Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3110
Title: Khảo sát triệu chứng lâm sàng, hình ảnh nội soi ở bệnh nhân không có nhu động thực quản trên HRM
Authors: Nguyễn Thị, Minh Châu
Advisor: Đào, Việt Hằng
Keywords: Nội khoa;8720107
Issue Date: 11/2021
Abstract: Rối loạn nhu động thực quản không phải là một bệnh lí hiếm gặp của đường tiêu hóa. Theo y văn, tỉ lệ rối loạn nhu động thực quản dao động từ 27 – 53% ở các bệnh nhân có triệu chứng nuốt khó và đau ngực không do bệnh lí tim mạch từ năm 1983 đến năm 1985.1 Phân loại Chicago phân nhóm các rối loạn nhu động thực quản bản đầu tiên ra đời vào năm 2008 và hiện nay phân loại được sử dụng phổ biến là phân loại Chicago bản 3.0.2,3 Phân loại Chicago 3.0 chia các rối loạn nhu động thực quản thành các nhóm: co thắt tâm vị, tắc nghẽn vùng nối dạ dày – thực quản, các rối loạn nhu động thực quản nặng bao gồm mất hoàn toàn nhu động thực quản, co thắt thực quản đoạn xa, tăng co bóp thực quản và các rối loạn nhu động nhẹ bao gồm nhu động thực quản không hiệu quả, nhu động ngắt quãng.3 Các bệnh nhân có rối loạn mất hoàn toàn nhu động thực quản (MHTNĐTQ) không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Các triệu chứng thường gặp như nuốt nghẹn, đau ngực, cảm giác trào ngược và nóng rát sau xương ức liên quan đến trào ngược dạ dày – thực quản do quá trình tống xuất dịch xuống dạ dày bị ứ trệ.4 Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh bao gồm các nguyên nhân tiên phát và thứ phát. Nguyên nhân tiên phát là do rối loạn thần kinh cơ tại thực quản không rõ cơ chế và yếu tố khởi phát. Trong khi đó, nguyên nhân thứ phát có bệnh cảnh rõ ràng, thường gặp MHTNĐTQ trong các bệnh lí hệ thống, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (BTNDDTQ), đái tháo đường và các bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc xạ trị vùng cổ ngực.5 MHTNĐTQ là dạng rối loạn nhu động nặng, hiện chưa có điều trị đặc hiệu giúp phục hồi được nhu động thực quản, vì vậy gây nhiều khó khăn cho các bác sỹ lâm sàng. Lựa chọn thay đổi chế độ ăn, sử dụng thuốc hay phẫu thuật tùy thuộc vào từng bệnh cảnh lâm sàng và phải cá thể hóa trên từng bệnh nhân cụ thể.4 Rối loạn MHTNĐTQ có triệu chứng trùng lắp với trào ngược, do vậy khó có thể chẩn đoán đơn thuần dựa vào tiếp cận triệu chứng lâm sàng, mà cần phải kết hợp với các phương pháp thăm dò chức năng. Dựa vào hướng dẫn của hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG) năm 2020, triệu chứng đường tiêu hóa trên được chia thành 3 nhóm chính là nhóm triệu chứng tắc nghẽn, nhóm triệu chứng trào ngược điển hình và nhóm triệu chứng không điển hình. Mỗi nhóm sẽ có cách tiếp cận phương pháp thăm dò thích hợp bao gồm nội soi đường tiêu hóa trên, chụp baryt thực quản, đo áp lực và nhu động thực quản hay đo pH – trở kháng 24 giờ,...6 Đo áp lực và nhu động thực quản vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các dạng rối loạn nhu động hơn 60 năm qua.7 Hiện nay, đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) sử dụng catheter với nhiều đầu dò nhận cảm áp lực cho phép đánh giá được áp lực cơ thắt thực quản trên và dưới, hình thái vùng nối dạ dày – thực quản, cũng như các dạng rối loạn nhu động thực quản chính xác hơn.8 MHTNĐTQ được chẩn đoán theo phân loại Chicago 3.0 khi áp lực cơ thắt thực quản dưới bình thường và 100% nhu động thực quản thất bại khi nuốt.3 Hiện nay, phương pháp này cũng đã bắt đầu được ứng dụng ở Việt Nam và đã có các dữ liệu công bố trên nhóm đối tượng co thắt tâm vị và thoát vị hoành trên nội soi.9,10 Theo một số nghiên cứu, MHTNĐTQ làm tăng tần suất và thời gian các đợt trào ngược, tăng thời gian tiếp xúc axit của niêm mạc thực quản do quá trình tống xuất dịch xuống dạ dày bị ứ trệ dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản.11,12 Hiện nay, trên thế giới các công bố về rối loạn nhu động thực quản dạng mất hoàn toàn nhu động còn hạn chế. Đặc biệt, ở Việt Nam chỉ mới có một nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân mất hoàn toàn nhu động thực quản và chưa có bất kì dữ liệu nghiên cứu nào về kết quả điều trị dạng rối loạn này. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Khảo sát triệu chứng lâm sàng, hình ảnh nội soi ở bệnh nhân không có nhu động thực quản trên HRM” với mục tiêu: 1. Đánh giá đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi ở bệnh nhân không có nhu động thực quản trên HRM. 2. Đánh giá kết quả điều trị sau một tháng ở bệnh nhân không có nhu động thực quản trên HRM.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3110
Appears in Collections:Luận văn bác sĩ nội trú

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2021THSNguyenThiMinhChau.docx
  Restricted Access
787.81 kBMicrosoft Word XML
2021THSNguyenThiMinhChau.pdf
  Restricted Access
1.4 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.