Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2757
Title: Đặc điểm dịch tễ học lâm sàng nhiễm khuẩn sơ sinh và tính kháng kháng sinh của một số vi khuẩn tại bệnh viện Phụ sản Trung ương
Authors: HÀ, ĐỨC DŨNG
Advisor: PGS.TS. Nguyễn Thị, Việt Hà
TS. Lê, Minh Trác
Keywords: Nhi khoa
Issue Date: 2019
Publisher: Đại học Y Hà Nội
Abstract: Nhiễm khuẩn huyết sơ sinh là một hội chứng lâm sàng xuất hiện trong vòng 28 ngày đầu của cuộc đời với biểu hiện của hội chứng nhiễm khuẩn toàn thân và xuất hiện vi khuẩn trong máu [1]. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc nhiễm khuẩn huyết sơ sinh vẫn là tình trạng bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh [1], mặc dù y học hiện đại đã phát triển nhiều biện pháp phòng và điều trị [2]. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,1 triệu trẻ sơ sinh tử vong, chủ yếu tại các nước đang hoặc kém phát triển [1]. Phần lớn nguyên nhân của các trường hợp tử vong này là do nhiễm khuẩn huyết sơ sinh, viêm màng não và viêm phế quản phổi [3]. Mặc dù được cứu sống, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn huyết có các di chứng về phát triển tâm thần vận động về sau này khá cao, là gánh nặng đối với y tế cộng đồng của các quốc gia [4]. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn huyết sơ sinh ước tính là 2202 trên 100.000 ca sinh sống với tỷ lệ tử vong dao độngtừ 11% đến 19%. 3 trong số 10 ca tử vong vì nhiễm khuẩn sơ sinh được cho là do nhiễm các chủng vi khuẩn kháng thuốc [5], [7]. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh có thể do các vi khuẩn gram dương, gram âm hoặc do nấm Candida [8]. Sự đa dạng của các tác nhân gây bệnh thay đổi theo từng vùng, từng quốc gia và từng thời gian do sự thay đổi về chỉ định sử dụng các loại kháng sinh trong điều trị cũng như sự thay đổi lối sống, điều kiện chăm sóc y tế [8], [9]. Nhiều yếu tố được xác định có ảnh hưởng tới sự gia tăng nguy cơ cũng như tỷ lệ nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh [8]. Trong một phân tích gộp tại Trung Quốc, căn nguyên hàng đầu gây nhiễm khuẩn là Staphylococcus tiếp đến là các vi khuẩn gram âm. Trên 60% các trường hợp nhiễm Staphylococcus aureus kháng methicillin trong khi đó tỷ lệ các vi khuẩn gram âm như Escherichia và Klebsiella kháng các cephalosporin thế hệ thứ ba lên tới 50% [11]. Trong một nghiên cứu tại Mỹ, nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn sơ sinh là Escherichia coli (42%) và Streptococcus nhóm B (23%) [11]. Tại Việt Nam, theo kết quả của một nghiên cứu trên 2202 trẻ có chỉ định cấy máu tại bệnh viện Nhi đồng 1, 17,5% trẻ có kết quả cấy máu dương tính với nguyên nhân chủ yếu là gram âm như Klebsiella (20%), Acinetobacter (15%) và Escherichia coli (5%) [12]. 57,6% trẻ được xác nhận là nhiễm khuẩn sơ sinh sớm được công bố trong nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hà và cộng sự tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương [13]. Chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh là một thách thức với các bác sỹ chuyên khoa sơ sinh vì các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu và mất nhiều thời gian để có được kết quả xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm khuẩn. Trong trường hợp đó các liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm là rất cần thiết cho tới khi chúng ta có thể loại trừ được tình trạng nhiễm khuẩn. Khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn khó khăn hơn cũng như hiệu quả điều trị ngày càng giảm do tình trạng kháng kháng sinh có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới [15]. Xuất phát từ vấn đề này, chúng tôi thực hiện đề tài: “Đặc điểm dịch tễ học lâm sàng nhiễm khuẩn sơ sinh và tính kháng kháng sinh của một số vi khuẩn tại bệnh viện Phụ sản Trung ương” với hai mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm dịch tễ học lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. 2. Nhận xét tình trạng kháng kháng sinh của một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2757
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2019THS0987.pdf
  Restricted Access
1.6 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.