Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3004
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ GIẢM ĐAU CỦA GÂY TÊ ĐÁM RỐI THẦN KINH CỔ NÔNG HAI BÊN DƯỚI HƯỚNG DẪN SIÊU ÂM Ở BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT CẮT TUYẾN GIÁP
Tác giả: NGUYỄN XUÂN, ANH
Người hướng dẫn: PHẠM QUANG, MINH
Từ khoá: Gây mê hồi sức
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: Phẫu thuật cắt tuyến giáp là một can thiệp ngoại khoa phổ biến để điều trị cho nhiều bệnh lý tuyến giáp, các phẫu thuật này là nguyên nhân gây đau ở mức độ nhẹ đến trung bình. Hậu quả của đau sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục sức khỏe, khả năng nuốt, vận động cổ, biến chứng sau mổ cũng như tâm lý và thời gian nằm viện 1. Trong một nghiên cứu của Gozal và cộng sự 2, mức độ đau trung bình ước tính trên thang điểm nhìn hình đồng dạng (Visual Analog Scale -VAS) là 6,9 và 90% bệnh nhân cần sử dụng thuốc giảm đau toàn thân opioids hoặc thuốc chống viêm không steroid (Nonsteroidal anti-inflammatory drug -NSAID). Còn trong nghiên cứu của Sonner và cộng sự 3, mức độ đau là hơn 4,0 trên thang điểm VAS. Những bệnh nhân (BN) này thường sẽ được giảm đau sau phẫu thuật bằng các thuốc giảm đau toàn thân opioids và NSAID. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ không muốn lạm dụng NSAID hoặc opioids ngay sau khi phẫu thuật vì sợ biến chứng chảy máu có thể xảy ra. Hơn nữa, các thuốc NSAID hoặc opiods có nhiều tác dụng không mong muốn (TDKMM) như buồn nôn và nôn sau phẫu thuật tuyến giáp. Một trong những giải pháp hiện nay để giảm đau trong và sau phẫu thuật tuyến giáp cũng như để giảm thiểu đáng kể các tác dụng không mong muốn khi sử dụng các thuốc giảm đau đường toàn thân là có thể tiến hành giảm đau bằng phương pháp gây tê đám rối thần kinh cổ nông (ĐRTKCN). Hơn nữa, theo tác giả Wattier và cộng sự 4, nghiên cứu ở 304 bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp, cho rằng tỉ lệ đau mãn tính sau 3 tháng và 6 tháng theo thang điểm đau thần kinh (Douleur Neuropathique 4 questions – DN4) tăng gấp 2,51 lần ở nhóm chỉ được giảm đau toàn thân đường tĩnh mạch so với nhóm được giảm đau bằng gây tê ĐRTKCN. Tại Việt Nam, việc gây tê ĐRTKCN thường dùng kỹ thuật gây tê dựa vào mốc giải phẫu. Tuy nhiên, việc gây tê ĐRTKCN dưới hướng dẫn siêu âm lại có nhiều ưu điểm vượt trội so với kỹ thuật dựa vào mốc giải phẫu như: Khả năng quan sát trực tiếp các dây thần kinh và các cấu trúc giải phẫu lân cận. Đồng thời, cho phép quan sát trực quan sự chuyển động của kim gây tê và sự lây lan của thuốc, do đó làm cho quy trình an toàn và hiệu quả hơn so với kỹ thuật xác định dựa vào mốc giải phẫu. Một số trường hợp còn chứng minh được việc rút ngắn thời gian gây tê và thời gian khởi phát tác dụng nhanh hơn so với kỹ thuật thông thường. Hiệu quả của việc gây tê ĐRTKCN dưới hướng dẫn siêu âm đạt được do sự lắng đọng chính xác của thuốc tê ở gần dây thần kinh, dẫn đến việc phong bế đám rối thần kinh nhanh hơn và lâu hơn. Ở Việt Nam cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có một nghiên cứu nào về hiệu quả của kỹ thuật gây tê này dưới hướng dẫn siêu âm để giảm đau trong và sau phẫu thuật tuyến giáp. Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá hiệu quả giảm đau của gây tê đám rối thần kinh cổ nông hai bên dưới hướng dẫn siêu âm ở bệnh nhân phẫu thuật cắt tuyến giáp” với 2 mục tiêu: 1. Đánh giá hiệu quả giảm đau trong và sau phẫu thuật của phương pháp gây tê đám rối thần kinh cổ nông hai bên dưới hướng dẫn siêu âm. 2. Đánh giá các tác dụng không mong muốn và biến chứng của phương pháp trên.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3004
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
20THS0778.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
2.32 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.