Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2710
Title: THỰC TRẠNG LO ÂU, TRẦM CẢM, STRESS Ở HỌC SINH BA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA NĂM 2019 VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN
Authors: LÊ, TUẤN ANH
Advisor: PGS.TS. Lê, Thị Tài
TS. Lê Thị, Lan Hương
Keywords: Y tế công cộng
Issue Date: 2020
Publisher: Đại học Y Hà Nội
Abstract: Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải chỉ không có bệnh hay tàn phế [1]. Bên cạnh sức khỏe về thể chất, sức khỏe tâm thần là một yếu tố không thể thiếu khi đề cập đến khái niệm sức khỏe. Xã hội càng phát triển, sức khỏe tâm thần và các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần càng được chú trọng, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của nhóm thanh, thiếu niên là nòng cốt và tương lai của sự phát triển xã hội. Học sinh trung học phổ thông (THPT) ở trong lứa tuổi được coi là giai đoạn cuối của tuổi dậy thì ở cả nam và nữ, giai đoạn kết thúc một thời kỳ phát triển nhanh cả về thể chất cũng như phát triển tâm lý [2]. Tuy nhiên, đây là giai đoạn dễ bị tổn thương về mặt sức khỏe tâm thần do có nhiều yếu tố nguy cơ như áp lực học tập cao, sự phát triển tâm lý khiến nhóm đối tượng này dễ bốc đồng và dẫn đến các hành vi lệch lạc, các tệ nạn xã hội. Lo âu, trầm cảm và stress là những biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần thường gặp ở thanh thiếu niên [3]. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng từ 10 - 20% trẻ em và thanh thiếu niên có các rối loạn về sức khỏe tâm thần, một nửa trong số đó bắt đầu khi 14 tuổi và 75% các trường hợp rối loạn sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên gặp ở độ tuổi từ 16 - 20 [4]. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Thái Thanh Trúc và cộng sự năm 2018 ở học sinh THPT một số trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thang đo DASS - 21 cho thấy có đến 59% học sinh có biểu hiện của lo âu, 38,7% có biểu hiện trầm cảm và 35,1% có biểu hiện của stress [5]. Lo âu, trầm cảm và stress ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, kết quả học tập, đặc biệt là cuộc sống và tương lai của học sinh [4],[6]. Sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, stress là những biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh trong tương lai [6]. Cho đến nay, các nghiên cứu về lo âu, trầm cảm và stress trên đối tượng học sinh THPT tại Việt Nam còn khá hạn chế, địa bàn nghiên cứu chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Việc đánh giá đầy đủ các yếu tố trong mối quan hệ xã hội có liên quan đến lo âu, trầm cảm, stress ở học sinh còn chưa được quan tâm đúng mức. Tĩnh Gia là huyện đồng bằng ven biển phía nam của tỉnh Thanh Hóa. Là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của cả nước với rất nhiều dự án công nghiệp mới thành lập như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, gang thép Nghi Sơn, xi măng Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, cảng Nghi Sơn… từ đó kéo theo hàng loạt các thay đổi về đời sống của người dân trong đó có đối tượng học sinh trung học phổ thông. Cho đến nay, trên địa bàn huyện chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về thực trạng lo âu, trầm cảm và stress trên nhóm đối tượng học sinh THPT. Vậy thực trạng lo âu, trầm cảm, stress trên nhóm đối tượng học sinh THPT tại huyện Tĩnh Gia như thế nào và những yếu tố nào ảnh hưởng đến thực trạng lo âu, trầm cảm và stress trên nhóm đối tượng này? Để trả lời cho hai câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Thực trạng lo âu, trầm cảm, stress ở học sinh ba trường Trung học phổ thông tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá năm 2019 và một số yếu tố liên quan”. Mục tiêu nghiên cứu: 1. Mô tả thực trạng lo âu, trầm cảm và stress ở học sinh ba trường Trung học phổ thông tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá năm 2019. 2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến lo âu, trầm cảm và stress ở học sinh ba trường Trung học phổ thông được nghiên cứu.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2710
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2020THS0960.pdf
  Restricted Access
1.65 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.