Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3419
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG VÀ AN TOÀN CỦA VIÊN NÉN IBSS01 TRONG ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH THỂ LỎNG
Tác giả: DƯƠNG CÔNG, THÀNH
Người hướng dẫn: PGS.TS TRẦN NGỌC, ÁNH
Từ khoá: Nội khoa
Năm xuất bản: 2019
Nhà xuất bản: Đại học y Hà Nội
Tóm tắt: Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) được định nghĩa là các rối loạn chức năng ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy bất kỳ tổn thương cấu trúc hay rối loạn sinh hóa nào. HCRKT được đặc trưng bởi các triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng, rối loạn đại tiện… [1], [2]. Theo một phân tích gộp năm 2012 ước tính tỷ lệ mắc HCRKT trên thế giới là 11,2%, tỷ lệ này thay đổi theo vùng địa lý và các tiêu chuẩn để chẩn đoán xác định HCRKT [3]. Theo tác giả Nguyễn Thị Tuyết Vân (2004) khảo sát 6616 bệnh nhân thuộc bệnh lý đại trực tràng, hậu môn tại phòng khám nội chung Bệnh viện Bạch Mai cho thấy HCRKT là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm tới 83,18% [4]. HCRKT được chia làm 4 thể bệnh: HCRKT thể lỏng - 23,4%, HCRKT thể táo bón - 22%, HCRKT thể hỗn hợp - 24%, HCRKT không phân loại - 22,2% [3]. HCRKT là một bệnh mạn tính, tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, làm sức khỏe giảm sút, giảm năng suất lao động, cũng như đòi hỏi chi phí điều trị tốn kém [1]. Trong số bệnh nhân mắc HCRKT có 13-88% bệnh nhân phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế [5]. Tại Mỹ tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp cho 3,1 triệu lượt khám bệnh và 5,9 triệu đơn thuốc mỗi năm vượt quá 20 tỷ USD [6], [7]. Mục tiêu điều trị HCRKT là làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh [1] . Y học hiện đại (YHHĐ) đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh cũng như các thuốc điều trị HCRKT, tuy nhiên việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế bệnh sinh của HCRKT khá phức tạp. Điều trị đối với HCRKT thể lỏng chủ yếu là dùng các thuốc chống tiêu chảy mà lựa chọn đầu tay là loperamid tuy nhiên chỉ dùng ngắn ngày và hiệu quả kém. Việc kết hợp YHHĐ và Y học cổ truyền (YHCT) trong phòng và điều trị HCRKT là một vấn đề đã được đề cập từ lâu tuy nhiên việc phối hợp này chưa được đầy đủ và chặt chẽ. Viên nén IBSS01 là sự kết hợp Immune Gamma, 5-hydroxytriptophan (5-HTP) với các thảo dược quen thuộc dùng điều trị bệnh lý đường tiêu hóa là: bạch truật (có tác dụng giảm nhu động ruột, thúc đẩy việc chữa lành tổn thương đường ruột), bạch phục linh (có tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch), bạch thược (có tác dụng giảm đau do co thắt, ức chế nhu động ruột, chống viêm), hoàng bá (có tác dụng kháng khuẩn, ức chế nhu động ruột) [8]. Sự kết hợp này có hai hướng tác dụng chính là điều hòa nhu động ruột và giảm đau, ngoài ra còn có tác dụng điều hòa miễn dịch, kháng khuẩn, chống oxy hóa. Các tác dụng này hướng tới điều trị các triệu chứng nổi bật của HCRKT thể lỏng là: đau bụng và rối loạn nhu động ruột. Viên nén IBSS01 đã trải qua các nghiên cứu tiền lâm sàng từ năm 2016 cho thấy tính an toàn và tác dụng của thuốc trên thực nghiệm. Nhằm tìm hiểu về hiệu quả và an toàn của viên nén IBSS01, chúng tôi thực hiện đề tài: “Đánh giá hiệu quả và an toàn của viên nén IBSS01 trong điều trị hội chứng ruột kích thích thể lỏng” với hai mục tiêu sau: 1. Đánh giá tác dụng của viên nén IBSS01 trong điều trị hội chứng ruột kích thích thể lỏng tại bệnh viện Đại Học Y Hà Nội năm 2018-2019. 2. Đánh giá an toàn của viên nén IBSS01 trong điều trị hội chứng ruột kích thích thể lỏng tại bệnh viện Đại Học Y Hà Nội năm 2018-2019.  
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3419
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
0474 DƯƠNG CÔNG THÀNH.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.81 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.