Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1595
Nhan đề: KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH BÁO CÁO SỰ CỐ Y KHOA CỦA ĐIỀU DƯỠNG KHOA LÂM SÀNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG NĂM 2019 VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN
Tác giả: CHU THỊ, HUYỀN
Người hướng dẫn: Nguyễn Thúy, Ly
Từ khoá: Điều dưỡng
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Tóm tắt: Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh 1. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên thế giới hàng năm có 421 triệu người bệnh nhập viện trong đó khoảng 42,7 triệu sự cố y khoa xảy ra ở những lần nhập viện này 2. Các nghiên cứu cho thấy, sự cố y khoa liên quan trực tiếp tới phẫu thuật chiếm 3 – 16% với tỉ lệ tử vong từ 0,4 – 0,8% 3, 4. Sự cố y khoa liên quan tới nhiễm khuẩn Bệnh viện từ 5 – 15% người bệnh nội trú và tại các khoa điều trị tích cực từ 9 – 37% 3,5,6,7. Các bằng chứng đã chỉ ra rằng sự cố y khoa có thể phòng ngừa tới 50% nếu được báo cáo và xử trí kịp thời 2, 6, 8. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ khoảng 6 – 27% các sự cố y khoa được báo cáo 9, 10. Ở Việt Nam, sự cố y khoa xảy ra gần đây gây sự quan tâm theo dõi của toàn xã hội, áp lực mà các Bệnh viện phải gánh chịu như uy tín, kinh tế và nhân lực là rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám và chữa bệnh 11. Các yếu tố gây ra sự cố y khoa bao gồm nhiều yếu tố như quá trình quản lý, thực hành chuyên môn, môi trường làm việc, người nhà và cả người bệnh 12. Trong thực tế, khi sự cố y khoa xảy ra không chỉ người bệnh và gia đình trở thành nạn nhân mà chính các cán bộ y tế liên quan trực tiếp tới sự cố đó cũng bị ảnh hưởng cả về tâm lý và chuyên môn 12. Nếu các sự cố y khoa không được ghi nhận và không được tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm và có quy trình rõ ràng thì những sự cố này sẽ vẫn có thể bị tái diễn. Do vậy, các sự cố y khoa cần được được công khai, báo cáo và phân tích một cách đầy đủ và khoa học để từ đó hạn chế tối đa, đồng thời ngăn chặn những sự cố không mong muốn, đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh 1, 12. Bệnh viện đa khoa Đức Giang là Bệnh viện Hạng I của Sở y tế Hà Nội mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh trung bình khoảng 1500 lượt người bệnh ngoại trú và khoảng hơn 900 lượt người bệnh điều trị nội trú. Theo báo cáo năm 2018, Bệnh viện đã tiếp nhận 189 sự cố y khoa được báo cáo, trong đó 159 báo cáo từ Điều dưỡng 13. Số lượng nhân viên Bệnh viện tính đến tháng 2 năm 2019 là 938 người trong đó điều dưỡng có 539 người (57,5%). Nguồn nhân lực chiếm đa số và thời gian trực tiếp chăm sóc người bệnh chiếm tới 80 – 90% khối lượng công việc dẫn đến khả năng gặp sự cố y khoa trong nhóm điều dưỡng có thể cao hơn so với các nhóm chuyên môn khác. Với mục đích đánh giá về kiến thức, thái độ và thực hành trong báo cáo sự cố y khoa của các điều dưỡng tại khoa lâm sàng Bệnh viện đa khoa Đức Giang, nhằm phát hiện ra những tồn tại và bất cập trong báo cáo những sự cố, nâng cao hoạt động quản lý sự cố y khoa trong Bệnh viện nói chung và công tác đảm bảo an toàn người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang nói riêng. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Kiến thức, thái độ, thực hành báo cáo sự cố y khoa của Điều dưỡng khoa lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang năm 2019 và một số yếu tố liên quan”.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1595
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
20THS1016.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
2.19 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.