Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/915
Title: GIÁ TRỊ CỦA SIÊU ÂM QUA THÓP Ở TRẺ SƠ SINH ĐỦ THÁNG BỊ BỆNH NÃO DO THIẾU OXY-THIẾU MÁU CỤC BỘ
Authors: PHAN, DANH
Advisor: NGUYỄN THỊ QUỲNH, NGA
Issue Date: 2020
Publisher: Trường Đại học Y Hà Nội
Abstract: Bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE: Hypoxic-Ischemic Encephalopathy) là một tổn thương của thai và trẻ sơ sinh do thiếu oxy và thiếu tưới máu đến các cơ quan, là nguyên nhân quan trọng về tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh, là một hội chứng mắc phải với các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng của tổn thương não cấp tính1. Mặc dù có những tiến bộ rất lớn trong chăm sóc trước sinh, trong sinh, cũng như sau sinh trong những thập kỉ qua, nhưng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong của bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ vẫn còn cao. Theo nghiên cứu của Whit Walker (Hoa Kỳ) tỷ lệ mắc bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ khoảng 1-3/1000 trẻ sơ sinh đủ tháng, ở trẻ đẻ non tỷ lệ này cao gấp bốn đến năm lần2,3. Theo Nguyễn Văn Thắng và cộng sự, tỉ lệ trẻ sơ sinh đủ tháng bị ngạt trung bình trong hai năm 2007 và 2008 là 1,3/1000 trẻ sống, có 29,2% trẻ bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ tử vong tại bệnh viện và gia đình xin thôi điều trị vì bệnh quá nặng4. Ở những trẻ bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ nặng, tỉ lệ tử vong chiếm 50-70%, trong số những trẻ được cứu sống, trên 80% có di chứng nghiêm trọng về phát triển tâm thần vận động. Trong số những trẻ bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ mức độ trung bình, khoảng 30-50% có di chứng lâu dài, 10-20% trẻ có những di chứng thần kinh nhẹ, 15-20% những trẻ này học tập khó tiếp thu ngay khi không có dấu hiệu tổn thương não rõ ràng5,6. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ như cộng hưởng từ (CHT), cắt lớp vi tính (CLVT), siêu âm qua thóp (SAQT). CLVT ngày càng được ít sử dụng vì giá trị chẩn đoán không cao hơn so với các phương pháp khác và bệnh nhân bị phơi nhiễm tia X. CHT được xem như tiêu chuẩn vàng, có thể hiển thị chính xác vị trí và mức độ tổn thương não ở trẻ bị bệnh não thiếu oxy, thiếu máu cục bộ7. Nhưng CHT rất tốn kém, thiếu tính di động, không sẵn có ở các nước thu nhập thấp và không khả thi khi tình trạng bệnh nhân quá nặng. SAQT được sử dụng rộng rãi để đánh giá tổn thương não ở trẻ sơ sinh bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ vì là một biện pháp cho hình ảnh trung thực về cấu trúc não ở thời điểm thăm khám với độ nhạy và độ đặc hiệu tương đối cao 80-90%8. SAQT là một kỹ thuật không xâm lấn, dễ thực hiện, rẻ tiền, làm ngay tại giường bệnh nên đặc biệt thích hợp để đánh giá khi tình trạng bệnh nhân không cho phép vận chuyển đến các trung tâm để chụp CLVT hoặc CHT và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần ở các thời điểm khác nhau dễ dàng để đánh giá tiến triển của bệnh vì máy siêu âm sẵn có tại các khoa. Hiện nay, trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu đánh giá bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ bằng bảng điểm Sarnat khi so sánh với chẩn đoán hình ảnh, cũng như SAQT so sánh với CHT. Tuy nhiên các nghiên cứu tương tự ở Việt Nam còn rất ít. Với mong muốn tìm ra mối liên quan giữa phân loại lâm sàng theo Sarnat và hình ảnh tổn thương trên SAQT, so sánh SAQT với CHT để xác định hiệu quả của SAQT trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ. Từ đó có cơ sở để đề xuất các thời điểm đánh giá bệnh nhân theo Sarnat, cũng như liệu có thể sử dụng SAQT để thay thế cho CHT, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Giá trị của siêu âm qua thóp ở trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh não do thiếu oxy-thiếu máu cục bộ” nhằm 2 mục tiêu: 1. Mô tả hình ảnh tổn thương não trên siêu âm qua thóp theo phân loại Sarnat ở trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ. 2. So sánh giá trị của siêu âm qua thóp và cộng hưởng từ sọ não ở trẻ sơ sinh đủ tháng bị bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/915
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS0005.pdf
  Restricted Access
1.79 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.