiệm chẩn đoán kịp thời sẽ làm chậm trễ việc ra quyết định ứng phó với các tình huống đại dịch, tăng sự lây nhiễm, cản trở nghiêm trọng các nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng2. Phương pháp tiếp cận với các xét nghiệm chẩn đoán đáng tin cậy và đảm bảo đủ năng lực xét nghiệm đối với SARS-CoV-2 là điều cần thiết cho các chiến lược chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trên toàn thế giới3. Các phương pháp xét nghiệm được đưa ra là: realtime- RT- PCR (rt-RT-PCR), xét nghiệm ELISA, test nhanh…được coi là xét nghiệm cơ bản để phát hiện sớm ca nhiễm SARS-CoV-2 trong các trường hợp nghi ngờ4. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước khống chế tốt dịch COVID-19 với việc thực hiện đồng thời các biện pháp phòng chống sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 cũng như tập trung triển khai các xét nghiệm đáp ứng nhanh với tình hình và các diễn biến của dịch bệnh5. Theo báo cáo kèm Quyết định số 4020/QĐ-BYT ngày 21/9/2020 về việc phê duyệt kế hoạch xét nghiệm COVID-19, tính đến ngày 13/9/2020, cả nước có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trong đó ngành y tế có 118 phòng, các ngành khác có 19 phòng với tổng công suất xét nghiệm tối đa là hơn 51.125 mẫu/ngày6. Theo khảo sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trên 47 đơn vị vào tháng 10/2020, toàn miền Bắc có 42 đơn vị đã triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 28 đơn vị đã được công nhận năng lực xét nghiệm khẳng định7. Tuy nhiên, con số này chưa ngoại suy ra được toàn bộ năng lực xét nghiệm của các đơn vị miền Bắc. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp, câu hỏi đặt ra là thực trạng hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 tại miền Bắc Việt Nam đang như thế nào? Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 của hệ thống trong việc Sđáp ứng phòng chống dịch? Để trả lời cho các câu hỏi trên, nghiên cứu “Thực trạng hệ thống các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 khu vực miền Bắc Việt Nam năm 2021 và một số yếu tố ảnh hưởng” được thực hiện.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3840
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
LV FINAL BẢN NỘP THƯ VIỆN 27.10.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
3.23 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn
LV FINAL BẢN NỘP THƯ VIỆN 27.10 in.docx
  Tập tin giới hạn truy cập
1.41 MBMicrosoft Word XML


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.