Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3015
Title: KIẾN THỨC VÀ THÁI ĐỘ CỦA SINH VIÊN ĐIỀU DƯỠNG CAO ĐẲNG Y TẾ HÀ NỘI VỀ CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP ĐIỀU DƯỠNG VIÊN VIỆT NAM NĂM 2020
Authors: nguyễn, Thủy
Advisor: nguyễn, ly
Keywords: Kiến thức, thái độ, chuẩn đạo đức nghề nghiệp, sinh viên, điều dưỡng
Issue Date: 2021
Abstract: ĐẶT VẤN ĐỀ Nghề điều dưỡng là một nghề cao quý, mang tính nhân đạo cao cả. Cùng với kiến thức giỏi về nghề, người điều dưỡng còn cần có lương tâm, trách nhiệm, đạo đức trong việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đạo đức nghề nghiệp cần được dạy cho các nhân viên y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh và các nhóm chăm sóc ở cộng đồng [16]. Tầm quan trọng của giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên y khoa và điều dưỡng là thực sự cần thiết [10]. Để đạt được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, cần giảng dạy y đức thông qua học lý thuyết, cũng như các mô-đun giáo dục về đạo đức và giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân [11]. Ở Việt Nam, người điều dưỡng có mặt ở khắp mọi nơi trong hệ thống y tế. Trách nhiệm của người điều dưỡng rất đa dạng, từ vai trò độc lập, phối hợp và thực hiện y lệnh. Để hoàn thành tốt nghĩa vụ nghề nghiệp mà xã hội giao phó, người điều dưỡng viên bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, họ còn phải là những người có y đức. Cụ thể theo quyết định số: 20/QĐHĐD ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chủ tịch hội điều dưỡng Việt Nam, Chuẩn đạo đức nghề nghiệp (CĐĐNN) của điều dưỡng viên Việt Nam được ban hành [3]. Giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nguồn lực điều dưỡng. Từ năm 2014, Trường Cao đẳng y tế Hà Nội đã đưa nội dung giảng dạy về chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam vào trong chương trình giáo dục đối với sinh viên với thời lượng 5 tiết lý thuyết trên giảng đường vào năm thứ 1 [5]. Phần lớn thời gian học sinh viên được đi thực hành lâm sàng ở bệnh viện bắt đầu trong năm thứ 2 và năm thứ 3 [6]. Trong quá trình học tập và thực hành chăm sóc người bệnh tại bệnh viện, sinh viên đã được trang bị kiến thức và thái độ đối với CĐĐNN ĐDV Việt Nam ra sao và cần cải thiện những khía cạnh gì. Đây chính là những thông tin cần thiết mà nhóm nghiên cứu muốn được tìm hiểu để làm cơ sở cho sự điều chỉnh trong nội dung giảng dạy truyền đạt cho sinh viên. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Kiến thức và thái độ về Chuẩn đạo đức nghề nghiệp Điều dưỡng viên Việt Nam của sinh viên điều dưỡng Cao đẳng Y tế Hà Nội năm 2020” với 2 mục tiêu: (1) Mô tả kiến thức, thái độ của sinh viên điều dưỡng Cao đẳng Y tế Hà Nội về CĐĐNN ĐDV Việt Nam năm 2020. (2) Xác định yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ về chuẩn đạo đức nghề nghiệp. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu: Sinh viên cao đẳng điều dưỡng năm thứ 2 và năm thứ 3 trường cao đẳng y tế Hà Nội. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 03/2020 đến tháng 04/2021. Tiêu chuẩn chọn mẫu: (1) đã hoàn thành môn Pháp luật y tế - Đạo Đức Nghề nghiệp. (2) tự nguyện đồng ý tham gia nghiên cứu. 2.2. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang - Cỡ mẫu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho nghiên cứu cắt ngang với tỷ lệ sinh viên có kiến thức tốt về CĐĐNN là 53,9 trong nghiên cứu trước đó [9], với độ chính xác mong muốn d=5%, độ tin cậy 95% và Z=1,96. Thay thế vào công thức ta có kết quả là 382, thêm 10% dự phòng bỏ cuộc hoặc không hoàn thành bộ công cụ, tổng cộng cỡ mẫu là 444. - Phương pháp chọn mẫu: phương pháp chọn mẫu thuận tiện đã được áp dụng để thu thập đối tượng đủ tiêu chuẩn lựa chọn tham gia nghiên cứu. 2.3. Phương pháp thu thập số liệu: - Bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên nội dung của quyết định số: 20/QĐ-HĐD [3], Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV [1], Thông tư 07/2014/TT-BYT [2]. Ngoài ra, nội dung của bộ công cụ được tham khảo dựa trên các nghiên cứu trong và ngoài nước bao gồm: (1) Thực trạng nhận thức và mức độ thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của sinh viên đại học điều dưỡng liên thông Nam Định” [8]; (2) Nghiên cứu đánh giá nhận thức, thái độ và thực hành đạo đức y khoa ở sinh viên sau đại học y khoa và Nha khoa tại Nam Ấn Độ [12] và (3) Nghiên cứu đánh giá nhận thức, thái độ và thực hành đạo đức y khoa ở bác sĩ và điều dưỡng ở Barbados [14]. - Bộ câu hỏi đã được gửi đến một đánh giá gồm 5 giảng viên điều dưỡng (trình độ thạc sĩ và tiến sĩ với kinh nghiệm điều dưỡng trên 5 năm tại trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và Đại học Y Hà Nội) để nhận đóng góp ý kiến chỉnh sửa. Nội dung đánh giá bộ câu hỏi bao gồm: tính liên quan (thang điểm 1= rất không liên quan, 4= rất liên quan), tính rõ ràng (1= rất không rõ ràng, 4=rất rõ ràng), tính phù hợp (1= rất không phù hợp, 4= rất phù hợp) và tính cần thiết (1= nên lược bỏ, 2= nên giữ lại). Trên cơ sở các góp ý, bộ công cụ đã được điều chỉnh về văn phong để đối tượng nghiên cứu có thể hiểu đúng được ý muốn hỏi, sắp xếp thứ tự câu hỏi có tính logic hơn để đối tượng trả lời liền mạch, loại bỏ một số câu hỏi thông tin chưa phù hợp, bố cục bộ công cụ đẹp hơn, dễ sử dụng trước khi điều tra chính thức. Bộ câu hỏi được thử nghiệm trên 46 sinh viên điều dưỡng năm 3 - trường Cao đẳng Y tế Hà Nội (CĐYTHN). Độ tin cậy của thang đo kiến thức, thái độ về CĐĐNN của sinh viên Điều dưỡng được đánh giá bằng Cronbanch’s Alpha, với hệ số alpha cho phần kiến thức là 7.05 và thái độ là 7.25. Nghiên cứu viên tiếp cận sinh viên năm thứ 2 và thứ 3 sau buổi học trên giảng đường để thông báo về mục tiêu nghiên cứu và giải thích các bước trả lời bộ câu hỏi khi tham gia nghiên cứu. Sinh viên đạt tiêu chuẩn lựa chọn và tự nguyện đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ được phát bộ câu hỏi tự điền để hoàn thành ngay trên giảng đường trong vòng 30-45 phút. Nghiên cứu viên tham gia thu thập số liệu là 05 giảng viên bộ môn Điều dưỡng cơ sở đã được tập huấn kĩ lưỡng, cụ thể, tỉ mỉ về bộ câu hỏi, những vướng mắc có thể gặp phải và cách giải đáp thắc mắc của sinh viên. 2.4. Phương pháp phân tích số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 22.0, sử dụng các phương pháp thống kê mô tả và phân tích mối liên quan thông qua tính tỷ số chênh (OR), p<0,05 là mức thống kê có ý nghĩa. 2.5. Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được hội đồng chấm đề cương Thạc sĩ khóa 28 chuyên ngành điều dưỡng – Trường Đại học Y Hà Nội phê duyệt và ban lãnh đạo trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đồng ý triển khai. Đối tượng tham gia nghiên cứu hoàn toàn tự nguyện và việc từ chối tham gia nghiên cứu không bị bất kỳ một ảnh hưởng gì. 3. KẾT QUẢ 3.1. Thông tin về đối tượng nghiên cứu Bảng 1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu Thông tin Phân loại Số lượng (n=444) Tỷ lệ % Giới Nam 62 14.0 Nữ 382 86.0 Năm học Năm thứ 2 252 56.5 Năm thứ 3 192 43.5 Khoảng cách từ thời gian được hướng dẫn học, đọc về CĐĐNN đến thời điểm khảo sát > 6 tháng 294 66.3 ≤ 6 tháng 150 33,7 Thông tin được nhận/được học đã đáp ứng được nhu cầu Có 388 87.4 Không 56 12.6 Phần lớn đối tượng tham gia nghiên cứu là nữ (86%) và sinh viên năm thứ 2 (55.5%). Đa số đối tượng (87.4%) cho rằng những thông tin nhận được đáp ứng nhu cầu của sinh viên. 3.2. Mô tả kiến thức, thái độ của sinh viên điều dưỡng về CĐĐNN Bảng 2. Kiến thức của sinh viên về CĐĐNN điều dưỡng viên Việt Nam Nội dung Kiến thức Thái độ Mean 8.03 35.32 Độ lệch chuẩn 1.86 4.59 Min 0 20 Max 10 48 Đạt 84.5% Chưa đạt 15.5% Tốt 77.0 Chưa tốt 23.0 Điểm trung bình kiến thức là 8.03, độ lệch chuẩn ± 1.86. Có 84.5% sinh viên có kiến đạt và 15.5% chưa đạt về CĐĐNN. Điểm trung bình thái độ là 35.32, độ lệch chuẩn là ± 4.59. Có 77.0% sinh viên thể hiện thái độ tích cực và 23.0% thái độ chưa tích cực về CĐĐNN 3.3. Một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ của sinh viên về CĐĐNN điều dưỡng viên Viêt Nam. Bảng 3. Mối liên quan giữa đặc điểm của đối tượng nghiên cứu với kiến thức, thái độ về CĐĐNN điều dưỡng viên Việt Nam. Đặc điểm Kiến thức Thái độ Đạt Chưa đạt OR 95% CI Tích cực Chưa tích cực OR 95% CI N (%) N (%) N (%) N (%) Giới Nữ 332 (86.9) 50 (13.1) 2.93 0.18-0.63** 304 (79.6) 78 (20.4) 2.46 0.23-0.71** Nam 43 (69.4) 19 (30.6) 38 (61.3) 24 (38.7) Năm học Năm thứ 3 166 (86.5) 26 (13.5) 1.3 0.78-2.25 158 (82.4) 34 (17.6) 5.53 1.09-2.76* Năm thứ 2 209 (82.9) 43 (17.1) 184 (72.9) 68 (27.1) Khoảng cách từ thời gian được hướng dẫn học, đọc tài liệu về CĐĐNN đến thời điểm khảo sát > 6 tháng 264 (89.8) 30 (10.2) 3.09 0.19-0.54** 235 (79.9) 59 (20.1) 1.60 0.39-0.98* < 6 tháng 111 (74.0) 39 (26.0) 107 (71.3) 43 (28.7) Thông tin được nhận/được học đã đáp ứng được nhu cầu của anh/chị chưa Có 329 (84.8) 59 (15.2) 1.21 0.58-2.53 303 (78.1) 85 (21.9) 1.55 0.84- 2.88 Không 16 (82.1) 10 (17.9) 39 (69.6) 17 (30.4) *p< 0.05; **p<0.001 Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới (OR=2.93, 95%CI=0.18-0.63) và khoảnh cách thời gian được hướng dẫn học/đọc tài liệu (OR=3.09, 95%CI=0.19-0.54) với kiến thức về CĐĐNN. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới (OR=2.46, 95% CI=0.23-0.71), năm học (OR=5.53, 95% CI=1.09-2.76) và khoảng cách thời gian được hướng dẫn học/đọc tài liệu (OR=1.60, 95% CI=0.39-0.98) với thái độ về CĐĐNN. Bảng 4: Mối liên quan giữa kiến thức và thái độ của sinh viên về CĐĐNN điều dưỡng viên Việt Nam. Thái độ Kiến thức Tích cực Chưa tích cực OR 95% CI p N (%) N (%) Đạt 309 (82.4) 66 (17.6) 5.10 2.97- 8.78 <0.001 Chưa đạt 33 (47.8) 36 (52.2) Thái độ tích cực trong nhóm sinh viên có kiến thức đạt có tỷ suất chênh cao gấp 5.1 so với nhóm sinh viên có kiến thức chưa đạt (OR=5.11; CI=2.97-8.78). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0.001. 4. BÀN LUẬN 4.1. Thực trạng kiến thức và thái độ về ĐĐNN của đối tượng nghiên cứu Trong nghiên cứu của chúng tôi có đến 97.3% sinh viên biết hoặc nghe nói về CĐĐNN. Kết quả này tích cực hơn so với kết quả của các nghiên cứu trước đây. Hầu hết các sinh viên điều dưỡng Đại học Khoa học Y khoa Guilan ở Iran không biết được các quy tắc về đạo đức điều dưỡng [13], hay kết quả nghiên cứu của tác giả Vũ Thị Hải Oanh (năm 2013) cũng cho tỷ lệ 46.1% SV không biết hoặc không quan tâm tới CĐĐNN của ĐDV [7]. Tỷ lệ sinh viên điều dưỡng trường Cao đẳng y tế Hà Nội biết về CĐĐNN cao như vậy là vì có tới 96.9% SV được biết qua giảng dạy lý thuyết/hướng dẫn tự học trong giáo trình (Bảng 1). Trong một nghiên cứu khác có tỷ lệ thấp hơn so với kết quả của chúng tôi chỉ có 59.5% sinh viên sau đại học y khoa biết về đạo đức nghề nghiệp thông qua giảng dạy [14]. Ngược lại, phần lớn sinh viên điều dưỡng ở đại học Kerman biết đến đạo đức nghề nghiệp chủ yếu qua sách và các bài giảng [16,17]. Vì vậy, việc đưa Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên vào giảng dạy là hoàn toàn kịp thời và phù hợp với nhu cầu đào tạo hiện nay. Trong nghiên cứu này khoảng cách thời gian học CĐĐNN trên 6 tháng là 76.3%, có tỷ lệ cao như vậy là vì trường CĐYTHN vẫn duy trì kiến thức về CĐĐNN cho sinh viên thông qua việc lồng ghép nội dung ĐĐNN vào những yêu cầu cần đạt được trong quá trình học lý thuyết, thực hành và học lâm sàng ở bệnh viện [6]. 4.2. Kiến thức, thái độ về CĐĐNN của SV điều dưỡng 4.2.1. Kiến thức của sinh viên điều dưỡng về CĐĐNN Đa số sinh viên điều dưỡng có kiến thức đạt về CĐĐNN chiếm tỷ lệ là 84.5%. Kết quả này cao hơn trong một số nghiên cứu khác trước đây. Nghiên cứu của Mohamed AM cho thấy 69.5% đối tượng nghiên cứu có kiến thức về đạo đức y học ở mức độ đạt [15], và nghiên cứu của Nguyễn Thế Dũng có 69.6% sinh viên điều dưỡng có kiến thức đạt về đạo đức y học [4]. Mặc dù tỷ lệ sinh viên điều dưỡng có kiến thức đạt về CĐĐNN trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn các nghiên cứu trước đây, nhưng vẫn còn 15.5% sinh viên điều dưỡng chưa có kiến thức đạt về CĐĐNN cũng là một kết quả đáng quan tâm và cần cải thiện. Kết quả nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của điều chỉnh nội dung về CĐĐNN trong môn học Pháp luật Y tế - Đạo đức Nghề nghiệp giúp cải thiện những khoảng trống trong việc trang bị kiến thức cho sinh viên điều dưỡng. 4.2.2. Thái độ của sinh viên điều dưỡng về CĐĐNN Tương tự như phần kiến thức, hầu hết sinh viên điều dưỡng có thái độ tích cực về CĐĐNN chiếm tỷ lệ là 77%. Kết quả này là tương đồng với kết quả trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thế Dũng cũng có 77.3% sinh viên có thái độ tích cực với đạo đức y học [4]. Tuy nhiên kết quả của chúng tôi lại thấp hơn so với nghiên cứu của Haleh Jafari có 96.3% đối tượng nghiên cứu có thái độ tích cực với đạo đức y học [13]. Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu khác nhau, trong nghiên cứu của chúng tôi đối tượng là sinh viên cao đẳng điều dưỡng năm 2 và năm 3 nên chưa có nhiều thời gian thực hành trên lâm sàng so với đối tượng nghiên cứu của tác giả Haleh Jafari sinh viên đại học năm cuối. 4.3. Một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ của sinh viên về Chuẩn đạo đức y học Kết quả từ bảng 3 cho thấy có mối liên quan giữa giới, khoảng cách thời gian được hướng dẫn học, đọc tài liệu với kiến thức và thái độ của sinh viên về CĐĐNNĐD viên Việt Nam. Tỷ lệ sinh viên nữ có kiến thức đạt, thái độ tích cực về CĐĐNN cao hơn sinh viên nam lần lượt là 2.93 và 2.46. Kết quả này của chúng tôi khác với nghiên cứu của Mokhtari Lakeh và cộng sự, khi sinh viên nam có thái độ tích cực hơn đối với đạo đức điều dưỡng so với sinh viên nữ [17]. Ngược lại, trong nghiên cứu của Chandrashekar Janakiram, kết quả lại cho thấy không có sự khác biệt giữa tuổi nghề và giới tính của sinh viên y khoa với kiến thức và thái độ về đạo đức nghề nghiệp [12]. Điều này cho thấy các kết quả có thể không tương đồng giữa các nghiên cứu trong bối cảnh văn hóa và thực hành y khoa khác nhau. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gợi ý cho sự cần thiết của nghiên cứu định tính nhằm tìm hiểu sâu hơn mối liên hệ giữa đặc điểm nhân khẩu học và kiến thức, thái độ về CĐĐNN với đặc thù với tỷ lệ điều dưỡng nữ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động y tế. Ngoài ra, nghiên cứu chúng tôi cũng cho thấy mối liên quan giữa khoảng cách thời gian học CĐĐNN trên 6 tháng có kiến thức đạt cao hơn 3.09 lần và thái độ tích cực cao hơn 1.6 lần so với các sinh có thời gian học CĐĐNN dưới 6 tháng. Sinh viên điều dưỡng trường cao đẳng y tế Hà Nội được học về CĐĐNN trong môn học Pháp luật Y tế - Đạo đức Nghề nghiệp ở kỳ 1 của năm học thứ nhất [6]. Do vậy, mối liên quan giữa khoảng cách thời gian học CĐĐNN với kiến thức/thái độ về CĐĐNN phần nào phản ánh mối liên quan giữa năm học (sinh viên năm 2 và năm 3) với kiến thức/thái độ. Trên thực tế, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sinh viên năm thứ 3 có thái độ tích cực cao gấp 5.5 lần so với thái độ tích cực của sinh viên năm thứ 2 về CĐĐNN. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Motamed Jahromi cho thấy sinh viên năm thứ 3 trở lên có thái độ tích cực hơn sinh viên năm thứ nhất và năm thứ 2 về đạo đức nghề nghiệp [16]. Các sinh viên năm cuối thường có thái độ về CĐĐNN tốt hơn [13]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy mặc dù không có sự khác biệt về kiến thức giữa sinh viên điều dưỡng trong năm 2 và 3, nhưng tỷ lệ sinh viên năm 3 có thái độ tích cực lại tốt hơn so với sinh viên năm 2. Điều này có thể gợi ý vai trò quan trọng của thời gian thực hành tại bệnh viện, cơ hội tiếp xúc và trực tiếp chăm sóc người bệnh và gia đình người bệnh là những kinh nghiệm quý giá và cần thiết nhằm nâng cao thái độ tích cực về đạo đức nghề nghiệp của các sinh viên điều dưỡng. Do đó, việc đưa các tình huống lâm sàng trong nội dung giảng dạy CĐĐNN có thể hỗ trợ sinh viên nâng cao tư duy tích cực và khả năng đưa ra các quyết định trong quá trình thực hành tại bệnh viện. Kết quả của chúng tôi cũng chưa tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức, thái độ với mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức và thái độ của sinh viên về CĐĐNN điều dưỡng viên Việt Nam với 82,4% sinh viên có kiến thức đạt và thái độ tích cực. Tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức không đạt trong nghiên cứu của chúng tôi có thể blà một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ điều dưỡng có thái độ không tích cực đối với CĐĐNN. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định mức độ quan trọng của việc bồi đắp liên tục kiến thức về CĐĐNN cho sinh viên điều dưỡng, nhằm nâng cao thái độ tích cực về đạo đức nghề nghiệp của sinh viên điều dưỡng khi chăm sóc cho người bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy 12.4% sinh viên điều dưỡng cho rằng việc thông tin được học/nhận chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu. Kết quả này định hướng cho nghiên cứu tiếp theo nhằm đi sâu hơn tìm hiểu về những khía cạnh và phương pháp giảng dạy nên được ứng dụng trong đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về thông tin và nâng cao kiến thức, thái độ của sinh viên điều dưỡng. 4.4. Điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng phương pháp phát vấn để tìm hiểu kiến thức và thái độ có ưu điểm là người tham gia nghiên cứu có thể dễ dàng cung cấp các thông tin liên quan. Bộ câu hỏi phát vấn được dựa trên các tài liệu tổng quan và được đánh giá tính giá trị và độ tin cậy trên đối tượng nghiên cứu. Các câu hỏi được thiết kế khoa học và đầy đủ, giúp kiểm tra viên dễ dàng thu thập và kiểm tra lại thông tin. Bên cạnh những điểm mạnh nói trên, nghiên cứu của chúng tôi còn một số hạn chế. Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của ĐDV VN không những được áp dụng cho ngành điều dưỡng mà còn áp dụng cho cả ngành hộ sinh [3]. Nghiên cứu của chúng tôi mới chỉ làm trên đối tượng là sinh viên cao đẳng điều dưỡng, vì vậy với cỡ mẫu lớn nhưng đối tượng nghiên cứu trong đề tài của chúng tôi còn hẹp. 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Phần lớn sinh viên đạt kiến thức (84,5%) và có thái độ tích cực về CĐĐNN (77,0%) sinh viên. Khoảng trống này chiếm tỷ lệ thấp nhưng vẫn cần phải được quan tâm chú ý cải thiện trong quá trình giảng dạy CĐĐNN nhằm nâng cao kiến thức và thái độ tích cực cho sinh viên để đảm bảo cung cấp chăm sóc có chất lượng và nhân văn đến người bệnh và gia đình. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Nội vụ, Bộ Y tế (2015), Thông tư 26/2015/TTLT-BNV-BYT mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hộ sinh, Kỹ thuật y học. 2. Bộ Y tế (2012), Thông tư 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. 3. Hội điều dưỡng Việt Nam, (2012), chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người điều dưỡng viên, NXB GTVT, Hà Nội. 4. Nguyễn Thế Dũng (2015), “Khảo sát thực trạng và giải pháp nâng cao y đức cho sinh viên trường cao đẳng y tế Khánh Hòa”, Tạp chí Y học Việt Nam, số 4, tr. 25-30. 5. Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội (2018), Chương trình chi tiết môn học Pháp luật y tế - Đạo đức nghề nghiệp dành cho đối tượng Cao đẳng Điều dưỡng, Hà Nội. 6. Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội (2014), Khung chương trình môn học dành cho đối tượng Cao đẳng Điều dưỡng, Hà Nội 7. Vũ Thị Hải Oanh và cộng sự (2013), Đánh giá thay đổi nhận thức về đạo đức nghề nghiệp của sinh viên Đại học Điều dưỡng chính qui sau khi học “Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên” trong môn học đạo đức y học tại trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Nam Định. 8. Vũ Thị Hải Oanh và cộng sự (2018), “Thực trạng nhận thức và mức độ thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của sinh viên điều dưỡng liên thông Nam Định”, Tạp chí Khoa học Điều dưỡng, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Nam Định. 10. Adhikari S, Paudel K, Aro AR et al (2016), Knowledge, attitude and practice of healthcare ethics among resident doctors and ward nurses from a resource poor setting, Nepal. BMC Med Ethics; 17 (68). 11. Caldicott C.V, Danis M (2009). Medical ethics contributes to clinical management: teaching medical students to engage patients as moral agents. Med Educ; 43(3):283–289 12. Chandrashekar J, Seby JG (2014), Knowledge, attitudes and practices related to healthcare ethics among medical and dental postgraduate students in south India. 13. Haleh J, Alireza K, Alireza A et al (2019), Nursing and midwifery students’ attitudes towards principles of medical ethics in Kermanshah, Iran. 14. Hariharan S, Jonnalagadda R, Walrond E et al (2006), Knowledge, attitudes and practice of healthcare ethics and law among doctors and nurses in Barbados. BMC Med Ethics;7:E7. 15. Mohamed AM, Ghanem MA, Kassem A (2012), Knowledge, perceptions and practices towards medical ethics among physician residents of University of Alexandria hospitals, Egypt. East Mediterr Health J; 18(9): 935–45. 16. Motamed-Jahromi M, Dehghani S. L (2014), Student’s attitudes toward principles of medical ethics and matching them whit. Islamic Ethics in Kerman University of Medical- Sciences JBUMS;16(7): 29–35 (Persian). 17. Mokhtari Lakeh N, Nafar M, Ghanbari Khanghah A et al (2014), Nursing students’ views on code of ethics, commitment to the ethic of, academic dishonesty and neutralization behaviors. Holistic Nursing Midwifery J;15;24(3):64–71 Persian.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/3015
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2021ThSNguyễnThịThủy.doc.docx
  Restricted Access
382.36 kBMicrosoft Word XML
2021ThSNguyễnThịThủy.pdf.pdf
  Restricted Access
1.49 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.