Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1028
Nhan đề: XÁC ĐỊNH ĐỘT BIẾN LIÊN QUAN ĐẾN KHÁNG THUỐC Ở BỆNH NHÂN VIÊM GAN B MẠN TÍNH TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG (1/2014-12/2017)
Tác giả: TRỊNH, THỊ HẰNG
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn, Vũ Trung
TS. Lê, Văn Duyệt
Năm xuất bản: 2019
Tóm tắt: Nhiễm vi rút viêm gan B (Hepatitis B virus-HBV) có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan và ung thư gan. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2015, có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV (HBsAg dương tính) và số người tử vong liên quan đến nhiễm HBV là 887. 000 [1]. HBV và các bệnh do vi rút này gây ra hiện đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu, không chỉ bởi tỷ lệ người nhiễm cao, kèm theo các biến chứng nguy hiểm mà còn do sự lây truyền nhanh trong cộng đồng. HBV có thể lây truyền qua tổn thương ở da, niêm mạc có tiếp xúc với máu, dịch của người mang HBV, qua con đường truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn, và đặc biệt là qua quá trình chu sinh [1]. Mặc dù đã có vắc xin hiệu quả, nhưng tỷ lệ người nhiễm HBV vẫn còn cao. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HBV cao, với khoảng 10-20% dân số bị nhiễm. Trong đó, HBV gây ra 49,7% trường hợp viêm gan cấp, 87,6% trường hợp xơ gan và 57,6%-80% số ca bị ung thư gan [4]. Trước thực trạng trên, việc phát hiện và điều trị viêm gan B mạn tính trở nên vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Hiện nay, có 2 nhóm thuốc được công nhận trong điều trị viêm gan B mạn là Interferon và các đồng phân Nucleotides [4]. Tuy nhiên, với liệu pháp miễn dịch, điều trị bằng Interferon, tỷ lệ đáp ứng thấp, dưới 40% [5]. Do đó, những liệu pháp kháng vi rút hiệu quả được xem là cần thiết trong điều trị viêm gan B. Các đồng phân nucleotides có tác dụng ức chế sự tăng sinh của vi rút trong thời gian dài, với mức độ khác nhau tùy loại thuốc, ít tác dụng phụ, làm chậm diễn biến của bệnh, cải thiện tỷ lệ sống và giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân [4]. Trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng vi rút, dưới áp lực chọn lọc của thuốc, các dòng vi rút có đột biến kháng thuốc sẽ xuất hiện và lan rộng, gây nên tình trạng kháng thuốc, dẫn đến thất bại điều trị. Các xét nghiệm xác định tình trạng kháng thuốc của HBV cùng với việc xác định gen kháng thuốc có ý nghĩa chiến lược trong điều trị và kiểm soát bệnh ở Việt Nam. Cho đến nay, đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Từ tháng 8/2004 đến tháng 5/2006, Hồ Tấn Đạt cùng đồng nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen để xác định kiểu gen và các đột biến kháng thuốc của HBV trên 122 bệnh nhân viêm gan B mạn tính đang điều trị LAM. Nghiên cứu xác định được 2 kiểu gen của HBV là kiểu gen B và C với tỷ lệ lần lượt là 62,3% và 37,7%. Đột biến kháng LAM chiếm 63,9%, trong đó, tỷ lệ đột biến kháng LAM sau 1, 2, 3, 4 năm điều trị LAM là 27,8%; 63,4%; 71,1%; 83,3% [6]. Năm 2010, Lê Thị Dung xây dựng quy trình phát hiện đột biến rtA181V/T và rtN236T kháng ADV của HBV bằng kỹ thuật realtime PCR, xác định được 45,11% bệnh nhân xuất hiện đột biến kháng ADV. Trong đó, đột biến rtA181V chiếm 5,71%; đột biến rtN236T chiếm 5,71% và đột biến rtA181T chiếm 11,43% [7]. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong quá trình theo dõi, quản lý bệnh nhân viêm gan B được điều trị bằng các thuốc kháng vi rút, chúng tôi nhận thấy không ít những trường hợp thất bại điều trị do kháng thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thống kê đầy đủ về một số đột biến liên quan đến kháng thuốc điều trị viêm gan B. Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài: “Xác định đột biến liên quan đến kháng thuốc của HBV ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (1/2014-12/2017)” với mục tiêu sau: Xác định đột biến kháng thuốc của HBV và mối liên quan với các phác đồ điều trị ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính.
Định danh: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1028
Bộ sưu tập: Luận văn thạc sĩ

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
21THS1124.pdf
  Tập tin giới hạn truy cập
1.69 MBAdobe PDFHình minh họa
 Đăng nhập để xem toàn văn


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.