Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2816
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI SAU PHÚC MẠC CẮT CHỎM NANG THẬN TẠI KHOA NGOẠI TỔNG HỢP BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Tác giả: LORN, SOPHEAK
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn, Minh Tuấn
Từ khoá: Ngoại khoa
Năm xuất bản: 2021
Nhà xuất bản: Đại học Y Hà Nội
Tóm tắt: Nang thận được định nghĩa là tổn thương dạng nang hình thành từ nhu mô thận, chỉ ở một thùy thận, không thông với đài bể thận. Đây là bệnh lành tính. Bệnh hay gặp ở người lớn, ít gặp ở trẻ nhỏ và tỷ lệ mắc tăng theo tuổi1. Theo Laucks và Mc Lachlan (1981) tỷ lệ mắc bệnh ở những người trên 40 tuổi là 20% và những người trên 60 tuổi là 33%1. Kissane và Smith khi mổ tử thi thấy hơn một nửa số người trên 50 tuổi có nang thận (1975). Nang thận ít khi biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân thường đến viện vì những triệu chứng không đặc hiệu: Đau thắt lưng, đái máu, tăng huyết áp, nhiễm khuẩn niệu. Bệnh có thể gây các biến chứng: Chèn ép hệ thống đài bể thận, vỡ tự phát hoặc vỡ do chấn thương và chảy máu trong nang1-3. Có nhiều thuyết về cơ chế bệnh sinh nhưng đến nay vẫn chưa khẳng định rõ ràng. Giả thuyết bẩm sinh được Kampmeire mô tả lần đầu 1923, giả thuyết mắc phải được Feiner đưa ra năm 19811,4. Chẩn đoán xác định dựa vào siêu âm và chụp cắt lớp vi tính. Điều trị chỉ đặt ra khi nang thận có biểu hiện triệu chứng. Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh. Trước những năm 1970 mổ mở cắt chỏm nang thận hoặc cắt thận bán phần được sử dụng. Phương pháp này có ưu điểm là điều trị triệt để song phải sử dụng đường mổ lớn (đường mở bụng hoặc thắt lưng) cho một phẫu thuật đơn giản, thời gian nằm viện kéo dài5-8. Giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1990 phương pháp chọc hút nang không hoặc có bơm thuốc gây xơ hóa nang được ứng dụng. Đây là một phương pháp điều trị đơn giản, nhất là khi có hướng dẫn của siêu âm. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao khác nhau tùy từng tác giả từ 21% đến 85%7. Hơn nữa việc một số tác giả bơm chất làm xơ hóa nang nhưng chưa theo dõi các bệnh nhân một cách lâu dài xem có ảnh hưởng đến nhu mô thận và hệ thống đài bể thận không cũng là một hạn chế. Từ sau năm 1990 đến nay phương pháp mổ nội soi ổ bụng cắt chỏm nang thận được áp dụng rộng rãi và cho kết quả tốt9-14. Tại hội nghị ngoại khoa toàn quốc năm 2000, Trần Bình Giang và cộng sự báo cáo kết quả bước đầu ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt chỏm nang thận ở 30 bệnh nhân sau đó phương pháp này đã được ứng dụng cho nhiều trường hợp tại bệnh viện Việt Đức. Năm 2002 Trần Chí Thanh đã nghiên cứu kết quả điều trị nang thận bằng phương pháp nội soi ổ bụng ở 100 bệnh nhân với kết quả tốt và khá đạt 71,5% (lần lượt là 58,9% và 12,6%)4. Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt chỏm nang thận từ năm 2005. Đến năm 2017 theo nghiên cứu của Trần Hiếu Học và cộng sự nghiên cứu trên 56 bệnh nhân cắt chỏm nang thận bằng hai phương pháp phẫu thuật trong phúc mạc và sau phúc mạc. Kết quả hết nang và hết triệu chứng là 64,3% và 76,8%, biến chứng sau mổ 10,7%15. Với mong muốn đánh giá lại kết quả phẫu thuật bằng phương pháp này chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt chỏm nang thận tại Khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện Bạch Mai” với mục đích: 1. Mô tả một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nang thận được phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt chỏm nang thận tại Khoa Ngoại Tổng Hợp Bệnh viện Bạch Mai. 2. Đánh giá kết quả phương pháp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt chỏm nang thận tại Khoa Ngoại Tổng Hợp Bệnh Viện Bạch Mai.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2816
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
2021THS0911.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.64 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.