Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2326
Title: KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH CỦA NGƯỜI DÂN VỀ BỆNH ẤU TRÙNG GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO Ở NGƯỜI VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI NGHỆ AN NĂM 2021
Authors: ĐÀO THỊ, PHÚC
Advisor: Chu Văn, Thăng
Keywords: Y học dự phòng
Issue Date: 2021
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người. Nguồn bệnh chính là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn. Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó/mèo, ăn phủ tạng, thịt sống hoặc chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh có thể nhiễm bệnh.1 Bệnh xảy ra trên toàn thế giới, có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới,2 ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo khó.3,4 Tỷ lệ hiện mắc ở một số nước Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ và đặc biệt Hoa Kỳ từ 5,1% đến 93%.5 Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo được xem là một trong 5 bệnh nhiễm trùng nhiệt đới bị bỏ quên, mặc dù mang một gánh nặng bệnh tật đáng kể.6 Tại Việt Nam, các nghiên cứu về bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo chưa nhiều, chỉ có một số nghiên cứu xác định tỷ lệ huyết thanh dương tính với giun đũa chó ở người tại một số điểm cho kết quả từ 58,7-74,9% ở miền Bắc, từ 38,4-53,6% ở miền Nam và từ 13,1-30% ở miền Trung-Tây Nguyên.7–13 Trong giai đoạn 2021-2025, bệnh ký sinh trùng nói chung, bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo nói riêng được xác định là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, ghi nhận tỷ lệ mắc cao ở nhóm đối tượng nguy cơ, tại các vùng dịch tễ.14 Việc phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo gặp rất nhiều khó khăn bởi điều kiện kinh tế, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, thói quen ăn uống, tập quán vệ sinh, sinh hoạt của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi.14 Nguồn chứa mầm bệnh là chó, mèo rất khó kiểm soát. Tập quán nuôi chó, mèo để giữ nhà, làm thực phẩm, làm cảnh, thú cưng… còn phổ biến. Ngoài ra do một số hành vi nguy cơ cao, mang tính truyền thống trong việc nuôi chó, mèo vẫn tồn tại trong cộng đồng như thả chó, mèo tự do, không tẩy giun cho chó, mèo,... là các yếu tố nguy cơ của bệnh.15–18 Nghệ An là một tỉnh miền Trung có những đặc điểm của vùng dịch tễ bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo, với số ca nhiễm được phát hiện nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tại Phòng khám Ký sinh trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, hằng năm ghi nhận trên 20.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị bệnh.19 Tuy nhiên, hiện nay ở Nghệ An chưa có nghiên cứu về xác định tỷ lệ nhiễm, các yếu tố nguy cơ và kiến thức, thái độ, thực hành của người dân tại cộng đồng, chỉ có một số nghiên cứu về tỷ lệ mắc, triệu chứng lâm sàng được thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa. Kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo được xác định là có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống bệnh.20–22 Vì vậy, nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp, góp phần vào công tác phòng chống bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ở người tại Nghệ An trong thời gian tới, chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “Kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ở người và một số yếu tố liên quan tại Nghệ An năm 2021” với các mục tiêu sau: 1. Mô tả kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ở người tại Nghệ An năm 2021. 2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành về bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ở người của đối tượng nghiên cứu.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2326
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1035.pdf
  Restricted Access
1.82 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.