Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2382
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ ĐIỆN TÂM ĐỒ GẮNG SỨC TRONG PHÂN TẦNG NGUY CƠ BỆNH NHÂN WOLFF-PARKINSON-WHITE KHÔNG CÓ TRIỆU CHỨNG
Tác giả: NGUYỄN THANH, HƯNG
Người hướng dẫn: PHAN ĐÌNH, PHONG
Từ khoá: Tim mạch
Năm xuất bản: 2021
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) được miêu tả lần đầu vào năm 1930 bởi Louis Wolff, Sir John Parkinson và Paul Dudley White trong một báo cáo miêu tả 11 bệnh nhân có các cơn tim nhanh liên quan với hình thái điện tâm đồ nhịp xoang, block nhánh và khoảng PR ngắn1. Nguyên nhân của hội chứng WPW, sau đó được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu, là có sự có mặt của đường dẫn truyền phụ, cho phép xung động dẫn truyền từ nhĩ xuống thất không đi qua nút nhĩ thất, khử cực sớm một phần hoặc toàn bộ thất (tiền kích thích). Bệnh nhân có tiền kích thích thất có nguy cơ xuất hiện các rối loạn nhịp tim như cơn tim nhanh vào lại nhĩ thất…, đặc biệt là rung nhĩ có nguy cơ dẫn tới rung thất gây đột tử. Tỉ lệ tiền kích thích trong quần thể chung ước tính từ 0,1-0,3%, tức là 1-3 ca/1000 người2–4. Các nghiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ xuất hiện các rối loạn nhịp tim hay có triệu chứng ở bệnh nhân tiền kích thích thất là 12% đến 80% tùy thuộc vào từng quần thể nghiên cứu. Như vậy, phần còn lại là những trường hợp WPW không triệu chứng. Bệnh nhân được gọi là có điện tâm đồ WPW (hay WPW không triệu chứng) và chiếm tỉ lệ không nhỏ. WPW không triệu chứng không có nghĩa là hoàn toàn lành tính. Các nghiên cứu cho thấy, nhiều bệnh nhân ban đầu đánh giá là “không triệu chứng” đã xuất hiện các rối loạn nhịp tim trong quá trình theo dõi5. Cũng theo các nghiên cứu về dư hậu, những trường hợp WPW không triệu chứng có nguy cơ bị đột tử liên quan đến tiền kích thích khoảng 0,6% (con số này là 3-4% ở nhóm có triệu chứng)6. Điều trị hội chứng WPW bao gồm các biện pháp theo dõi lâu dài, dùng thuốc chống loạn nhịp và cắt đốt đường dẫn truyền phụ qua đường ống thông. Trong đó, thăm dò điện sinh lý và triệt đốt bằng sóng cao tần là biện pháp điều trị mang tính triệt để với tỷ lệ thành công cao và biến chứng thấp7 và là lựa chọn hiện nay của phần lớn các trường hợp WPW. Tuy nhiên, chỉ định can thiệp ở bệnh nhân WPW không triệu chứng vẫn là một vấn đề đang được bàn luận, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ thấp. Hiện nay, nhiều trung tâm tim mạch ở nước ta đã thực hiện thủ thuật triệt đốt hội chứng WPW. Tuy nhiên, thực tiễn ở từng trung tâm là rất khác nhau. Đối với các trung tâm có lưu lượng bệnh nhân lớn, nhiều kinh nghiệm, có thể chỉ định triệt đốt các ca WPW không triệu chứng nhưng ở các trung tâm ít kinh nghiệm hơn, theo dõi bệnh nhân lại là giải pháp hợp lý về mặt lợi ích - nguy cơ. Các biện pháp thăm dò không xâm lấn, đặc biệt là nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ, đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá và phân tầng nguy cơ bệnh nhân WPW không triệu chứng, giúp ích cho việc đưa ra quyết định lâm sàng đúng đắn. Nhận thấy chưa có nghiên cứu nào đầy đủ được tiến hành tại Việt Nam về vấn đề này, chúng tôi tiến hành đề tài : “Đánh giá vai trò của nghiệm pháp gắng sức trong phân tầng nguy cơ bệnh nhân WPW không triệu chứng”, với 2 mục tiêu: 1. Đánh giá khả năng gắng sức bằng nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức trên thảm chạy ở bệnh nhân WPW không triệu chứng. 2. Đánh giá giá trị nghiệm pháp gắng sức trong phân tầng nguy cơ bệnh nhân WPW không triệu chứng bằng đối chiếu với thăm dò điện sinh lý tim.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2382
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
21THS1068.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
3.28 MBAdobe PDFbook.png
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.