Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này:
http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1034
Nhan đề: | THỰC TRẠNG NHIỄM VÀ TÍNH KHÁNG THUỐC CỦA VI KHUẨN ENTEROCOCCI TRONG THỊT LỢN TẠI MỘT SỐ SIÊU THỊ, CHỢ BÁN LẺ VÀ LÒ MỔ Ở HÀ NỘI NĂM 2019 |
Tác giả: | VŨ, THỊ LAN |
Người hướng dẫn: | PGS.TS. Nguyễn, Quang Dũng TS. Lê, Thị Hội |
Năm xuất bản: | 2020 |
Nhà xuất bản: | TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI |
Tóm tắt: | Tại Việt Nam, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất so với các loại thịt khác như thịt bò, thịt gà, thịt vịt…[1]. Phần lớn nguồn cung cấp thịt lợn là từ các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ với các lò mổ tự phát, nơi mà điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng trong giết mổ chưa được đảm bảo vệ sinh, làm tăng nguy cơ ô nhiễm các vi khuẩn gây bệnh [2]. Bên cạnh đó, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam như việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn hay việc bổ sung thuốc kháng sinh vào thức ăn cho gia súc làm gia tăng sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người [3],[4]. Bên cạnh các vụ ngộ độc cấp tính do ăn phải thực phẩm bị nhiễm các vi khuẩn có hại phổ biến như Escherichia coli, Listeria, Campylobacter hay Salmonella… thì vi khuẩn Enterococci ngày càng được quan tâm bởi các nguy cơ tiềm tàng mà nó gây ra chứ không chỉ dừng lại ở các vụ ngộ độc thực phẩm. Enterococci là các vi khuẩn chịu được điều kiện sống khắc nghiệt, phát triển tốt và có mặt trong hầu hết đường tiêu hóa của con người và động vật [5],[6], do đó sự hiện diện của chúng trong thực phẩm đã được sử dụng làm chỉ tiêu đánh dấu sự ô nhiễm phân động vật [7]. Đặc tính phát triển mạnh của chúng gần đây đã khiến loại vi khuẩn này trở thành căn nguyên gây ra các bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc [8],[9]. Enterococci có tính kháng nội tại với một số loại kháng sinh nhóm β-lactam, một số kháng sinh nhóm aminoglycoside và cephalosporin. Ngoài ra, chúng có thể chuyển các gen kháng thuốc và gen độc lực của chúng sang các vi sinh vật đường ruột và vi khuẩn có hại khác, dẫn đến tăng khả năng gây bệnh [10],[11]. Tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, các chủng đa kháng thuốc đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà lâm sàng trong việc lựa chọn kháng sinh điều trị. Các chủng Enterococci, đặc biệt là Enterococcus faecalis và Enterococcus faecium được xếp hạng là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng bệnh viện như viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết, viêm đường tiết niệu, viêm màng não… và là tác nhân đứng thứ hai gây nhiễm trùng huyết bệnh viện tại Hoa Kỳ [12],[13],[14]. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hiện diện của Enterococci kháng kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật có nguy cơ lây truyền sang con người [6],[15]. Do đó, các ý kiến gần đây cho rằng Enterococci phân lập từ thực phẩm nên được kiểm tra về khả năng kháng kháng sinh tiềm năng [16]. Nhận thấy các mối nguy trên, thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm cũng như tính kháng thuốc của Enterococci trong thực phẩm [17],[13]. Tuy nhiên tại Việt Nam các nghiên cứu về lĩnh vực này còn rất nghèo nàn. Vì vậy, nằm trong khuôn khổ của dự án VIDA-PIG, dưới sự phối hợp chặt chẽ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch và Viện Dinh dưỡng, đề tài “Thực trạng nhiễm và tính kháng thuốc của vi khuẩn Enterococci trong thịt lợn tại một số siêu thị, chợ bán lẻ và lò mổ ở Hà Nội năm 2019” được tiến hành với các mục tiêu: 1. Xác định tình trạng nhiễm Enterococci trong thịt lợn tại một số siêu thị, chợ bán lẻ và lò mổ ở Hà Nội năm 2019. 2. Đánh giá tình trạng kháng kháng sinh của các chủng Enterococci phân lập được trong các mẫu thịt lợn tại một số siêu thị, chợ bán lẻ và lò mổ ở Hà Nội năm 2019. |
Định danh: | http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1034 |
Bộ sưu tập: | Luận văn thạc sĩ |
Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin | Mô tả | Kích thước | Định dạng | |
---|---|---|---|---|
21THS1129.pdf Tập tin giới hạn truy cập | 1.95 MB | Adobe PDF | Đăng nhập để xem toàn văn |
Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.