Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2291
Title: THỰC TRẠNG NGƯỜI BỆNH VÀ QUẢN LÝ DANH SÁCH NGƯỜI BỆNH CHỜ GHÉP THẬN TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Authors: LÊ THỊ KIM, NHUNG
Advisor: TRỊNH HỒNG, SƠN
Keywords: Quản lý bệnh viện
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng toan - kiềm, cân bằng nước - điện giải, tham gia biệt hóa hồng cầu, điều hòa chuyển hóa canxi - phốt pho… Khi người bệnh bị các bệnh lý thận - tiết niệu khác nhau, nếu cả hai thận không còn khả năng đó và không có khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi đó người bệnh sống được nhờ một trong ba biện pháp điều trị thay thế thận: chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận, trong đó thận nhân tạo chu kỳ được áp dụng phổ biến nhất. Danh sách chờ ghép thận là một danh sách những người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối có chỉ định ghép thận và có nhu cầu ghép. Ghép tạng là hình thức phẫu thuật cho phép thay thế một cơ quan hoặc một bộ phận của cơ thể bị bệnh, không đảm bảo được chức năng, bằng một tạng khác khỏe mạnh. Ghép tạng là một trong 10 phát minh lớn nhất của nhân loại thế kỷ vừa qua. Trên thế giới, ca ghép thận thành công đầu tiên trên thế giới là một trường hợp ghép thận giữa hai chị em sinh đôi cùng trứng vào 23 tháng 12 năm 1954 tại bệnh viện Peter Bent Birmingham ở Boston, Mỹ [1]. Việc ghép tạng tại các nước đã làm rất tốt, đặc biệt là công tác điều phối, xác định được danh sách chờ ghép và chỉ có người bệnh trong danh sách chờ ghép quốc gia mới được ghép. Tại Việt Nam, ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến sống đầu tiên được thực hiện vào ngày 4/6/1992 tại bệnh viện Quân Đội 103. Ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến chết não đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện vào năm 2008 tại bệnh viện Chợ Rẫy [2]. Để có ca ghép tạng thành công chúng ta phải chuẩn bị, tổ chức thực hiện tốt bốn khâu: (1) Người cho tạng (người cho sống và người cho chết não); (2) Người ghép tạng; (3) Chuẩn bị tốt kỹ thuật, nhân lực thực hiện ghép; (4): Theo dõi, chăm sóc sau ghép tạng. Quá trình này diễn ra phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các chuyên ngành trong lĩnh vực y - dược. Việc chuẩn bị tốt danh sách người bệnh chờ ghép thận cho phép người nhận được tiếp cận với việc ghép thận một cách sớm nhất. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, với hơn 1507 giường bệnh chuyên về ngoại khoa, 40 phòng mổ phục vụ cho hơn 67.000 phẫu thuật mỗi năm. Ghép thận đã trở thành phẫu thuật thường quy tại bệnh viện với bình quân 2 cặp ghép mỗi tuần. Đơn vị Thận lọc máu được thành lập tháng 3 năm 2005 và hiện nay đã có 41 nhân viên phục vụ cho 30 giường ngoại trú, trên diện tích khoảng 400 m2. Với tổng số 32 máy chạy thận phục vụ cho khoảng 180 người bệnh thường xuyên phải chạy thận nhân tạo. Hiện nay, cùng với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cung đã ghi nhận và quản lý danh sách người bệnh có chỉ định ghép thận, tuy nhiên việc ghi nhận còn rời rạc, chưa hệ thống, chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển. Vì vậy, việc ghi nhận và quản lý được danh sách người bệnh có chỉ định ghép thận tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, với các thông tin đầy đủ, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, giúp lựa chọn được người bệnh ghép thận nhanh chóng, phù hợp khi có người cho chết não hoặc sống. Xuất phát từ thực tiễn này chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Thực trạng người bệnh và quản lý danh sách người bệnh chờ ghép thận tại bệnh viện HN Việt Đức năm 2019” với 2 mục tiêu: 1. Mô tả đặc điềm lâm sàng của người bệnh chạy thận nhân tạo và thực trạng danh sách người bệnh chờ ghép thận tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2019. 2. Mô tả thực trạng quản lý danh sách người bệnh chờ ghép thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức năm 2019.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2291
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
20THS1101.pdf
  Restricted Access
1.85 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.