Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2359
Title: CÁC CĂN NGUYÊN GÂY NHIỄM KHUẨN HUYẾT TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG TỪ NĂM 2018 ĐẾN NĂM 2020
Authors: NGUYỄN THỊ KIỀU, TRINH
Advisor: Nguyễn Vũ, Trung
Keywords: Kỹ thuật xét nghiệm y học
Issue Date: 2021
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Ở nước ta cũng như các nước đang phát triển, bệnh nhiễm khuẩn vẫn đứng hàng đầu trong mô hình bệnh tật trong đó có bệnh nhiễm khuẩn huyết. Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển1 và là một trong 7 nguyên nhân dẫn tới tử vong tại Châu Âu và Bắc Mỹ.2 Một đánh giá hệ thống về gánh nặng bệnh tật gây ra do nhiễm khuẩn huyết trong nghiên cứu về dân số hàng năm cho thấy có khoảng 575 000 - 677 000 người ở Bắc Mỹ (trong đó có 536 000 - 628 000 người ở Mỹ và 40 000 đến 49 000 người ở Canada) và 79 000 - 94 000 người chết (trong đó có 72 000 - 85 000 người ở Mỹ và 7000 - 9000 người ở Canada). Tại Châu Âu, hơn 1 200 000 ca nhiễm khuẩn huyết và 157 000 người chết mỗi năm.3 Trong một nghiên cứu tại Canada, có 6% nhiễm khuẩn huyết và 3% nhiễm khuẩn huyết liên quan đến sốc nhiễm khuẩn ở bệnh nhân nhập viện vào khoa hồi sức tích cực với tỉ lệ tử vong lần lượt là 40% và 49%.4 Tuy nhiên, dữ liệu từ các nước có thu nhập thấp và trung bình còn bị hạn chế.5 Việt Nam là nước có thu nhập thấp, có nền kinh tế mới nổi và là một điểm nóng cho các bệnh nhiễm khuẩn.6 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương là một trong những bệnh viện tuyến trung ương hàng đầu về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn tại khu vực phía Bắc, nơi tập trung bệnh nhân từ cộng đồng và cả bệnh nhân nặng từ các bệnh viện khác chuyển đến. Theo nghiên cứu của Vũ Quốc Đạt (2017) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương các bệnh nền có liên quan đến nhiễm khuẩn huyết bao gồm các bệnh lý gan mật, đái tháo đường, bệnh về thận, HIV và một số bệnh khác. Trong đó, tỷ lệ các bệnh nền liên quan đến bệnh lý gan mật bao gồm xơ gan hoặc viêm gan mãn tính chiếm tỷ lệ cao nhất (14,3%), tiếp đó là đái tháo đường (7,1%) và HIV (6,3%).7 Mức độ kháng kháng sinh là nguyên nhân quan trọng khiến điều trị thất bại và dẫn tới tỉ lệ tử vong ở Việt Nam thường cao.8,9 Trong mạng lưới giám sát các tác nhân gây kháng thuốc ở Châu Á với 11 thành viên năm 2001, Việt Nam có tỉ lệ đa kháng thuốc chủng phế cầu cao nhất (đa kháng được định nghĩa là kháng ít nhất 3 nhóm kháng sinh) với tỉ lệ 71,4% cao hơn so với Hàn Quốc (54,8%) và Hồng Kông (43,2%) 9. Trong một nghiên cứu khác tại 20 bệnh viện ở 5 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương, tỉ lệ kháng carbapenem của vi khuẩn gram âm là cao nhất 35% ở Việt Nam, trong đó tỉ lệ kháng carbapenem ở Pseudomonas aeruginosa, Enterobacteriaceae và Acinetobacter baumannii lần lượt là 46,7%, 5,6% và 89,5%.8 Việc phân tích căn nguyên vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết ở hầu hết các ca bệnh nặng và loại vi khuẩn được phát hiện trực tiếp dẫn tới tình trạng bệnh là những bài học quý giá giúp các bác sĩ lâm sàng sử dụng kháng sinh thích hợp và đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.10,11 Tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân nhiễm khuẩn nằm viện đã giảm do bắt đầu điều trị kháng sinh thích hợp theo kinh nghiệm 12,13 và các chiến lược để thúc đẩy sử dụng kháng sinh hợp lý có thể giúp phòng ngừa kháng kháng sinh và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tại bệnh viện. Ở nước ta, từ nhiều năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về lâm sàng, vi sinh vật và điều trị nhiễm khuẩn huyết ở các chuyên khoa khác nhau. Tuy nhiên, có rất ít công trình tiến hành một cách hoàn chỉnh trong một thời gian dài để tìm hiểu vấn đề này một cách toàn diện nhằm phục vụ cho việc điều trị một cách hiệu quả.14 Đặc biệt, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, nơi bắt đầu nhận điều trị bệnh nhân nội trú từ năm 2017 và tới năm 2020 chưa có nghiên cứu nào theo dõi thực trạng nhiễm khuẩn huyết tại đây. Vì vậy, việc đánh giá vai trò của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết và khả năng kháng kháng sinh giúp cung cấp các số liệu về căn nguyên gây bệnh cũng như có định hướng trong quá trình điều trị người bệnh. Đặc biệt đối với các trường hợp sốc nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh đúng căn nguyên gây bệnh, nhanh chóng và kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Do đó, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Các căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương từ năm 2018 đến năm 2020” với hai mục tiêu sau: Mục tiêu 1. Xác định các căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh từ năm 2018 đến năm 2020 Mục tiêu 2. Xác định mức độ nhạy cảm với kháng sinh của các vi khuẩn phân lập được từ bệnh phẩm máu
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2359
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1052.pdf
  Restricted Access
2.2 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.