Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2998
Title: “Đánh giá kết quả điều trị ung thư đại trực tràng di căn gan không còn chỉ định phẫu thuật triệt căn bằng hóa chất phối hợp đốt sóng cao tần tại bệnh viện K”
Authors: VŨ ĐỨC, QUÂN
Advisor: TRẦN, THẮNG
Keywords: Ung thư
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Theo Globocan 2018, trên thế giới ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới, hàng năm có khoảng 1,8 triệu trường hợp mới được phát hiện (chiếm 10,2% tổng số tất cả các loại ung thư); đồng thời đứng thứ 2 về tỷ lệ tử vong sau ung thư phổi (chiếm 9,2% trong các bệnh ung thư) 1. Tại Việt Nam, UTĐTT đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc mới với khoảng 14733 trường hợp mới được phát hiện trong một năm (chiếm 8,7% tổng số tất cả các loại ung thư); tỷ lệ mắc mới hàng năm tính riêng của ung thư đại tràng và ung thư trực tràng lần lượt là 3,3% và 5,4%. Tỷ lệ tử vong hàng năm tại Việt Nam của ung thư đại tràng là 2,8% và ung thư trực tràng là 4,1% 2. Do đặc điểm giải phẫu, hệ thống tĩnh mạch của đại trực tràng đổ về gan, nên tỷ lệ di căn gan của UTĐTT là rất cao. 50% các bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn sẽ xuất hiện di căn gan 3. Ung thư đại trực tràng di căn gan được chia thành 2 nhóm phẫu thuật được và không phẫu thuật được. Nhóm không phẫu thuật được lại chia thành có tiềm năng phẫu thuật được và không có tiềm năng phẫu thuật được. Phẫu thuật là lựa chọn điều trị triệt căn cho bệnh nhân, đem lại tiên lượng và chất lượng cuộc sống tốt cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan. Sống thêm 5 năm sau phẫu thuật đạt 35-58% 4,5,6,7. Tuy nhiên, chỉ 10-20% bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan có khả năng phẫu thuật triệt căn 8. Lý do chủ yếu khiến bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan không thể phẫu thuật triệt căn vì kích thước khối u, vị trí khối u, tính chất đa ổ của khối u gan hoặc dự trữ gan không đủ. Hóa chất toàn thân là điều trị chuẩn cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan không có chỉ định phẫu thuật triệt căn. Các phác đồ sử dụng Oxaliplatin hoặc Irinotecan phối hợp với 5-fluorouracil và Leucovorin đã cải thiện tỷ lệ đáp ứng từ 20% lên 50%. Các thuốc điều trị đích như Bevacizumab hoặc Cetuximab làm tăng tỷ lệ đáp ứng lên khoảng 70% 9. Trong hơn một thập kỷ qua, đã có nhiều tiến bộ trong can thiệp nhằm kiểm soát tại chỗ khối u gan như: phá hủy khối u bằng nhiệt của sóng cao tần, tắc mạch hóa chất; tắc mạch xạ trị với Yttrium-90; tiêm ethanol hoặc acid acetic vào khối u, đốt lạnh. Đốt nhiệt sóng cao tần (Radiofrequency ablation-RFA): được giới thiệu ở đầu những năm 1990. Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn, an toàn và được sử dụng ngày càng nhiều để điều trị ung thư đại trực tràng di căn gan. Kết hợp ĐNSCT với hóa chất toàn thân là một phương pháp điều trị đa mô thức, phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Sự phối hợp này đã được chứng minh trong một số nghiên cứu về tính an toàn, cải thiện đáp ứng và kéo dài thời gian sống thêm không bệnh và sống thêm toàn bộ so với điều trị hóa chất đơn thuần 10. Kỹ thuật đốt sóng cao tần được triển khai tại bệnh viện K từ năm 2017. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá về kết quả của việc sử dụng phối hợp điều trị hóa chất với ĐNSCT ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan tại bệnh viện K. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá kết quả điều trị ung thư đại trực tràng di căn gan không còn chỉ định phẫu thuật triệt căn bằng hóa chất phối hợp đốt sóng cao tần tại bệnh viện K” nhằm 2 mục tiêu: 1. Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của ung thư đại trực tràng di căn gan không có khả năng phẫu thuật triệt căn 2. Đánh giá kết quả điều trị hóa chất phối hợp đốt nhiệt sóng cao tần trên nhóm bệnh nhân nghiên cứu 
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2998
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
20THS0776.pdf
  Restricted Access
1.72 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.