Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1133
Title: CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ TIÊU HÓA TẠI TRUNG TÂM Y HỌC HẠT NHÂN VÀ UNG BƯỚU, BỆNH VIỆN BẠCH MAI NĂM 2018
Authors: PHẠM, VĂN CHÂU
Advisor: PGS. TS PHẠM, HUY TUẤN KIỆT
Issue Date: 2019
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Bệnh ung thư là một vấn đề sức khỏe quan trọng, đang trở thành một gánh nặng thực sự cho xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), bệnh ung thư đã gây tử vong cho 7,1 triệu người hàng năm, chiếm 12,5% tổng số người bị chết hàng năm trên toàn cầu và lớn hơn cả tổng số người chết vì các bệnh HIV/AIDS, lao, và sốt rét cộng lại [1]. Ung thư đường tiêu hóa là một căn bệnh phổ biến xảy ra khi có sự xuất hiện của các khối u ác tính trong đường tiêu hóa ở các cơ quan như: thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan. Ung thư đường tiêu hóa gây nên bởi nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt và ăn uống. Trên thế giới, Ung thư đường tiêu hóa là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư phổi ở nam và ung thư vú ở nữ giới [2]. Tại Việt Nam, theo số liệu công bố tại Hội thảo Quốc gia phòng chống ung thư, năm 2010 Việt Nam có 126.307 ca mắc mới và dự báo sẽ tăng thêm 50% vào năm 2020 với 190.000 ca mắc, trong đó ung thư đường tiêu hóa chiếm tỉ lệ cao nhất [3], [4]. Thống kê từ Nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á, được tiến hành tại 8 quốc gia với 9,513 bệnh nhân (Việt Nam chiếm 20% bệnh nhân) trong giai đoạn 2012-2014, cho thấy bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao lên đến 55% trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán [5]. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỉ lệ sống còn của bệnh nhân tương đối tốt. Thậm chí có đến 6% bệnh nhân được điều trị vào giai đoạn 4 tiếp tục sống thêm năm năm sau khi được chẩn đoán [6]. Chất lượng cuộc sống của đối tượng người bệnh nói chung và người bệnh ung thư nói riêng ngày càng được quan tâm. Những người mắc bệnh ung thư phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến thể chất và tinh thần khiến cho chất lượng cuộc sống của họ chịu ảnh hưởng: mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn nuốt, ăn không ngon [7]; suy giảm khả năng tình dục [8]; rối loạn cảm xúc, đau khổ [9]; đau đớn và nhiều vấn đề khác [10]. Mong muốn cải thiện được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư là một phần quan trọng trong chiến lược điều trị ung thư, đặc biệt là phát hiện sớm kết hợp với chăm sóc giảm nhẹ [11], [12]. Việc khảo sát, đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư chưa được quan tâm nhiều. Đặc biệt, tại đơn vị chống đau và chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm YHHN và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai có rất ít các nghiên cứu về chất lượng cuộc sống nhiều bệnh nhân với các loại ung thư khác nhau. Trong khi đó, việc sử dụng bộ công cụ đánh giá chất lượng cuộc của bệnh nhân ung thư được điều trị chăm sóc giảm nhẹ QLQ-C15 PAL ở Việt Nam còn chưa phổ biến [13], [14]. Đánh giá chất lượng cuộc sống không chỉ giúp ích cho việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư mà từ đó Ban lãnh đạo và các Khoa phòng có các chính sách, tổ chức hoàn thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ cho bệnh viện. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư tiêu hóa tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai năm 2018” với các mục tiêu như sau: Mục tiêu cụ thể: 1. Mô tả thực trạng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư tiêu hóa sau điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu, BV Bạch Mai 2. Phân tích một số yếu tố liên quan tới chất lượng cuộc sống của đối tượng nghiên cứu
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1133
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21THS1208.pdf
  Restricted Access
2.16 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.