Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3034
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HÓA XẠ TRỊ ĐỒNG THỜI UNG THƯ PHỔI BIỂU MÔ TUYẾN GIAI ĐOẠN III BẰNG PHÁC ĐỒ PEMETREXED-CISPLATIN
Tác giả: TRỊNH THẾ, CƯỜNG
Người hướng dẫn: NGUYỄN VĂN, HIẾU
NGUYỄN THỊ, THÁI HÒA
Từ khoá: Ung thư
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: `Ung thư phổi (UTP) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới và nguyên nhân thứ 2 gây tử vong do ung thư ở nữ giới. Theo ước tính của Globocal 2018, có khoảng 2,1 triệu ca UTP mới mắc và 1,8 triệu ca tử vong do UTP gây ra1. Với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao, UTP thực sự là vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, UTP được chia làm 2 nhóm chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN), trong đó UTPKTBN chiếm khoảng 85%, mỗi nhóm có những đặc điểm lâm sàng, phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh khác nhau 2. Ung thư phổi biểu mô tuyến (UTPBMT) chiếm khoảng 60% UTPKTBN. Bệnh UTPKTBN giai đoạn III gặp khoảng 22% tại thời điểm chẩn đoán ban đầu và tỷ lệ sống thêm 5 năm dao động từ 5 đến 20%, kết quả này phụ thuộc vào phương pháp điều trị3. Phẫu thuật có vai trò hạn chế vì đa số các trường hợp không thể cắt bỏ triệt để. Di căn xa là thất bại thường gặp nhất đối với các nghiên cứu về xạ trị đơn thuần. Đây chính là cơ sơ để tiến hành các nghiên cứu phối hợp hóa chất và xạ trị4. Đối với bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III không mổ được có thể trạng tốt, hóa xạ trị đồng thời (HXTĐT) đã chứng minh vượt trội hơn xạ trị đơn thuần ở nhiều nghiên cứu5,6. Ngoài ra, HXTĐT cải thiện thời gian sống thêm toàn bộ so với hóa xạ trị tuần tự (HXTTT) dù có gia tăng độc tính viêm thực quản độ 3-47,8. Vì vậy, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III có thể trạng tốt là hóa xạ trị đồng thời9. Hiện tại chưa có phác đồ hóa chất tối ưu kết hợp đồng thời với xạ trị cho UTPKTBN giai đoạn III không mổ được10. Hai phác đồ hóa chất sử dụng phổ biến hiện nay là etoposide-cisplatin (EP) và paclitaxel-carboplatin (PC) hàng tuần. Nghiên cứu ngẫu nhiên pha III thực hiện trên 191 bệnh nhân, so sánh phác đồ EP với phác đồ PC kết hợp đồng thời xạ trị lồng ngực cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III. Kết quả, tỷ lệ sống thêm 3 năm ở nhánh EP cao hơn nhánh PC (41,1% so với 26%).Trung vị thời gian sống thêm là 23,3 tháng ở nhánh EP so với 20,7 tháng ở nhánh PC. Tỷ lệ viêm thực quản ≥ độ 3 cao hơn ở nhánh EP (20% so với 6,3%). Tỷ lệ viêm phổi ≥ độ 2 cao hơn ở nhóm PC (33,3% so với 18,9%). Tuy nhiên độc tính trên hệ huyết học ở hai nhánh đều cao11. Nghiên cứu PROCLAIM, một nghiên cứu ngẫu nhiên III thực hiện trên 598 bệnh nhân, so sánh phác đồ pemetrexed-cisplatin (PeC) với EP phối hợp đồng thời xạ trị lồng ngực cho bệnh nhân UTPKTBN không vảy giai đoạn III. Kết thúc nghiên cứu, thời gian sống thêm toàn bộ không khác biệt ở nhánh điều trị PeC so với nhánh điều trị EP (26,8 tháng so với 25 tháng). Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn độ 3-4 thấp hơn ở nhánh PeC so với EP (64% so với 76,8%), đặc biệt là tác dụng không mong muốn trên hệ huyết học. Vì vậy, HXTĐT với phác đồ PeC là một tiêu chuẩn mới điều trị bệnh nhân UTPKTBN không vảy giai đoạn III12. HXTĐT ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn III bằng phác đồ PeC đã được đưa vào thực hành lâm sàng tại Bệnh viện K từ cuối năm 2018 nhưng chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam đánh giá hiệu quả của phác đồ này. Vì vậy, tôi tiến hành đề tài “Đánh giá kết quả hóa xạ trị đồng thời ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn III bằng phác đồ pemetrexed-cisplatin” với 2 mục tiêu: 1. Đánh giá kết quả hóa xạ trị đồng thời ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn III bằng phác đồ pemetrexed-cisplatin tại Bệnh viện K. 2. Đánh giá một số tác dụng không mong muốn của phác đồ điều trị.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3034
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
20THS0786.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
2.03 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.