Please use this identifier to cite or link to this item:
http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2758
Title: | ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ “CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH TRONG VÀ SAU ĐỢT CẤP COPD” TẠI BỆNH VIỆN PHỔI TRUNG ƯƠNG |
Authors: | KIM, ANH TÙNG |
Advisor: | GS. TS. CAO, MINH CHÂU |
Keywords: | PHỤC HỒI CHỨC NĂNG |
Issue Date: | 2019 |
Publisher: | Đại học Y Hà Nội |
Abstract: | Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) đặc trưng bởi hạn chế luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phân tử và khí độc hại [1]. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là bệnh lý toàn cầu, có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu trên thế giới gây ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế xã hội và gánh nặng này đang ngày càng tăng lên. Nhìn chung tỷ lệ mắc BPTNMT qua các điều tra đã công bố thay đổi từ dưới 1% đến trên 18% [2]. Tỷ lệ tử vong do BPTNMT đứng hàng thứ 3 sau nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Với sự gia tăng hút thuốc lá ở các nước phát triển và dân số già hóa ở các nước đang phát triển, số lượng người mắc COPD được dự đoán sẽ tăng lên trong 30 năm tới và vào năm 2030 có khoảng 4,5 triệu người tử vong do COPD và các bệnh đồng mắc [1]. Theo nghiên cứu năm 2006 – 2007, tỷ lệ mắc COPD ở Việt Nam trong cộng đồng dân cư từ 15 tuổi trở lên là 2,2%, nam: 3,5%, nữ: 1,1%. Tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%, nam: 7,1% và nữ: 1,9% [3]. Đợt cấp COPD là những biến cố nghiêm trọng trong tiến trình tự nhiên của bệnh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của bệnh nhân [4], mất nhiều thời gian để phục hồi về lâm sàng và chức năng hô hấp [5], đẩy nhanh tốc độ suy giảm chức năng phổi [6], làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong, đặc biệt là những bệnh nhân phải nằm viện [7]. Trung bình mỗi bệnh nhân mắc khoảng 0,8 – 2,5 đợt cấp COPD mỗi năm [8]. Theo báo cáo tại Anh, với những trường hợp phải điều trị nội trú, 34% bệnh nhân phải tái nhập viện và 14% tử vong trong vòng 3 tháng. Hơn nữa, đợt cấp COPD là gánh nặng kinh tế lớn cho xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe, chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí cho COPD [8]. Phục hồi chức năng hô hấp là chương trình can thiệp đa thành phần dành cho bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính, bao gồm các buổi tập luyện và tư vấn giáo dục để tăng cường thể chất, các hoạt động xã hội và làm giảm các triệu chứng. Đây là một điều trị bổ sung quan trọng trong các hướng dẫn quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và là can thiệp không dùng thuốc hiệu quả nhất trong việc cải thiện khả năng tập luyện và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, tính hiệu quả của chương trình phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân đợt cấp COPD còn ít dữ liệu và không thống nhất giữa nhiều nghiên cứu [8]. Một số nghiên cứu cho thấy phục hồi chức năng đem lại nhiều lợi ích như Foster và cộng sự đã chứng minh những thay đổi tích cực trong khả năng tập luyện, chức năng phổi và khí máu động mạch [9]. Puhan và đồng nghiệp chỉ ra sự cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, tỷ lệ tử vong [10]. Trong khi đó, các nghiên cứu khác đã không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa trong việc cải thiện triệu chứng, chất lượng cuộc sống hay khả năng tiêu thụ oxy như của Eaton năm 2009, Ko và các cộng sự năm 2011 [11], [12]. Các nghiên cứu cho đến nay chỉ bao gồm một số lượng nhỏ bệnh nhân, chương trình can thiệp chưa toàn diện và sự tuân thủ với can thiệp của đối tượng nghiên cứu còn thấp. Tại Việt Nam cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Vì vậy, đề tài: “Đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp phục hồi chức năng cho người bệnh trong và sau đợt cấp COPD tại Bệnh viện Phổi Trung ương” được tiến hành nhằm mục tiêu: 1. Đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp phục hồi chức năng cho người bệnh trong và sau đợt cấp COPD tại Bệnh viện Phổi trung ương. 2. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chương trình can thiệp phục hồi chức năng cho người bệnh trong và sau đợt cấp COPD tại Bệnh viện Phổi trung ương. |
URI: | http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2758 |
Appears in Collections: | Luận văn thạc sĩ |
Files in This Item:
File | Description | Size | Format | |
---|---|---|---|---|
2019THS0988.pdf Restricted Access | 2.28 MB | Adobe PDF | Sign in to read |
Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.