Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2307
Title: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT TẮC RUỘT DO UNG THƯ ĐẠI TRÀNG TRÁI TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Authors: NGUYỄN THÀNH, TRUNG
Advisor: LÊ TƯ, HOÀNG
Keywords: Ngoại khoa
Issue Date: 2021
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một bệnh thường gặp trong ung thư đường tiêu hoá, chiếm 10% các loại ung thư ở nam giới và 11% các loại ung thư ở nữ giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018 có 1,8 triệu trường hợp mới mắc và gần 861.000 người tử vong1. Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 145.600 người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng mới và khoảng 50.630 người tử vong do ung thư đại trực tràng2, chiếm 8% tổng số các trường hợp ung thư. Đây là căn bệnh đứng hàng đầu ở các quốc gia Tây Âu và đứng hàng thứ 3 trong các bệnh ung thư ở Hoa Kỳ và Canada3. Tại Việt Nam theo Globocan 2012, mỗi năm có 8.768 bệnh nhân mới mắc, 5.976 bệnh nhân tử vong do bệnh ung thư đại trực tràng, tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 6 và chết đứng hàng thứ 5 trong cả 2 giới4. UTĐTT tiến triển chậm và di căn muộn hơn các ung thư khác. Nếu phát hiện sớm và phẫu thuật khi ung thư chưa lan đến lớp thanh mạc tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 80 - 90%5. Tuy nhiên triệu chứng ban đầu của UTĐTT nghèo nàn, không điển hình làm cho chính bệnh nhân và thầy thuốc dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh nhân thường đến muộn, trong bệnh cảnh có biến chứng như tắc ruột, thủng, áp xe, chảy máu, chèn ép xâm lấn các tạng xung quanh. Trong đó, tắc ruột là biến chứng thường gặp, nhất là ung thư đại tràng trái6. Theo Corman, nghiên cứu trong 10 năm trên 1008 bệnh nhân thấy 43% ung thư trực tràng, 25% ung thư đại tràng sigma, 5% ung thư đại tràng xuống, 9% đại tràng ngang, 18% đại tràng lên. Trên thế giới tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu do UTĐTT từ 11 - 43% mặc dù đã có nhiều phương tiện chẩn đoán và chương trình sàng lọc7. Ở Việt Nam, tỷ lệ tắc ruột do UTĐTT cao hơn, có tác giả nêu 40%. Phẫu thuật điều trị tắc ruột do UTĐTT thường phức tạp và khó khăn do vừa phải giải quyết biến chứng, vừa phải điều trị bệnh ung thư đang ở giai đoạn tiến triển, bên cạnh đó tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật cấp cứu cao hơn so với phẫu thuật có kế hoạch. Khi có tắc ruột, tỷ lệ tử vong tăng từ 1 - 5% lên 15 - 30%. Theo nghiên cứu của Hội Ngoại khoa Pháp thì mổ cấp cứu là một trong những nguy cơ tử vong sau phẫu thuật. Một nghiên cứu của Pauson, E.C có kết luận tỷ lệ sống sau 5 năm giảm từ 86% nếu mổ kế hoạch xuống còn 75% nếu tắc ruột do UTĐTT phải mổ cấp cứu. Trong cấp cứu, thái độ xử trí tắc ruột do UTĐT trái còn chưa thống nhất, lựa chọn phẫu thuật triệt căn hay tạm thời, một thì hay nhiều thì còn tùy thuộc vào phẫu thuật viên, thể trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh...8. Cùng với đó là sự phát triển của chuyên ngành hóa chất góp phần tích cực trong việc điều trị bổ trợ UTĐTT đã làm thay đổi chiến lược điều trị và xử trí trong mổ. Vì vậy để tìm hiểu thái độ xử trí và kết quả điều trị tắc ruột do UTĐT trái, chúng tôi thực hiện đề tài: Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật tắc ruột do ung thư đại tràng trái tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với hai mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của tắc ruột do ung thư đại tràng trái tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 2. Đánh giá kết quả sớm điều trị phẫu thuật tắc ruột do ung thư đại tràng trái tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2307
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1016.pdf
  Restricted Access
1.74 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.