Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2965
Nhan đề: THỰC TRẠNG BÁO CÁO CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM TẠI TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2019 VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN
Tác giả: BÙI HUY, HOÀNG
Người hướng dẫn: NGUYỄN ĐĂNG, VỮNG
NGUYỄN ĐỨC, KHOA
Từ khoá: Y học dự phòng
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm (BTN) đã trở thành mối quan tâm đặc biệt trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Sự xuất hiện của các BTN mới nổi như đại dịch cúm A(H1N1), cúm A(H7N9), Ebola, SARS, MERS-CoV, Zika và hiện tại đang xảy ra đại dịch COIVD-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội của đất nước. Giám sát BTN là một phần của hệ thống giám sát công cộng và hệ thống thông tin y tế 1. Tại Việt Nam, Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch BTN, là Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống BTN (TT54). TT54 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thay thế cho Thông tư số 48/2010/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo BTN (TT48). Điểm thay đổi lớn nhất trong TT54 so với TT48, thứ nhất là quy định báo cáo chi tiết từng trường hợp bệnh (THB) trong vòng 24 - 48 giờ ngay sau khi có chẩn đoán thay cho chỉ báo cáo tổng số mắc và tổng số chết hằng tuần trước đây, qui định này giúp cung cấp thông tin về các THB kịp thời hơn và chi tiết hơn cho công tác phân tích dịch tễ học tình hình dịch bệnh; thứ hai là quy định đơn vị trực tiếp phải nhập liệu báo cáo THB là từ các cơ khám, chữa bệnh thay cho đơn vị y tế dự phòng trước đây 2,3. Đồng thời với thay đổi quy định về nội dung và quy trình báo cáo, Bộ Y tế đã phát triển Hệ thống báo cáo BTN trực tuyến, phục vụ cho công tác báo cáo, thống kê và quản lý số liệu. Thông tin, số liệu được báo cáo kịp thời, chính xác, thuận lợi cho công tác giám sát, điều tra, thống kê, phân tích dịch bệnh, giảm tải công việc thủ công, giấy tờ. Sau 3 năm thực hiện, đã có 1.073.441 trường hợp mắc BTN được khai báo chi tiết từ 14.878 CSYT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã nảy sinh một số vấn đề: nhiều đơn vị, địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thông tin báo cáo, khai báo bệnh, dịch BTN trong công tác đáp ứng, phòng chống BTN, dẫn đến việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa được đầy đủ; nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực hiện báo cáo BTN trên hệ thống báo cáo trực tuyến của Bộ Y tế; lãnh đạo nhiều đơn vị chưa có chỉ đạo quyết liệt và tạo các điều kiện về nguồn lực để triển khai thực hiện Thông tư; cán bộ được phân công nhập liệu chưa thực hiện nhập liệu đầy đủ, đúng hạn và thiếu tính chính xác; quy trình báo cáo của nhiều đơn vị chưa hợp lý; phần mềm báo cáo BTN còn có nhiều hạn chế. Do vậy, việc đầu tư thêm nhiều nguồn lực để tăng cường hệ thống giám sát các BTN được ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu về kiểm soát và phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn. Tại Hà Nội, từ năm 2002 đã thực hiện quy trình giám sát, báo cáo BTN gây dịch theo Quy chế thông tin, báo cáo BTN gây dịch ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế và từ năm 2011 thực hiện theo TT48 và TT54 2-4. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, việc báo cáo các bệnh truyền nhiễm ở tuyến y tế cơ sở của thành phố Hà Nội hiện nay ra sao, có những thuận lợi, khó khăn gì? Chất lượng số liệu báo cáo THB truyền nhiễm thực tế như thế nào ở mỗi tuyến? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng số liệu báo cáo THB truyền nhiễm. Có những nội dung nào có thể cải thiện để nâng cao chất lượng số liệu báo cáo? Có những mô hình, quy trình báo cáo, bài học kinh nghiệm tốt nào có thể phổ biến cho các đơn vị khác tham khảo, học tập. Từ những vấn đề kể trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Thực trạng báo cáo các bệnh truyền nhiễm tại tuyến y tế cơ sở của Thành phố Hà Nội năm 2019 và một số yếu tố liên quan”. Mục tiêu của nghiên cứu: 1. Mô tả thực trạng báo cáo các bệnh truyền nhiễm tại tuyến y tế cơ sở của Thành phố Hà Nội năm 2019. 2. Phân tích một số thuận lợi, khó khăn và yếu tố liên quan đến báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm tại tuyến y tế cơ sở của Thành phố Hà Nội năm 2019.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2965
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
20THS0738.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.78 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.