Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3431
Nhan đề: THỰC TRẠNG RỐI LOẠN GIẤC NGỦ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở BỆNH NHÂN XƠ CỨNG BÌ
Tác giả: ĐỖ, GIA TRƯỜNG
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị, Phương Thủy
Từ khoá: RỐI LOẠN GIẤC NGỦ;XƠ CỨNG BÌ;Nội khoa
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: Trường Đại học Y Hà Nội
Tóm tắt: Xơ cứng bì (XCB) là một bệnh tổ chức liên kết không rõ nguyên nhân, với ba tổn thương đặc trưng gồm tổn thương mạch máu, sản xuất các tự kháng thể, rối loạn chức năng của nguyên bào sợi và lắng đọng collagen quá mức ở tổ chức ngoại bào.1,2 Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới (chiếm tỉ lệ 75 – 80%), độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.3 Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện mắc được ước tính là 276 người trên một triệu dân.4 Trên lâm sàng, tổn thương mạch máu thường xuất hiện sớm nhất, với các biểu hiện lâm sàng: hiện tượng Raynaud, giãn mao mạch dưới da, thay đổi mao mạch ở quanh móng tay và tăng áp lực động mạch phổi. Tình trạng xơ hóa là dấu hiệu bệnh lý chủ yếu của XCB, bao gồm dày, cứng da, giảm độ đàn hồi, teo da và tổn thương các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, gân và dây chằng. Tỉ lệ tử vong trong bệnh XCB cao gấp 2,7-3,5 lần so với tỉ lệ tử vong chung trong dân số. Trong đó, nguyên nhân tử vong chủ yếu do các tổn thương phổi (bệnh phổi mô kẽ, tăng áp động mạch phổi) và tổn thương tại thận.5 Do bệnh XCB gây tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể nên bệnh làm giảm sút nhiều chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nghiên cứu của Park trên 120 bệnh nhân XCB cho thấy chất lượng cuộc sống của bệnh nhân XCB thấp hơn rất nhiều so với người khỏe mạnh và 2 bệnh tự miễn khác là lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp.6 Rối loạn giấc ngủ (RLGN) là một vấn đề thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý tự miễn nói chung và bệnh nhân XCB nói riêng. Trong các nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân XCB có RLGN dao động từ 68,8-94% tùy theo từng nghiên cứu.7,8 Nghiên cứu của Bagnato trên 33 bệnh nhân XCB cho thấy thời gian mắc bệnh càng dài, mức độ đau theo thang điểm VAS cao, mức độ dày da theo thang điểm Rodnan (chỉ số mRss) càng nặng, rối loạn nhịp thở xuất hiện thường xuyên khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân. Bệnh nhân XCB có sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch có chất lượng giấc ngủ tốt hơn khi không sử dụng.8 Ở các nghiên cứu khác trên bệnh nhân XCB, chất lượng giấc ngủ giảm khi các triệu chứng tiêu hóa như nuốt khó, trào ngược dạ dày thực quản do rối loạn nhu động thực quản xuất hiện thường xuyên hơn, khó thở tăng dần, mức độ đau khớp, ngứa da nhiều và đang trong các đợt hoạt động bệnh.9,10 Như vậy, việc phát hiện và chẩn đoán sớm RLGN ở bệnh nhân XCB có ý nghĩa quan trọng giúp điều trị toàn diện và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Hiện nay, trên thế giới có nhiều thang điểm đánh giá RLGN như thang đo ESS (Epworth Sleepiness Scale), bộ câu hỏi FOSQ (Functional Outcomes Of Sleep Questionnaire), thang đo ISI (Insomnia Severity Index), chỉ số chất lượng giấc ngủ PSQI (Pittsburgh Sleep Quality Index), thang đo AIS (Athens Insomia Scale). Trong đó, thang điểm Pittsburgh là thang đo phổ biến, toàn diện nhất, đơn giản và dễ sử dụng để đánh giá chất lượng giấc ngủ của người bệnh.11 Thang điểm này đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá RLGN ở bệnh nhân XCB.7,8,9,10 Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về RLGN ở bệnh nhân XCB và sự liên quan của RLGN với các triệu chứng, mức độ tiến triển bệnh. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với tên đề tài: “ Thực trạng rối loạn giấc ngủ và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân xơ cứng bì ” với 2 mục tiêu: 1. Khảo sát rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân xơ cứng bì bằng thang điểm Pittsburgh. 2. Nhận xét các yếu tố liên quan đến rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân xơ cứng bì.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3431
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
20THS0340.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.62 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.