Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1169
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SỚM PHẪU THUẬT CẮT BÀNG QUANG TOÀN BỘ VÀ TẠO HÌNH BÀNG QUANG BẰNG HỒI TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC GIAI ĐOẠN 2017-2020
Tác giả: NGUYỄN LÊ, DUY
Người hướng dẫn: PGS.TS. HOÀNG, LONG
Từ khoá: Ngoại khoa;8720104
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: ĐHY
Tóm tắt: Ung thư bàng quang là bệnh khá phổ biến trong các bệnh lý ung thư đường niệu, đứng thứ hai sau ung thư tiền liệt tuyến. Ước tính mỗi năm có khoảng 549.000 ca mắc mới và gần 200.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Ung thư bàng quang hay gặp nhất là ung thư tế bào chuyển tiếp đường niệu chiếm 90 – 94%. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn ở nữ. Theo thống kê năm 2018 trên thế giới ung thư bàng quang là loại ung thư hay gặp ở giới nam, ở nam giới tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 6 và tỷ lệ chết đứng hàng thứ 9 trong 10 bệnh ung thư hay gặp nhất; tính cả hai giới có 549.393 trường hợp mắc mới và 199.992 trường hợp chết trong năm 2018. Bệnh hay gặp nhất ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ; tỷ lệ mắc tại Đông Nam châu Á là 4,2% (nam) và 0,9% (nữ).1 Theo thống kê trong năm 2018 tại Mỹ có 81.190 trường hợp mắc mới, tỷ lệ nam/nữ là 3,31/1; ở nam bệnh đứng thứ 4 (chiếm 7%) sau bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng; số bệnh nhân chết do ung thư bàng quang trong năm 2018 là 17.240 trường hợp và đứng thứ 8 trong 10 bệnh ung thư hay gặp nhất (chiếm 3%).2 Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Kỳ, bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 40 - 70 tuổi (78%), tỷ lệ nam/nữ là 6/1. Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư bàng quang nông là 51 - 79%, ung thư bàng quang xâm lấn cơ từ 25 - 47%.3,4 Chẩn đoán ung thư bàng quang dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng, tế bào học và giải phẫu bệnh.5,6 Nội soi bàng quang có giá trị xác định vị trí, hình dạng, kích thước u, qua nội soi sinh thiết u để chẩn đoán mô bệnh học. Tuy nhiên để xác định mức độ xâm lấn của u tại thành bàng quang hoặc ra tổ chức xung quanh thì CT Scanner và MRI có vai trò quan trọng với độ chính xác cao.7 Điều trị ung thư bàng quang chủ yếu là bằng phẫu thuật, bên cạnh đó điều trị hóa chất hỗ trợ. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào giai đoạn của u. Cắt toàn bộ bàng quang được chỉ định trong các trường hợp giai đoạn muộn, khi u đã xâm lấn vào các lỗ niệu quản, các cơ quan lân cận, hoặc xâm lấn sâu xuống lớp cơ và lan tỏa rộng (từ giai đoạn II trở lên). Sau khi cắt toàn bộ bàng quang, có thể đưa niệu quản ra da, dẫn lưu qua một quai ruột hoặc phẫu thuật tạo hình bàng quang khi u còn khu trú ở bàng quang, chưa di căn xa. Việc đưa niệu quản ra da hoặc dẫn lưu qua một quai ruột thường dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận…và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống sau mổ. Tạo hình bàng quang bằng một đoạn ruột được Couvelair R. thông báo đầu tiên vào năm 1951 nhưng mãi đến năm 1980 thì phương pháp này mới được phổ biến rộng rãi với nhiều kỹ thuật và vật liệu khác nhau: hồi tràng, hồi manh tràng, đại tràng. Tạo hình bàng quang bằng một đoạn ruột đã khắc phục được những nhược điểm của phương pháp dẫn lưu nước tiểu ra da, dẫn lưu qua một quai ruột như giảm nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng, không phải chăm sóc túi dẫn lưu, đồng thời làm tang chất lượng sống sau mổ. Chính vì vậy chúng tôi nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: 1. Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ung thư bàng quang được phẫu thuật cắt bàng quang toàn bộ và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giai đoạn 2017-2020 2. Đánh giá kết quả sớm phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giai đoạn 2017-2020
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1169
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
2020THS0122.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
2.24 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.