Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2296
Title: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HÓA XẠ TRỊ ĐỒNG THỜI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ KHOANG MIỆNG TẠI BỆNH VIỆN K
Authors: NGUYỄN VĂN, ĐĂNG
Advisor: Lê Văn, Quảng
Keywords: Ung thư
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Ung thư biểu mô khoang miệng là bệnh phát sinh do sự biến đổi ác tính niêm mạc phủ toàn bộ khoang miệng bao gồm: Ung thư môi (gồm môi trên, môi dưới, mép), lợi hàm trên, lợi hàm dưới, khe liên hàm, khẩu cái cứng, lưỡi (phần di động), niêm mạc má và sàn miệng [1]. Theo GLOBOCAN 2018, số liệu toàn thế giới ghi nhận nam giới có 198.975 ca ung thư khoang miệng (UTKM) mới mắc chiếm 2,7% và 97.940 ca tử vong chiếm 2,1%. Ở nữ, có 101.398 trường hợp mới mắc chiếm 1,5% và 47.413 trường hợp tử vong, chiếm 1,3%. Trên toàn thế giới, ung thư khoang miệng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu [2]. Tại Việt Nam, cũng theo GLOBOCAN 2018 có 1.877 ca ung thư khoang miệng mới mắc và 922 ca tử vong hàng năm. Theo ghi nhận ung thư năm 2010, số ca mới mắc ung thư khoang miệng ở nam là 1.716 trường hợp với tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 4,6/100000 dân. Ở nữ giới có 669 ca mới mắc và tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 1,7/100000 dân. Ung thư khoang miệng gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ nam/nữ rất khác nhau tùy vùng dân cư và có xu hướng thay đổi. Tỷ lệ nam có xu hướng giảm, tỷ lệ nữ có xu hướng tăng [3]. Ung thư khoang miệng biểu hiện bằng nhiều đặc điểm lâm sàng khác nhau và cần phân biệt với các tổn thương lành tính của khoang miệng. Chẩn đoán ung thư khoang miệng cần dựa vào thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI-magnetic resonance imaging) hay chụp xạ hình cắt lớp đồng vị phóng xạ (PET-CT-positron emission tomography and computed tomography) và đặc biệt chẩn đoán xác định bằng kết quả mô bệnh học. Các phương pháp điều trị ung thư khoang miệng bao gồm phẫu thuật (PT), xạ trị (XT) và hóa chất (HC). Tuy nhiên việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó giai đoạn bệnh và thể trạng bệnh nhân là những yếu tố quan trọng. Ung thư khoang miệng giai đoạn sớm có chỉ định điều trị phẫu thuật kết hợp với xạ trị hậu phẫu cho trường hợp nguy cơ tái phát cao. Xạ trị kết hợp với hóa chất có vai trò cho các trường hợp không thể mổ được và đối với ung thư khoang miệng giai đoạn di căn xa thì điều trị hóa chất toàn thân và chăm sóc triệu chứng đóng vai trò quan trọng. Ngày nay có nhiều hướng nghiên cứu áp dụng liệu pháp trúng đích cho ung thư vùng đầu cổ nói chung và ung thư khoang miệng nói riêng, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan [4],[5],[6]. Ở giai đoạn tiến triển, không còn khả năng phẫu thuật, hướng điều trị có thể là hóa chất cảm ứng theo sau là hóa xạ trị hoặc hóa xạ trị triệt căn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của hóa xạ trị trong điều trị triệt căn, cũng như điều trị bổ trợ ung thư khoang miệng. Tại bệnh viện K, đối với ung thư khoang miệng giai đoạn III, IVA-B, phác đồ điều trị là hóa xạ trị triệt căn từng bước đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về ung thư khoang miệng giai đoạn sớm nói chung, tuy nhiên các nghiên cứu đối với nhóm bệnh nhân giai đoạn tiến triển, điều trị bằng hóa xạ trị còn hạn chế, do đó chúng tôi thực hiện đề tài “Đánh giá kết quả hóa xạ trị đồng thời điều trị ung thư khoang miệng tại bệnh viện K” với 2 mục tiêu: 1. Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ung thư khoang miệng giai đoạn III, IVA-B. 2. Đánh giá kết quả hóa xạ trị đồng thời của nhóm bệnh nhân nghiên cứu.  
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2296
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
20THS1106.pdf
  Restricted Access
3.15 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.