Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2785
Title: Nghiên cứu hình ảnh chụp mạch dị dạng thông động - tĩnh mạch não và kết quả điều trị nút mạch bằng ONYX tại bệnh viện đa khoa Saint-Paul
Authors: ĐỖ, TRƯỜNG GIANG
Advisor: TS. PHẠM, HỒNG ĐỨC
Keywords: Chẩn đoán hình ảnh
Issue Date: 2020
Publisher: Đại học Y Hà Nội
Abstract: Dị dạng thông động tĩnh mạch não (DDTĐTMN) là tổn thương bao gồm phức hợp mạch máu có dòng chảy cao do thông trực tiếp giữa động mạch và tĩnh mạch mà không có giường mao mạch trung gian, thay vào đó là ổ dị dạng mạch hay còn gọi là nidus. Đây là bệnh hiếm gặp trong các bệnh lý thần kinh trung ương nhưng có tỷ lệ biến chứng tương đối cao1. Tổn thương này được coi là bẩm sinh tiến triển theo thời gian, thường có biểu hiện triệu chứng ở độ tuổi 20-40 tuổi2. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là xuất huyết, đau đầu, động kinh, biểu hiện thần kinh khu trú. Trong số đó biểu hiện xuất huyết não là thường gặp nhất cũng như có thể để lại di chứng nặng nề cũng như nguy cơ tử vong3.Tỷ lệ vỡ trong y văn là 2-3% hàng năm (lũy tiến). Tỷ lệ xuất huyết hàng năm của DDTĐTMN chưa vỡ khoảng 1-2%, tỷ lệ xuất huyết hàng năm của DDTĐTMN đã vỡ cao hơn, khoảng từ 4-5%1,4. Đối với DDTĐTMN chưa vỡ nhưng có biểu hiện lâm sàng như động kinh, đau đầu, cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của bệnh nhân bên cạnh nguy cơ vỡ tiềm tàng. Với những đặc điểm như vậy, DDTĐTMN cần được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị thích hợp. Chẩn đoán DDTĐTMN hiện có ba phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính bao gồm: Cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ và chụp mạch số hóa xóa nền. Trong đó chụp mạch não bằng máy số hóa xóa nền chiếm vị trí quan trọng trong chẩn đoán xác định, phân tích chi tiết đặc điểm hình thái và đưa ra quyết định điều trị cũng như theo dõi sau điều trị5. Về phương pháp điều trị, hiện nay có bốn phương pháp điều trị chính là vi phẫu,xạ phẫu, nút mạch và điều trị bảo tồn. Trong đó điều trị can thiệp gây tắc mạch là phương pháp có thể điều trị khỏi độc lập hoặc phối hợp với các phương pháp khác nhằm điều trị khỏi hoàn toàn, điều trị bổ trợ trước phẫu thuật và xạ phẫu, hoặc nhằm mục đích giảm triệu chứng lâm sàng và nguy cơ xuất hiện biến chứng6. Nguy cơ xuất huyết cao của DDTĐTMN đã vỡ là cơ sở cho chỉ định điều trị can thiệp đối với nhóm này. Đối với DDTĐTMN chưa vỡ thì vấn đề điều trị can thiệp hay điều trị bảo tồn vẫn đang là điều còn bàn cãi, đặc biệt là sau khi thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng ARUBA được công bố 7-9. Nghiên cứu ARUBA là hồi chuông cảnh báo rằng điều trị can thiệp sẽ đi kèm với nguy cơ nhất định, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ trước khi lựa chọn điều trị bảo tồn hay điều trị can thiệp đối với bệnh nhân DDTĐTMN chưa vỡ.6 Vật liệu nút mạch thường được sử dụng trước đây là keo sinh học (Histoacryl). Đây là hóa chất tắc mạch vĩnh viễn có đặc tính đông đặc rất nhanh khi ra khỏi lòng mạch. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm của vật liệu nút mạch này vì không gây tắc được nhiều khoang trong ổ dị dạng ở cùng một lần bơm chất tắc mạch. Ngoài ra tỷ lệ pha Histoacryl với Lipiodol phải hợp lý để vừa tránh trôi hóa chất vào tĩnh mạch.10 Từ cuối những năm 1990, trên thế giới xuất hiện loại vật liệu nút mạch mới đã hạn chế được một số nhược điểm của Histoacryl gọi là Onyx. Nhờ vậy Onyx ngày càng được sử dụng rộng rãi và thay thế dần các vật liệu nút mạch cổ điển khác trong can thiệp thần kinh11. Ở Việt Nam, Onyx bắt đầu được sử dụng từ năm 2005 để điều trị nút DDTĐTMN và một số trường hợp thông động mạch – màng cứng (FD). Phương pháp can thiệp nút mạch bằng Onyx cũng là biện pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân DDTĐTMN tại bệnh viện Saint-Paul. Tuy nhiên hiện nay chưa có nghiên cứu nào phân tích một cách đầy đủ và hệ thống các đặc điểm cấu trúc mạch trước can thiệp nội mạch và đặc biệt là kết quả điều trị DDTĐTMN bằng phương pháp này tại bệnh viện Saint-Paul. Vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài này với hai mục tiêu sau: 1. Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh dị dạng thông động tĩnh mạch não trên chụp mạch số hóa xóa nền tại bệnh viện đa khoa Saint-Paul 2. Đánh giá kết quả điều trị gây tắc DDTĐTMNbằng Onyx và các yếu tố ảnh hưởng tại bệnh viện đa khoa Saint-Paul.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2785
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2020THS0951.pdf
  Restricted Access
2.41 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.