Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/4304
Title: NHẬN XÉT KẾT QUẢ CỦA LIỆU PHÁP HẠ THÂN NHIỆT Ở BỆNH NHÂN NGỪNG TUẦN HOÀN DO CĂN NGUYÊN TIM MẠCH
Authors: Bùi, Mạnh Cường
Advisor: Nguyễn, Văn Chi
Keywords: Hồi sức cấp cứu Mã số: CK 62.72.31.01
Issue Date: 12/2022
Abstract: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI BÙI MẠNH CƯỜNG NHẬN XÉT KẾT QUẢ CỦA LIỆU PHÁP HẠ THÂN NHIỆT Ở BỆNH NHÂN NGỪNG TUẦN HOÀN DO CĂN NGUYÊN TIM MẠCH Ngành/Chuyên ngành: Hồi sức tích cực Mã số : 62.72.31.01 TÓM TẮT LUẬN VĂN CHUYÊN KHOA II Hà Nội - 2022 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Văn Chi Phản biện 1: TS. Nguyễn Hữu Quân Phản biện 2: TS. Phạm Minh Tuấn Phản biện : PGS.TS. Mai Duy Tôn Luận văn được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận văn Chuyên khoa II tại Trường đại học Y Hà Nội. Vào hồi 9h30, ngày 01 tháng 12 năm 2022 Có thể tìm luận văn tại: Thư viện Trường đại học Y Hà Nội   DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN VĂN Chưa có bài báo công bố ĐẶT VẤN ĐỀ Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Tử vong và tàn tật sau ngừng tuần hoàn là những mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Báo cáo cho thấy tại Hoa Kỳ ngừng tuần hoàn do tim mạch là nguyên nhân tử vong thứ ba sau ung thư và các bệnh lý về đột quỵ. Năm 2013 tỷ lệ ước tính số ca ngừng tim tại Hoa Kỳ xảy ra ngoại viện là 395.000 người và nội viện là 200.000 ca. Mặc dù đã có những cập nhật trong quá trình điều trị, tỷ lệ sống sót còn thấp. Tại Hoa Kỳ ghi nhận dưới 6% bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoài viện và 24% bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong viện sống sót sau khi xuất viện. Tại Bắc Mỹ tỷ lệ sống sót bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện chỉ từ 7,7% đến 39,9% trên 10 khu vực. Một trong những nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn phổ biến nhất là do tim chiếm từ 50% đến 60%, trong đó bệnh tim do mạch vành chiếm 75% các sự cố ngừng tuần hoàn có nguyên nhân từ tim mạch. Hạ thân nhiệt đã được chứng minh có hiệu quả giúp cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn có nhiều cơ hội sống hơn. Các báo cáo trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của liệu pháp này giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm di chứng tàn phế xuống là 11%. Kết cục thần kinh tốt được quan sát thấy ở 85% số người sống sót ở Hoa Kỳ và lên đến 95% số người sống sót ở các nước Châu Âu. Tại Việt Nam, hạ thân nhiệt đang trở thành liệu pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Đến nay đã có một số cơ sở y tế áp dụng liệu pháp điều trị này. Tuy nhiên còn ít các nghiên cứu chi tiết nhằm đánh giá hiệu quả của liệu pháp này trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với tên đề tài: “Nhận xét kết quả của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch”, nghiên cứu với hai mục tiêu: Nhận xét kết quả điều trị của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch. Nhận xét các biến chứng của liệu pháp hạ thân nhiệt ở các bệnh nhân này. 1. Tính cấp thiết của đề tài Nguyên nhân tim mạch một trong những nguyên nhân gây ra ngừng tuần hoàn chủ yếu ở bệnh nhân. Do đó, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu về vấn đề này nhằm cung cấp cơ sở để nhân viên y tế lực chọn phương pháp điều trị và tiên lượng kết quả, biến chứng cho bệnh nhân. Một trong những nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn phổ biến nhất là do tim chiếm từ 50% đến 60%, trong đó bệnh tim do mạch vành chiếm 75% các sự cố ngừng tuần hoàn có nguyên nhân từ tim mạch. Hạ thân nhiệt đã được chứng minh có hiệu quả giúp cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn có nhiều cơ hội sống hơn. Tuy nhiên, trước những hiệu quả do liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn mang lại, những khuyến cáo đã được đưa ra về việc sử dụng liệu pháp này có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hóa, điện giải và tim mạch. 36,1% huyết áp thấp; 46,5% tăng đường huyết và 37,3% viêm phổi là kết quả của một nghiên cứu trên thế giới đánh giá biến chứng gặp phải sau áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt. Những đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân ngừng tuần hoàn do các nguyên nhân khác nhau có thể khác nhau. Do đó, hiệu quả điều trị, biến chứng của các phương pháp điều trị khác nhau trên nhóm bệnh nhân này cũng có thể không giống nhau. Do đó, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu về kết quả điều trị liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn, từ đó cung cấp cơ sở cho nhân viên y tế lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. 2. Những đóng góp mới và ý nghĩa khoa học thực tiễn của luận văn 1. Cung cấp dữ liệu về kết quả điều trị của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch. 2. Cung cấp cơ sở dữ liệu về các biến chứng của liệu pháp hạ thân nhiệt ở các bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch. Đây chính là các cơ sở khoa học trong việc đưa ra định hướng phương pháp điều trị cho bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng có thế gặp phải. 3. Bố cục của Luận văn Luận văn bao gồm 115 trang (không kể phụ lục), 4 chương gồm Đặt vấn đề: 2 trang; Chương 1- Tổng quan: 45 trang; Chương 2- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 18 trang; Chương 3- Kết quả: 24 trang; Chương 4- Bàn luận: 24 trang; Kết luận: 1 trang; Kiến nghị: 1 trang; trong đó có: 24 bảng, 18 biểu đồ và 92 tài liệu tham khảo, trong đó 15 tài liệu tiếng Việt và 77 tài liệu tiếng Anh.   Chương 1 TỔNG QUAN 1. Ngừng tuần hoàn Ngừng tuần hoàn (NTH) là tình trạng tim ngừng hoạt động hay hoạt động không có hiệu quả. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào. Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản hay hồi sức tim phổi phải được bắt đầu ngay lập tức khi phát hiện bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Do khoảng thời gian từ gọi cấp cứu đến khi cấp cứu có mặt thường trên 5 phút nên khả năng bệnh nhân được cứu sống hay không khi ngừng tuần hoàn dường như phụ thuộc vào xử trí của cấp cứu tại chỗ. Chẩn đoán ngừng tuần hoàn: Chẩn đoán xác định: dựa vào ba dấu hiệu: mất ý thức đột ngột, ngừng thở, mất mạch cảnh. Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt giữa vô tâm thu với rung thất sóng nhỏ bằng điện tâm đồ ít nhất trên hai chuyển đạo. Cần phân biệt giữa phân ly điện cơ với tình trạng shock, trụy mạch bằng bắt mạch ở ít nhất hai vị trí theo quy ước. Phân biệt mất mạch cảnh, mạch bẹn do tắc mạch bằng bắt mạch ở ít nhất hai vị trí trở lên. Các mốc thời gian quan trọng trong cấp cứu ngừng tuần hoàn: - Thời gian No-flow: là thời gian từ khi ngừng tuần hoàn đến khi được hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực). Thời gian này càng dài, tiên lượng tổn thương não càng nặng nề. - Thời gian Low-flow: là thời gian từ khi hồi sinh tim phổi đến khi có tim đập lại (có tái lập tuần hoàn tự nhiên). - Thời gian từ khi ngừng tuần hoàn đến khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên là tổng thời gian No-flow và thời gian Low-flow. 2. Hạ thân nhiệt 2.1. Định nghĩa và giai đoạn hạ thân nhiệt Hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt xuống dưới mức 36℃. Hạ thân nhiệt giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan. Hạ thân nhiệt diễn ra qua 4 giai đoạn: Giai đoạn cảm ứng: dùng chế độ làm lạnh nhanh ở mức tối đa, nhanh chóng đưa nhiệt độ cơ thể xuống mức nhiệt độ đích (trong dải nhiệt độ chọn trước từ 33℃ đến 36℃) trong thời gian ngắn nhất có thể. Giai đoạn duy trì: duy trì nhiệt độ đích (từ 33℃ đến 36℃) trong 24 giờ. Giai đoạn làm ấm: dùng chế độ làm ấm nâng dần nhiệt độ cơ thể lên 37℃, cần làm ấm chậm, tốc độ 0,1-0,5℃/giờ, đảm bảo thời gian làm ấm kéo dài trên 12 giờ. Giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt: duy trì 37℃ trong 24 giờ 2.2. Cơ sở lý thuyết hạ thân nhiệt trong việc bảo vệ tế bào thần kinh sau ngừng tuần hoàn Hình 1.1. Cơ chế bảo vệ não ở mức phân tử khi hạ thân nhiệt chỉ huy 2.3. Chỉ định và chống chỉ định Chỉ định Bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong bệnh viện hoặc ngoại viện được hồi sinh tim phổi thành công, có tài lập tuần hoàn tự nhiên. Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, bệnh nhân còn hôn mê Glasgow < 12 điểm được đặt ống nội khí quản, thở máy. Bệnh nhân còn phản xạ đồng tử với ánh sáng. Thời gian từ khi tái lập tuần hoàn tự nhiên đến khi tiến hành hạ thân nhiệt tốt nhất dưới 6 giờ. Chống chỉ định Chống chỉ định tuyệt đối: chết não, mất não Chống chỉ định tương đối: Huyết áp khó kiểm soát (phải dùng ≥ 2 loại thuốc vận mạch liều tối đa vẫn không thể kiểm soát được huyết áp). Tình trạng sốc nhiễm khuẩn chưa kiểm soát được Phẫu thuật trong vòng 14 ngày Chảy máu nặng khó kiểm soát Phụ nữ có thai Bệnh lý mạn tính ở giai đoạn cuối. Tuổi cao trên 80 tuổi.   1.3. Nghiên cứu về kết quả của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch. Nhằm cung cấp cơ sở để so sánh hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt trên nhóm bệnh nhân ngừng tuần hoàn do nguyên nhân tim mạch nói riêng và nguyên nhân ngừng tuần hoàn nói chung, nghiên cứu tổng hợp các thông tin về hiệu quả và biến chứng của biện pháp ngừng tuần hoàn trên bệnh nhân NTH do mọi nguyên nhân, như sau: Sơ đồ 1.6. Khung lý thuyết nghiên cứu   Chương 2 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong bệnh viện hoặc ngoại viện có chỉ định liệu pháp hạ thân nhiệt. 2.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân BN được đưa vào nghiên cứu khi có đủ các điều kiện sau: Bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong bệnh viện hoặc ngoại viện được chẩn đoán trong hồ sơ bệnh án do nguyên nhân tim mạch được hồi sinh tim phổi thành công, có tái lập tuần hoàn tự nhiên (ROSC). Bệnh nhân sau ROSC, hôn mê Glasgow ≤ 12 điểm được đặt ống nội khí quản, thở máy. Thời gian từ khi tái lập tuần hoàn tự nhiên đến khi tiến hành hạ thân nhiệt tối đa 6 giờ. Bệnh nhân còn phản xạ đồng tử với ánh sáng. Tuổi ≥ 18. 2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân Chết não, mất não, đột quỵ não, chấn thương sọ não. Hôn mê trước khi ngừng tuần hoàn do nguyên nhân khác. Huyết động khó kiểm soát hoặc không kiểm soát được, khi hạ thân nhiệt có thể dẫn tới suy tuần hoàn nặng (phải dùng ≥2 loại thuốc vận mạch để duy trì huyết áp). Sepsis. Bệnh nhân có thể khởi phát nhiễm trùng nặng – sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng khi tiến hành hạ thân nhiệt. Phẫu thuật lớn trong vòng 14 ngày – hạ thân nhiệt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Chấn thương sọ não. Rối loạn nhịp tim nguy hiểm chưa kiểm soát được. Phụ nữ có thai. Bệnh lý mạn tính ở giai đoạn cuối. Tuổi cao > 80. 2.1.3. Địa điểm và thời gian nghiên cứu Địa điểm: Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai Thời gian nghiên cứu: từ tháng 05/2020 tới tháng 11 năm 2022. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Thiết kế nghiên cứu Nghiên cứu mô tả hồi cứu. 2.2.2. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu Cỡ mẫu: Nghiên cứu chọn toàn bộ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ vào Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 05 năm 2015 tới tháng 12 năm 2018. Thực tế, nghiên cứu tiến hành thu thập được 35 bệnh nhân đủ điều kiện. Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu thuận tiện. 2.2.3. Các biến số và chỉ số trong nghiên cứu Biến số trong nghiên cứu gồm 3 nhóm biến số Nhóm biến số về đặc điểm chung: Biến số về cá nhân: tuổi, giới, lối sống, bệnh lý kèm theo. Biến số về đặc điểm lâm sàng và cấp cứu ngừng tuần hoàn của bệnh nhân: nơi xảy ra ngừng tuần hoàn, người chứng kiến, tỷ lệ bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ (%), nguyên nhân ngừng tuần hoàn, đặc điểm nhịp tim ban đầu khi ngừng tuần hoàn, đặc điểm lâm sàng (glasgow, mạch, nhiệt độ, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương) tại thời điểm nhập viện, đặc điểm về thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn (thời gian từ khi NTH đến khi được hồi sinh tim phổi, Thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn, Thời gian hồi sinh tim phổi tới khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên, thời gian từ khi có tái lập tuần hoàn đến khi hạ thân nhiệt, thời gian điều trị tại khoa Hồi sức), đặc điểm can thiệp thủ thuật và đặc điểm điều trị của người bệnh. Nhóm biến số mục tiêu 1: kết quả liệu pháp hạ thân nhiệt của người bệnh ngừng tuần hoàn: hiệu quả trên các chỉ số cận lâm sàng (chỉ số lactate, pH máu, HCO3), kết quả hồi phục thần kinh và tỷ lệ tử vong bệnh nhân tại thời điểm ra viện, sau 30 ngày. Đặc điểm cấp cứu ngừng tuần hoàn: nguyên nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tuần hoàn có người chứng kiến, thời gian từ khi chứng kiến đến khi bắt đầu được hồi sinh tim phổi, thời gian từ khi bắt đầu hồi sinh tim phổi đến khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên Nhóm biến số mục tiêu 2: Đánh giá biến chứng gặp phải ở bệnh nhân bao gồm các nhóm biến số về rối loạn điện giải, chuyển hóa, Chảy máu, viêm phổi, nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim,.. 2.2.6. Tiêu chuẩn sử dụng trong nghiên cứu Tiêu chuẩn đánh giá tử vong: tại thời điểm ra viện kết quả được ghi nhận dựa trên ghi chép trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Tại thời điểm sau 30 ngày: kết quả điều trị tử vong/sống sót được đánh giá thông qua gọi điện hồi cứu với bệnh nhân/người nhà bệnh nhân về tình trạng của bệnh nhân. Thang điểm Glasgow-Pittsburgh Celebral Performance Categories (CPC) CPC 1 – 2: kết quả điều trị tốt CPC 3 – 4: kết quả điều trị xấu CPC 5: bệnh nhân tử vong Thang điểm tàn tật Rankin sửa đổi MRS (Modified Rankin Scale) mRS 0 – 3: kết quả điều trị tốt. mRS 4 – 5: kết quả điều trị xấu. mRS 6: bệnh nhân tử vong. Kết quả đánh giá thang đo CPC và thang đo MRS của bệnh nhân được đánh giá tại thời điểm ra viện và sau 30 ngày. Thang điểm đánh giá rét run tại giường: Điểm rét run Mức độ rét run 0 Không: không run khi sờ vào cơ nhai, cổ, ngực 1 Nhẹ: run thấy ở cổ và/hoặc ngực 2 Trung bình: run thấy ở chi trên (cả vùng cổ và ngực) 3 Nặng: run thấy ở toàn thân, cả chi trên và chi dưới. 2.2.8. Quản lý, xử lý và phân tích số liệu Số liệu được thu thập và xử lý bằng theo phần mềm thống kê y học. - Các kết quả được mô tả theo: Phần 1: Thống kê mô tả: mô tả đặc điểm của các biến số và đặc điểm của ĐTNC, thông qua các chỉ số như giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, trung vị, khoảng tứ phân vị, tỷ lệ phần trăm. Phần 2: Thống kê suy luận: Phân tích hiệu quả và biến chứng của can thiệp bằng so sánh sự khác biệt: Biến định lượng thuộc 1 nhóm: đối với các biến phân bố chuẩn sử dụng T test ghép cặp, đối với các biến phân bố không chuẩn: sử dụng Sign test ghép cặp để đánh giá các chỉ số trước và sau can thiệp. Biến định lượng thuộc 2 nhóm: đối với các biến phân bố chuẩn sử dụng T test độc lập, đối với các biến phân bố không chuẩn: sử dụng Mann-Whitney test. Mô hình hồi quy logistic được sử dụng để đánh giá mối liên quan giữa các biến độc lập (yếu tố cá nhân, đặc điệp điều trị, cấp cứu ngừng tuần hoàn, biến chứng,..) ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân, với mức ý nghĩa thống kê p<0,05. 2.2.6. Đạo đức nghiên cứu Đề tài nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng đạo đức của Nhà trường và sự cho phép của Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Chương 3 KẾT QUẢ 3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu tiến hành trên 35 bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong đó chủ yếu là nam giới chiếm 97,1% (34/35 bệnh nhân). Độ tuổi trung bình đối tượng tham gia nghiên cứu là 43,9 ± 16,1 tuổi; trong đó chủ yếu thuộc độ tuổi từ 31-50 tuổi chiếm 54,3%; tiếp theo là trên 60 tuổi chiếm 20,0%. Hầu hết bệnh nhân ngừng tuần hoàn tham gia nghiên cứu chưa phát hiện bệnh lý khác kèm theo chiếm 74,3%; bệnh tăng huyết áp có tỷ lệ mắc cao nhất chiếm 22,9%; trong đó có 5,7% (2/35 bệnh nhân) có tiền sử mắc đồng thời hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Đặc điểm lâm sàng và cấp cứu ngừng tuần hoàn của bệnh nhân Nơi xảy ra ngừng tuần hoàn có tỷ lệ cao nhất là ở nhà chiếm 34,3%; tiếp theo là trên xe cá nhân, xe vận chuyển chiếm 25,7% và nơi làm việc chiếm 22,9%. 100% bệnh nhân tham gia nghiên cứu ngừng tuần hoàn có người chứng kiến. 11,4% (4/35 bệnh nhân) được cấp cứu NTH tại chỗ bởi người chứng kiến. Nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn chủ yếu ở bệnh nhân là rối loạn nhịp tim (Brugada, Wolff-parlinson, QT kéo dài,..) chiếm 42,8%; tiếp theo là nhồi máu cơ tim (28,6%) và điện giật (28,6%). Rung thất/nhịp nhanh thất là nhịp tim ban đầu khi ngừng tuần hoàn có tỷ lệ cao nhất chiếm 68,6% (24/35 bệnh nhân); tiếp theo là vô tâm thu/hoạt động điện vô mạch chiếm 17,1% (6/35 bệnh nhân). Tại thời điểm nhập viện điểm Glasgow của người bệnh ngừng tuần hoàn là 5,0 ± 1,5 điểm, giá trị mạch trung bình là 113,3 ± 12,4 nhịp/phút và nhiệt độ trung bình là 37,9 ± 1,0℃. Bảng 3.3. Đặc điểm cấp cứu ngừng tuần hoàn Đặc điểm ¯X± SD (Min – Max) Thời gian từ khi NTH đến khi được hồi sinh tim phổi (phút) (No-flow) 9,2 ± 4,6 (0 – 15) Thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn (phút) (low-flow) 26,6 ± 15,8 (5 – 60) Thời gian hồi sinh tim phổi tới khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên (phút) 35,8 ± 14,6 (15 – 75) Thời gian từ khi có tái lập tuần hoàn đến khi hạ thân nhiệt (phút) 275,7 ± 75,3 (70 - 360) Thời gian điều trị tại khoa Hồi sức (ngày) 9,1 ± 4,5 (3-19) Tỷ lệ bệnh nhân mở khí quản chiếm 14,3% (5/35 bệnh nhân); rút ống nội khí quản chiếm 45,7% (16/35 bệnh nhân) và lọc máu liên tục chiếm 28,6% (10/35 bệnh nhân). Trong quá trình điều trị có 91,4% bệnh nhân có can thiệp vận mạch; 88,6% bù kali và 42,9% insulin. Thời gian thở máy trung bình của bệnh nhân là 6,2 ± 3,3 (3-15) ngày; thời gian bù kali là 20,1 ± 11,5 (0 - 48) và insulin là 11,9 ± 15,1 (0-48). 3.2. Kết quả của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn 3.2.1. Hiệu quả trên kết quả cận lâm sàng Bảng 3.5. Sự thay đổi chỉ số khí máu ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn Chỉ số T0 T1 T2 T3 T4 Lactate ** (mmol/l) 7,5 ± 3,6 (0,6-16,6) 7,2 ± 3,7 (1,5-16) 2,7 ± 1,3 (0,9-5,7) 1,8 ± 1,1 (0,8-6,3) 1,4 ± 0,8 (0,7-4,1) pH máu** 7,2 ± 0,1 (7,1-7,5) 7,2 ± 0,1 (6,9-7,5) 7,3 ± 0,1 (7,0-7,5) 7,4 ± 0,1 (7,2-7,5) 7,4 ± 0,1 (7,2-7,6) HCO3** 16,6 ± 3,6 (9,9-27,1) 16,3 ± 3,9 (8,4-23) 18,1 ± 3,2 (12,9-24,9) 20,5 ± 3,9 (13,1-28) 21,2 ± 3,6 (11,5-26,4) **Trung bình, độ lệch chuẩn (giá trị nhỏ nhất – giá trị lớn nhất) T0: Lúc vào viện; T1: Cuối giai đoạn hạ thân nhiệt; T2: Cuối giai đoạn duy trì; T3: Cuối giai đoạn làm ấm; T4: Cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. Bệnh nhân nhiễm toan máu trong quá trình điều trị. 3.2.2. Kết quả điều trị của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch Bảng 3.6. Kết quả phục hồi thần kinh của người bệnh Phục hồi thần kinh Phục hồi không tốt (CPC 3-5) Phục hồi tốt (CPC 1-2) n % n % Ra viện 22 62,9 13 37,1 Sau 30 ngày 21 60 14 40 Trên 50% bệnh nhân có kết quả phục hồi thần kinh không tốt. 3.2.3. Đặc điểm tử vong và sống sót của bệnh nhân Biểu đồ 3.10. Tỷ lệ sống sót bệnh nhân sau áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt Trên 50% bệnh nhân tử vong sau điều trị 3.2.4. Một số yếu tố cá nhân, điều trị ngừng tuần hoàn ảnh hưởng đến kết quả điều trị của người bệnh Không có mối liên quan giữa đặc điểm cá nhân với kết quả ra viện của bệnh nhân ngừng tuần hoàn (p>0,05). Không có mối liên quan giữa các yếu tố về đặc điểm cấp cứu bao gồm: nơi ngừng tuần hoàn, cấp cứu tại chỗ, nguyên nhân ngừng tuần hoàn và nhịp cơ bản đến kết quả điều trị của người bệnh (p>0,05). Giá trị trung bình của điểm Glasgow, huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở bệnh nhân sống sót cao hơn so với bệnh nhân tử vong, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Thời gian cấp cứu của bệnh nhân bao gồm: thời gian từ khi ngừng tuần hoàn đến khi được hồi sức tim phổi (phút), thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn, thời gian hồi sinh tim phổi đến khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên ở nhóm sống sót khi ra viện thấp hơn so với nhóm bệnh nhân tử vong, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Bệnh nhân không có chỉ định rút ống nội khí quản có nguy cơ tử vong cao gấp 32,5 lần so với nhóm có chỉ định rút ống nội khí quản (p<0,05). Các can thiệp/thủ thật như mở khí quản, lọc máu liên tục chưa cho thấy có mối liên quan đến kết quả điều trị của bệnh nhân (p>0,05). Các yếu tố bao gồm: vận mạch, bù kali, insulin không có mối liên quan với kết quả điều trị của bệnh nhân (p>0,05). Số ngày thở máy của bệnh nhân sống sót cao hơn so với bệnh nhân tử vong, thời gian bù kali và thời gian insulin ở nhóm sống sót thấp hơn ở nhóm bệnh nhân tử vong, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). 3.3. Biến chứng của liệu pháp hạ thân nhiệt Tất cả bệnh nhân gặp phải triệu chứng rét run sau khi áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt. Tất cả bệnh nhân kiểm soát được cơn rét run sau khi được nhân viên y tế có các biện pháp thay đổi liều lượng thuốc an thần và giảm sau. 3.3.2. Rối loạn điện giải Biểu đồ 3.12. Sự thay đổi Kali của bệnh nhân sau hạ thân nhiệt T0: Lúc vào viện; T1: Cuối giai đoạn hạ thân nhiệt; T2: Cuối giai đoạn duy trì; T3: Cuối giai đoạn làm ấm; T4: Cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. Chỉ số Kali máu tại thời điểm nhập viện là 3,4 ± 0,5 mmol/L chỉ số này tăng trong các giai đoạn hạ thân nhiệt (tại thời điểm T1: 3,6 ± 0,7 mmol/L), giai đoạn duy trì (tại thời điểm T2: 4,0 ± 0,8 mmol/L), giai đoạn làm ấm (tại thời điểm T3: 4,7 ± 0,9 mmol/L). Chỉ số này giảm ở giai đoạn bình thường bình thường hóa thân nhiệt (thời điểm T4: 4,4 ± 1,0 mmol/l). Bảng 3.15. Sự thay đổi Glucose máu của bệnh nhân sau hạ thân nhiệt Thời điểm Glucose máu* (mmol/L) p T0* 16,8 (12,9-19,4) - T1* 17,6 (9,6-20,4) 0,4869a T2* 7,2 (5,9-9,0) 0,0000 a T3* 6,3 (5,5-8,5) 0,0005 a T4* 6,3 (5,7-9,3) 0,0003 a *Trung vị, khoảng tứ phân vị ap tính theo Sign test T0: Lúc vào viện; T1: Cuối giai đoạn hạ thân nhiệt; T2: Cuối giai đoạn duy trì; T3: Cuối giai đoạn làm ấm; T4: Cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. Sau liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn, chỉ số nhịp tim của bệnh nhân giảm từ 115 ± 19 nhịp/phút xuống 113 ± 12 nhịp/phút tại thời điểm cuối giai đoạn hạ thân nhiệt (T1) và 104 ± 10 nhịp/phút vào thời điểm cuối giai đoạn duy trì (T2); cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt nhịp tim giảm xuống còn 96 ± 8 nhịp/phút. Huyết áp động mạch trung bình có xu hướng tăng trong giai đoạn hạ thân nhiệt, giảm dần vào cuối giai đoạn duy trì nhiệt độ đích và giai đoạn làm ấm. Cụ thể huyết áp trung bình tại thời điểm nhập viện là 92 ± 7 mmHg (T0) tăng lên 99 ± 5 mmHg (T1) vào cuối giai đoạn hạ thân nhiệt; sau đó giảm xuống 88 ± 66 mmHg vào cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt (T4). Bảng 3.16. Đặc điểm biến chứng tim mạch của bệnh nhân NTH sau hạ thân nhiệt Biến chứng tim mạch Tần số (n) Tỷ lệ (%) Nhịp chậm < 40 nhịp/phút 0 0,0 Ngoại tâm thu 1 2,9 Rung thất 0 0,0 Nhịp nhanh thất 0 0,0 Biểu đồ 3.14. Sự thay đổi tiểu cầu của bệnh nhân sau hạ thân nhiệt T0: Lúc vào viện; T1: Cuối giai đoạn hạ thân nhiệt; T2: Cuối giai đoạn duy trì; T3: Cuối giai đoạn làm ấm; T4: Cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. 5,7% bệnh nhân có triệu chứng chảy máu trên lâm sàng. Bảng 3.18. Biến chứng nhiễm trùng trên lâm sàng Lâm sàng Tần số (n) Tỷ lệ (%) Viêm phổi liên quan đến thở máy 18 51,4 Sốc nhiễm khuẩn 3 8,6 Phù phổi 7 20,0 Biến chứng viêm phổi do thở máy có tỷ lệ gặp phải cao nhất ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn sử dụng liệu pháp hạ thân nhiệt là 51,4%; tiếp theo là phù phổi chiếm 20% và sốc nhiễm khuẩn chiếm 8,6%. 14,3% người bệnh gặp phải biến chứng trong quá trình can thiệp hạ thân nhiệt. 3.2.7. Một số yếu tố biến chứng liệu pháp hạ thân nhiệt ảnh hưởng đến kết quả điều trị của người bệnh Tại bất kỳ thời điểm nào trong liệu pháp hạ thân nhiệt kết quả đều cho thấy giá trị trung bình của chỉ số kali máu ở nhóm sống sót cao hơn nhóm tử vong, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Không có sự khác biệt về chỉ số glucose máu trong tất cả các thời điểm của liệu pháp hạ thân nhiệt giữa hai nhóm bệnh nhân tử vong và sống sót sau ra viện (p>0,06). Sau liệu pháp hạ thân nhiệt tại các thời điểm trong quy trình của liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ số tiểu cầu ở nhóm bệnh nhân tử vong thấp hơn ở nhóm bệnh nhân sống sót, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Kết quả cho thấy không có mối liên quan giữa các biến chứng sau liệu pháp hạ thân nhiệt đến kết quả điều trị của bệnh nhân khi ra viện (p>0,05). Chương 4 BÀN LUẬN 4.1.3. Đặc điểm ngừng tuần hoàn bệnh nhân tại thời điểm nhập viện Thời gian từ khi ngừng tuần hoàn đến khi hồi sức tim phổi trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn với các nghiên cũng đánh giá trên nhóm bệnh nhân ngừng tuần hoàn, nghiên cứu của Hoàng Bùi Hải trên 239 bệnh nhân ngừng tuần hoàn với tỷ lệ bệnh nhân NTH có người chứng kiến là 70,7%, kết quả cho thấy thời gian từ khi ngừng tuần hoàn cho đến khi hồi sức tim phổi là 20 phút (13-28 phút); trong khi nghiên cứu của chúng tôi là là 9,2 ± 4,6 phút. Thời gian No-flow là một chỉ số rất quan trọng, các nghiên cứu đã chỉ ra thời gian No-flow có ảnh hưởng đến tổn thương não do khi thời gian No-flow càng dài sẽ dẫn đến tổn thương não càng nặng nề do não không có cơ quan dự trữ oxy, khi tim ngừng ddapapj dòng máu đến não sẽ bị ngừng lại, sự ngừng cung cấp oxy xảy ra gây nên thiếu oxy cho neuron thần kinh và gây chết tế bào não. Bên cạnh thời gian No-flow, nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra thời gian hồi sinh tim phổi (low-flow) là 26,6 ± 15,8 phút cao hơn so với các nghiên cứu khác cũng đánh giá về đặc điểm ngừng tuần hoàn của người bệnh. Nghiên cứu của Veerapong Vattanavanit và cộng sự trên 23 bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện. Kết quả cho thấy thời gian hồi sinh tim phổi trên nhóm đối tượng này là 21 phút. Nghiên cứu của Po-Yen Ko thời gian này là 18 phút. Tuy nhiên thời gian hồi sinh tim phổi trong một số nghiên cứu chưa cho thấy có mối liên quan với nguy cơ tử vong của bệnh nhân. 4.2. Bàn luận về kết quả điều trị của liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do căn nguyên tim mạch. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn có hiệu quả trong cải thiện chỉ số lactat và nhiễm toan. Sinh lý bệnh của tăng lactat máu trong NTH là rất phức tạp, là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ những yếu tố gây NTH từ trước, tổn thương thiếu máu, tái tưới máu trong hồi sinh tim phổi và khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh ngừng thở kết quả làm tăng các chuyển hóa yếm khí gây tăng acid lactic máu. Giá trị pH máu tương tự nghiên cứu của Bernard. Nhiễm toan máu rất thường gặp ở BN hôn mê sau NTH, thường phối hợp giữa rối loạn chuyển hóa với rối loạn hô hấp, do đó thể hiện sự giảm tưới máu nghiêm trọng ở các cơ quan quan trọng và thải ko đủ carbon dioxit trong hồi sức. Tình trạng nhiễm toan nặng có giá trị tiên lượng tới kết cục xấu cho bệnh nhân do đó cần theo dõi và có những can thiệp phù hợp. Tỷ lệ tử vong trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn một số các nghiên cứu khác như tỷ lệ tử vong được báo cáo trong nghiên cứu của Hà Thị Bích Vân tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ năm 2019 trên 87 bệnh nhân bệnh nhân ngừng tuần hoàn cho thấy có 81/87 bệnh nhân tử vong chiếm 93,1% so với nghiên cứu của chúng tôi là 40% tại thời điểm ra viện. Một số các nghiên cứu khác lại ghi nhận tỷ lệ tử vong/ diễn biến xấu thấp hơn so với nghiên cứu này. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, chủng tộc, dân tộc và giới tính. Tử vong và tàn tật do ngừng tim là những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nổi bật. Báo cáo cho thấy tại Hoa Kỳ ngừng tuần hoàn là nguyên nhân tử vong thứ ba sau ung thư và các bệnh lý về tim mạch. Năm 2013 tỷ lệ ước tính số ca ngừng tim tại Hoa Kỳ xảy ra ngoại viện là 395.000 người và nội viện là 200.000 ca. 4.3. Biến chứng của liệu pháp hạ thân nhiệt ở các bệnh nhân này 4.3.1. Rét run Rét run là một trong những phản ứng thay đổi sinh lý được đề cập đến trong các hướng dẫn về liệu pháp hạ thân nhiệt trong ngừng tuần hoàn. Đây là một trong những vấn đề lớn thường được đề cập đến trong pha cảm lạnh. Điều này không có gì bất ngờ vì rét run là phản ứng của cơ thể khi nhiệt độ cơ thể chạm tới vùng shivering. Nó liên quan tới sự tăng nhu cầu chuyển hóa và tiêu thụ oxy cũng như tăng áp lực nội sọ. Những thử nghiệm lâm sàng với các thuốc chẹn thụ thể thần kinh cơ có thể giúp chống lại rét run. Do đó, không có gì bất ngờ khi sự xuất hiện phổ biến của biến chứng rét run và sự kiểm soát được biến chứng này ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn. 4.3.2. Rối loạn điện giải, chuyển hóa Kết quả đánh giá biến chứng của bệnh nhân ngừng tuần hoàn sau áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt không ghi nhận tình trạng rối loạn điện giải ở bệnh nhân. Mặc dù có sự giảm chỉ số kali vào giai đoạn cuối của quá trình hạ thân nhiệt tuy nhiên chỉ số kali máu vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Kết quả có sự khác biệt với một số nghiên cứu ghi nhận bệnh nhân rối loạn điện giải sau can thiệp hạ thân nhiệt ở người bệnh. Mặc dù một số nghiên cứu có sự khác biệt khi ghi nhận trường hợp người bệnh rối loạn điện giải sau liệu pháp hạ thân nhiệt tuy nhiên các nghiên cứu cũng nhấn mạnh không có trường hợp hạ kali máu nặng/ nguy hiểm. Các chỉ số này nhanh chóng trở về bình thường. Bên cạnh chỉ số kali, nghiên cứu này cũng cho thấy liệu pháp hạ thân nhiệt không gây biến chứng về rối loạn glucose máu. Mặc dù trong giai đoạn đầu của quá trình hạ thân nhiệt (giai đoạn hạ thân nhiệt) chỉ số glucose có rối loạn (tăng lên). Tuy nhiên sau đó chỉ số có xu hướng giảm về gần mức bình thường. Kết quả này cũng có sự khác biệt với một số nghiên cứu đã chỉ ra biến chứng rối loạn đường máu có thể gặp phải ở nhóm đối tượng này. 4.3.3. Biến chứng tim mạch Đánh giá về mặt lâm sàng của người bệnh hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn cho thấy nhịp tim, huyết áp trung bình được cải thiện sau khi hạ thân nhiệt. Kết quả này tương đồng với một số nghiên cứu báo có tỷ lệ các đặc điểm lâm sàng bất thường ở bệnh nhân NTH khi vào viện. Điều này có thể dễ dàng lý giải do liệu pháp hạ thân nhiệt dẫn đến giảm trực tiếp tốc độ khử cực tự phát của tế bào tạo nhịp, kéo dài thời gian điện thế hoạt động và giảm tốc độ dẫn truyền xung động cơ tim. Đặc biệt biện pháp triệt tiêu gián tiếp hoạt động giao cảm. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng cho thấy nhịp tim chậm trong điều trị HTN có giá trị tiên lượng tới kết cục lâm sàng tốt cho bệnh nhân. 4.3.4. Biến chứng đông máu Giá trị tiểu cầu, Prothrombin (PT%) của người bệnh giảm sau liệu pháp hạ thân nhiệt. Biến chứng về đông máu tương tự trong một số nghiên cứu cũng chỉ ra đây là biến chứng có thể gặp trên nhóm bệnh nhân ngừng tuần hoàn có sử dụng liệu pháp hạ thân nhiệt. Bên cạnh giá trị cận lâm sàng về đông máu có những biến đổi, về mặt lâm sàng nghiên cứu cũng ghi nhận 5,7% bệnh nhân có triệu chứng chảy máu. Tỷ lệ biến chứng chảy máu trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các nghiên cứu khác như trong hướng dẫn về ứng dụng liệu pháp hạ thân nhiệt trong điều trị bệnh nhân ngừng tuần hoàn đã đề cập đến biến chứng về chảy máu là một trong những biến chứng có thể gặp phải ở bệnh nhân. Nghiên cứu của N Nielsen và cộng sự trên 975 bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện. Kết quả cho thấy biến chứng về chảy máu trong điều trị cho bệnh nhân đã được báo cáo ở 4% các trường hợp bệnh nhân chảy máu cần truyền máu và 0,2% chảy máu trong não. 4.3.5. Biến chứng nhiễm trùng Liệu pháp hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn giai đoạn hạ thân nhiệt, chỉ số bạch cầu có xu hướng tăng sau đó chỉ số này giảm dẫn xuống tại cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. Chỉ số này phù hợp với thực tế tỷ lệ bệnh nhân gặp phải biến chứng nhiễm trùng như viêm phổi do thở máy chiếm 51,4% bệnh nhân; tiếp theo là phù phổi chiếm 20% và sốc nhiễm khuẩn chiếm 8,6%. Trong nghiên cứu của Vũ Đình Kiên đánh giá tình trạng đông máu của bệnh nhân ngừng tuần hoàn sau khi áp dụng phương pháp kiểm soát thân nhiệt theo nhiệt độ đích, biến chứng nhiễm trùng đã được ghi nhận là một trong những biến chứng có thể gặp phải ở nhóm bệnh nhân ngừng tuần hoàn điều trị bằng liệu pháp hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, các hướng dẫn đã chỉ ra việc phát hiện các biến chứng về nhiễm trùng để có biện pháp can thiệp là một thách thức đối với bệnh nhân được điều trị hạ thân nhiệt do triệu chứng sốt thường khó phát hiện ở nhóm đối tượng này. Các khuyến nghị đã được đưa ra như mở rộng hơn chỉ định điều trị kháng sinh ban đầu cho bệnh nhân khi nhân viên y tế nghi ngờ có tình trạng nhiễm trùng. 4.3.6. Co giật Tỷ lệ người bệnh gặp phải biến chứng co giật trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với hầu hết các nghiên cứu được tìm thấy trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn điều trị liệu pháp hạ thân nhiệt. Biến chứng co giật cũng đã được ghi nhận là một trong những triệu chứng có thể xảy ra sau ngừng tim do tổn thương não do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, các báo cáo cũng đã nhấn mạnh triệu chứng co giật không xảy ra nhiều ở bệnh nhân được điều trị hạ thân nhiệt. Do đó, sự xuất hiện của triệu chứng này có thể dự báo những kết cục bất lợi.   KẾT LUẬN 1. Hiệu quả của thay huyết tương bằng albumin 5% điều trị viêm tụy cấp do tăng triglyceride. Chỉ số lactat giảm từ 7,5 ± 3,6 (0,6-16,6) mmol/L tại thời điểm nhập viện xuống 1,4 ± 0,8 (0,7-4,1) mmol/L vào cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. Kết quả phục hồi thần kinh tốt (CPC 1-2) tại thời điểm ra viện là 37,1%; tỷ lệ phục hồi thần kinh tốt tăng lên 40% sau 30 ngày. Tỷ lệ tử vong tại thời điểm ra viện là 40% (14/35 bệnh nhân); sau 30 ngày tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng lên 48,6% (17/35 bệnh nhân). Không có mối liên quan giữa các yếu tố cá nhân (tuổi, tiền sử bệnh tật), đặc điểm cấp cứu ngừng tuần hoàn (nơi ngừng tuần hoàn, cấp cứu tại chỗ, nguyên nhân ngừng tuần hoàn, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn, thời gian từ khi cấp cứu ngừng tuần hoàn đến khi hạ thân nhiệt,..) với nguy cơ tử vong của bệnh nhân (p>0,05). 2. Biến chứng của thay huyết tương bằng albumin 5% 100% người bệnh có rét run và được kiểm soát. Biến chứng tim mạch ghi nhận nhiều nhất là ngoại tâm thu thất chiếm 2,9% (1/35 bệnh nhân). Tiểu cầu giảm trong quá trình hạ thân nhiệt, chỉ số tiểu cầu tại thời điểm nhập viện giảm xuống vào cuối giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt. 5,7% người bệnh có chảy máu trên lâm sàng. Biến chứng nhiễm trùng gặp phải nhiều nhất là viêm phổi do thở máy chiếm 51,4%. 14,3% người bệnh co giật sau liệu pháp hạ thân nhiệt. Không có mối liên quan giữa sự xuất hiện của các biện chứng sau liệu pháp hạ thân nhiệt (rối loạn điện giải và chuyển hóa, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, có giật) đến với nguy cơ tử vong của bệnh nhân (p>0,05).  NHỮNG HẠN CHẾ NGHIÊN CỨU Nghiên cứu là một trong số ít những nghiên cứu tiến hành đánh giá kết quả điều trị hạ thân nhiệt ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn do nguyên nhân tim mạch và các biến chứng của bệnh nhân; trong khi hầu hết các nghiên cứu được tìm thấy đánh giá trên nhóm bệnh nhân ngừng tuần hoàn do tất cả các nguyên nhân. Nghiên cứu có một số hạn chế do cỡ mẫu của nghiên cứu còn hạn chế, đặc điểm địa bàn nghiên cứu có thể ảnh hưởng đến kết quả và biến chứng của liệu pháp hạ thân nhiệt trên nhóm bệnh nhân nghiên cứu. Bên cạnh đó, do nghiên cứu lấy số liệu hồi cứu từ hồ sơ bệnh án, do đó có thể ảnh hưởng đến đánh giá các triệu chứng lâm sàng, cận lâm, kết quả điều trị và biến chứng của kỹ thuật hạ thân nhiệt. KHUYẾN NGHỊ Phát hiện sớm và xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn ban đầu đúng, kịp thời, tiếp cận sớm với kỹ thuật hạ thân nhiệt cải thiện kết cục lâm sàng.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/4304
Appears in Collections:Luận văn chuyên khoa 2

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2022CK2buimanhcuong.doc.docx
  Restricted Access
2.23 MBMicrosoft Word XML
2022CK2buimanhcuong.pdf.pdf
  Restricted Access
2.1 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.