Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2761
Title: Thực trạng mắc bệnh bụi phổi silic của người lao động ở một công ty sản xuất xi măng tại tỉnh Hải Dương và một số yêu tố liên quan
Authors: ĐẶNG, PHƯƠNG LINH
Advisor: TS. Nguyễn, Ngọc Anh
Keywords: Y học dự phòng
Issue Date: 2019
Publisher: Đại học Y Hà Nội
Abstract: Bệnh bụi phổi silic (BPSi) là bệnh xơ hóa phổi tiến triển do hít phải bụi chứa Silic tự do (SiO2) gây ra trong quá trình lao động. Vì vậy, người lao động trong môi trường có tiếp xúc với bụi silic tự do thường dễ nhiễm bệnh này và đặc biệt những người mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp mãn tính có nguy cơ nhiễm bệnh BPSi cao hơn người bình thường. Bệnh BPSi là bệnh không hồi phục, và đồng thời chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Với tính chất như trên, tại Việt Nam, bệnh BPSi đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù từ năm 1976. Và theo quy định mới nhất, bệnh BPSi đã được bao gồm trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế (BYT) quy định danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp. Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2014 cả nước ta có 28.274 người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó số người bị mắc các bệnh bụi phổi là 20.993 chiếm 74,2% và chủ yếu là bệnh BPSi [1] Nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh BPSi, Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (International Labour Organization - ILO) đã xây dựng Chiến lược loại trừ bênh BPSi trên phạm vi toàn cầu từ năm 1995. Chiến lược này nhắm đến các nước coi trọng vấn đề loại trừ bệnh BPSi và tham gia bằng cách xây dựng Chiến lược quốc gia về loại trừ bệnh BPSi [2]. Từ năm 1998, nhận thấy tính cấp bách của nguy cơ mắc BPSi trong công nhân lao động Việt Nam và tầm quan trọng của công tác phòng chống BPSi, hưởng ứng chiến lược toàn cầu của WHO và ILO, chính phủ đã giao cho BYT và các cơ quan liên ngành thực hiện Kế hoạch phòng chống BPSi với mục tiêu là thanh toán BPSi vào năm 2030 và giảm tỷ lệ mới mắc vào năm 2010 [3]. Sản xuất xi măng là ngành công nghiệp nặng nhọc với nhiều yếu tố nguy cơ cho người lao động như bụi, hơi khí độc, tiếng ồn…. Sự tiếp xúc thường xuyên và lâu dài đối với yếu tố nguy cơ chính là một trong những nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật của người lao động trong ngành sản xuất xi măng. Hải Dương là một trong những địa phương có trữ lượng đá vôi lớn (khoảng 200 triệu tấn), chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Chí Linh và Kinh Môn [4]. Đá vôi là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất xi măng, vì vậy, đây cũng là một trong những địa phương có ngành công nghiệp xi măng phát triển mạnh. Hải Dương hiện có 4 nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò quay với tổng công suất khoảng 7,83 triệu tấn/năm. Ngoài ra còn 4 nhà máy xi măng lò đứng sản xuất gần 0,77 triệu tấn/năm, 5 trạm nghiền xi măng với tổng công suất 0,73 triệu tấn/năm [5]. Công ty xi măng Phúc Sơn là một trong những nhà máy sản xuất xi măng lớn của tỉnh Hải Dương với sản lượng năm 2014 lên tới 3.600.000 tấn năm [6]. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về thực trạng bệnh BPSi của người lao động trực tiếp tham gia sản xuất xi măng cũng như các yếu tố liên quan đến tình trạng này được thực hiện ở công ty. Với tính chất diễn biến thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm và không thể hồi phục được, bệnh BPSi thường gây ra các tác hại tăng dần vĩnh viễn cho người bệnh. Vì vậy, việc dự phòng, phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh BPSi là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động, đặc biệt trong ngành sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Trên cơ sở đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu đề tài “Thực trạng mắc bệnh bụi phổi silic của người lao động ở một công ty sản xuất xi măng tại tỉnh Hải Dương và một số yêu tố liên quan”, nhằm các mục tiêu: 1. Xác định tỷ lệ hiện mắc bệnh bụi phổi silic ở người lao động tiếp xúc trực tiếp với bụi silic tại Công ty xi măng Phúc Sơn, năm 2018. 2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến tỷ lệ hiện mắc bệnh bụi phổi silic ở người lao động tiếp xúc trực tiếp với bụi silic tại Công ty xi măng Phúc Sơn, năm 2018.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2761
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2019THS0991.pdf
  Restricted Access
1.65 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.