Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2263
Nhan đề: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỐI LẠI CHI TRÊN ĐỨT RỜI BẰNG KỸ THUẬT VI PHẪU TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Tác giả: NGUYỄN THÁI, SƠN
Người hướng dẫn: Nguyễn Hồng, Hà
Nguyễn Mạnh, Khánh
Từ khoá: Ngoại khoa
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: Chi trên đảm nhận chức năng vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Nhờ có đôi tay mà con người có thể sử dụng được các công cụ trong lao động, sinh hoạt, làm được các động tác tinh vi và phức tạp trong cuộc sống. Tổn thương đứt rời chi trên, đặc biệt là những đứt rời lớn như cánh tay và cẳng tay, có thể gây nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng của bệnh nhân; gây ra những thiếu sót lớn về vận động cũng như tàn phế, ngoài ra cũng gây mất mát lớn cả về thẩm mỹ và tâm lý. Hơn nữa, dạng tổn thương này ngày càng trở nên không hiếm gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông,... Việc điều trị phẫu thuật nối lại chi trên đứt rời nhằm sửa chữa tổn thương và phục hồi chức năng cho đôi tay là rất quan trọng, đã được nhiều phẫu thuật viên quan tâm từ lâu. Trên thế giới, việc nối chi trên đứt rời đã được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng tỷ lệ chi sống sau nối không cao do hạn chế về trang thiết bị cũng như trình độ của phẫu thuật viên. Cho đến khi kính vi phẫu ra đời và được ứng dụng trong phẫu thuật thì việc nối chi trên đứt rời đã có những bước tiến nhảy vọt. Đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao với tỷ lệ chi sống theo các báo cáo tăng lên rõ rệt, từ 60% vào năm 1972 cho đến hơn 80% vào năm 1990. Kể từ ca phẫu thuật ứng dụng kỹ thuật vi phẫu vào lâm sàng đầu tiên để nối lại thành công ngón tay bị đứt rời vào năm 1965, được thực hiện bởi Komatsu S. và Tamai S.1 Cho đến nay đã trải qua hơn 5 thập kỷ, cùng với sự tiến bộ về trang thiết bị là kính hiển vi và dụng cụ phẫu thuật, việc nối lại chi trên đứt rời sử dụng kỹ thuật vi phẫu ngày càng được hoàn thiện, trở thành thường quy và phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, chúng ta đã có những ca mổ nối chi từ những năm 70 của thế kỷ trước và nó bị gián đoạn bởi chiến tranh, bởi thời kỳ bao cấp kinh tế khó khăn. Ca phẫu thuật ứng dụng kỹ thuật vi phẫu thành công đầu tiên được thực hiện bởi Nguyễn Huy Phan và cộng sự tại bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108 vào năm 19872, khi nối lại một ngón tay đứt rời. Đến nay, kỹ thuật này đã phát triển mạnh mẽ và được triển khai ứng dụng ở gần khắp các bệnh viện trung tâm trên cả ba miền đất nước. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cũng đã ứng dụng kỹ thuật vi phẫu một cách thường qui trong cấp cứu nối lại chi trên đứt rời kể từ năm 2004 đến nay. Đã có nhiều công trình nghiên cứu và báo cáo về việc ứng dụng kỹ thuật vi phẫu vào phẫu thuật nối lại chi trên đứt rời với kết quả tốt. Tuy nhiên, chiếm đa số là các báo cáo đánh giá về tổn thương đứt rời bé ở các vùng bàn, ngón tay hoặc toàn bộ các vùng thuộc chi trên. Không nhiều báo cáo tập trung đánh giá riêng về tổn thương đứt rời lớn ở vùng cánh tay, cẳng tay, cổ tay. Mặc dù giữa hai vùng lớn và bé của chi trên này có những khác biệt về cấu trúc giải phẫu, đặc điểm tổn thương, quan điểm điều trị và khả năng phục hồi chức năng. Ngoài ra, việc nối lại tổn thương đứt rời lớn của chi trên luôn là khó khăn, thách thức với phẫu thuật viên, kết quả phục hồi chức năng thường không cao. Cần lựa chọn bệnh nhân thích hợp, trang thiết bị đầy đủ và kỹ năng phẫu thuật tốt, ngoài ra cần chăm sóc hậu phẫu cẩn thận, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật và nhà trị liệu phục hồi chức năng mới có thể thu được kết quả sau cùng tốt hơn. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu: “Đánh giá kết quả của phẫu thuật nối lại chi trên đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức”. Với hai mục tiêu: 1. Nhận xét đặc điểm tổn thương đứt rời chi trên tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ tháng 07/ 2015 đến 09/ 2018. 2. Đánh giá kết quả của phẫu thuật nối lại chi trên đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu và một số yếu tố liên quan đến kết quả của phẫu thuật.  
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2263
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
20THS1065.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
2.6 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.