Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này:
http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3033
Nhan đề: | NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN BƯỚU NHÂN TUYẾN GIÁP ĐƯỢC PHÁT HIỆN TÌNH CỜ |
Tác giả: | TRẦN THỊ, HẬU |
Người hướng dẫn: | Nguyễn Quang, Bảy |
Từ khoá: | Nội khoa |
Năm xuất bản: | 2020 |
Nhà xuất bản: | TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI |
Tóm tắt: | Bướu nhân tuyến giáp (BNTG) là một tổn thương khu trú trong nhu mô tuyến giáp, nó có thể phân biệt trên hình ảnh học với nhu mô lành xung quanh1. Đây là một bệnh lý nội tiết rất thường gặp, gặp ở khoảng 50% dân số trên 60 tuổi2. Do sự phổ biến của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc mà số bệnh nhân tình cờ phát hiện bướu nhân tuyến giáp ngày càng tăng, một số nhà nội tiết học đã gọi BNTG phát hiện hình cờ là một “đại dịch hiện đại”3. Ở Mỹ, tỷ lệ BNTG qua thăm khám lâm sàng ước tính là 4 – 7% dân số chung, tần suất tăng lên gấp 10 lần khi được thăm dò bằng chẩn đoán hình ảnh4. Bướu nhân tuyến giáp được phát hiện tình cờ thấy ở 20 – 67% trên các nghiên cứu siêu âm, 25% trên cắt lớp vi tính ngực có tiêm thuốc cản quang, 16 – 18 % trên cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ vùng cổ, 1 – 2% trên PET5–7. Ở Việt Nam, tuy chưa có một thống kê tầm quốc gia, nhưng qua các thống kê khu vực tỷ lệ BNTG cũng không hề thấp. Nghiên cứu của Đỗ Thanh Bình và cộng sự thấy tỷ lệ BNTG trên lâm sàng là 6,2%, trên siêu âm là 11,6%8. Nghiên cứu của Trịnh Văn Tuấn trên 1301 người đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ phát hiện BNTG trên lâm sàng là 5,7%, trên siêu âm tuyến giáp là 22,6%9. Siêu âm là một phương tiện đáng tin cậy trong chẩn đoán BNTG và giúp phát hiện BNTG mà lâm sàng bỏ sót và phát hiện sự thay đổi cấu trúc tuyến giáp từ rất sớm. Do vậy nhiều tác giả như Lê Hồng Cúc, Douglas, Wolinski đã đề xuất nên sử dụng siêu âm là một phương tiện sàng lọc bướu nhân tuyến giáp3,10,11. Chẩn đoán bản chất của BNTG là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lâm sàng, nó quyết định phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Chọc hút tế bào kim nhỏ là kỹ thuật đơn giản nhưng rất giá trị vì có thể cung cấp các thông tin trực tiếp và đặc hiệu về một nhân tuyến giáp. Theo AACE chọc hút tế bào kim nhỏ là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong phân biệt nhân giáp lành tính và ác tính với độ chính xác lên tới 95% nếu người chọc có kinh nghiệm và người đọc có trình độ12. Theo các nghiên cứu kỹ thuật này có tỷ lệ âm tính giả là 1-11%, tỷ lệ dương tính giả 1-8%, độ nhạy 68-98%, độ đặc hiệu 72-100%13. Xét nghiệm cho kết quả nhanh, an toàn, giá trị cao có thể làm tế bào tại u hoặc hạch. Mục tiêu chính trong quản lý BNTG là xác định được tổn thương lành tính hay ác tính. BNTG sờ thấy trên lâm sàng và BNTG không sờ thấy trên lâm sàng có cùng kích thước trên siêu âm có nguy cơ ác tính như nhau1. Ung thư tuyến giáp chiếm 1% các loại ung thư, là loại ung thư tiên lượng tốt do tiến triển chậm, di căn xa ít, do đó nếu chẩn đoán sớm và điều trị tốt thì tỷ lệ sống sót cao14. Một nghiên cứu cộng đồng từ Olmsted County cho thấy số ca mắc ung thư tuyến giáp tăng gấp đôi từ 2000 đến 2012 so với thập kỷ trước đó có thể hoàn toàn do những khối ung thư tiềm ẩn được phát hiện tình cờ bởi chẩn đoán hình ảnh hoặc giải phẫu bệnh15. 95% BNTG không có triệu chứng lâm sàng và hầu hết như vậy trong suốt quá trình theo dõi16. Khi được phát hiện tình cờ, nhiều bệnh nhân có tâm lý lo lắng, sợ hãi, một số bệnh nhân có chỉ định điều trị quá mức, gây ảnh hưởng cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh với các biến chứng không mong muốn, tăng chi phí y tế. Hiện nay có ít hướng dẫn của các tổ chức chuyên nghiệp về quản lý toàn diện các BNTG được phát hiện tình cờ và có sự khác nhau lớn trong các báo cáo về BNTG phát hiện tình cờ từ các nhà hình ảnh học17. Ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu về BNTG nhưng chưa có nghiên cứu nào về BNTG phát hiện tình cờ. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có đặc điểm gì khác, nguy cơ ác tính như thế nào. Vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân bướu nhân tuyến giáp được phát hiện tình cờ" nhằm 2 mục tiêu: 1. Nhận xét hoàn cảnh phát hiện và một số đặc điểm cận lâm sàng của các bệnh nhân bướu nhân tuyến giáp được phát hiện tình cờ có chỉ định chọc hút tế bào kim nhỏ dưới siêu âm. 2. Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của các bệnh nhân bướu nhân tuyến giáp phát hiện tình cờ được chẩn đoán là ung thư. |
Định danh: | http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3033 |
Bộ sưu tập: | Luận văn thạc sĩ |
Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin | Mô tả | Kích thước | Định dạng | |
---|---|---|---|---|
20THS0785.pdf Tập tin giới hạn truy cập | 1.73 MB | Adobe PDF | Đăng nhập để xem toàn văn |
Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.