Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2975
Title: KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ GÃY LỒI CẦU XƯƠNG HÀM DƯỚI DO CHẤN THƯƠNG BẰNG GHÉP SỤN SƯỜN TỰ THÂN
Authors: NGUYỄN PHAN, TUẤN
Advisor: Phạm Hoàng, Tuấn
Keywords: Răng Hàm Mặt
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Gãy lồi cầu xương hàm dưới là loại chấn thương gãy xương khá phức tạp ở vùng hàm mặt, chiếm tỉ lệ khá cao khoảng 30-55% trong gãy xương hàm dưới trên thế giới 1, 2, 3. Ở Việt Nam, Trần Văn Trường và cộng sự cho thấy gãy lồi cầu xương hàm dưới chiếm tỉ lệ 14% trong các chấn thương hàm mặt tại Viện Răng - Hàm - Mặt Quốc gia 4, 5. Bên cạnh đó, lồi cầu xương hàm dưới nằm trong một cấu trúc giải phẫu quan trọng của vùng hàm mặt, đó là khớp thái dương - hàm. Cấu tạo đặc biệt của lồi cầu giúp cho nó có khả năng chịu lực cao, thích ứng với những thay đổi về lực trong quá trình thực hiện chức năng nhai. Ngoài ra, lồi cầu còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của xương hàm dưới 5, 6, 7. Do vậy, gãy lồi cầu sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng của hệ thống nhai; sự di lệch của lồi cầu gãy sẽ phá vỡ sự toàn vẹn cấu trúc diện khớp, đĩa khớp, các dây chằng và cơ bám dính vào khớp 6, 8; từ đó có thể để lại các di chứng như loạn năng khớp, cứng khớp, rối loạn vận động hàm dưới, rối loạn tăng trưởng hàm dưới, sai khớp cắn…ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng ăn nhai và thẩm mỹ của bệnh nhân 8, 9. Điều trị gãy lồi cầu gồm hai phương pháp là: điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng phương pháp bảo tồn đã không thể đạt được sự nắn chỉnh đúng giải phẫu tại ổ gãy, nhất là trong các trường hợp gãy di lệch nhiều và gãy trật khớp 10, 11. Hiện nay, điều trị gãy lồi cầu bằng phương pháp phẫu thuật đang được chỉ định và thực hiện rộng rãi 12, 13, 14. Với phương pháp điều trị phẫu thuật, có nhiều kỹ thuật đã được mô tả trong y văn: phẫu thuật kết hợp xương lồi cầu bằng đường ngoài mặt, kết hợp xương lồi cầu bằng nội soi, ghép lồi cầu và ổ chảo bằng vật liệu nhân tạo và ghép sụn sườn tự thân12. Trong đó ghép sụn sườn tự thân điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới mang lại nhiều hiệu quả về chức năng, thẩm mỹ. Có nhiều đường vào phẫu thuật được sử dụng để điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng phương pháp ghép sụn sườn 7. Đường vào phẫu thuật ngoài mặt gồm các đường vào trước tai, sau hàm, dưới hàm… đã được báo cáo thành công 15, 16 nhưng có một số biến chứng xảy ra như dò nước bọt, sẹo mổ có thể nhìn thấy được, tổn thương tạm thời hay vĩnh viễn nhánh của thần kinh mặt 17, 18, tràn khí màng phổi. Nhìn chung, các nghiên cứu sử dụng phương pháp phẫu thuật bằng đường vào ngoài mặt đều kết luận đã đạt được kết quả điều trị tốt. Tại Việt Nam, số lượng và mức độ trầm trọng của chấn thương gãy lồi cầu xương hàm dưới ngày càng gia tăng. Do đó điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng phương pháp phẫu thuật ghép lồi cầu và ổ chảo bằng vật liệu nhân tạo; ghép sụn sườn tự thân đang dần trở nên phổ biến. Ghép lồi cầu và ổ chảo bằng vật liệu nhân tạo tuy có nhiều ưu điểm nhưng chi phí còn cao. Do đó thực tế số ca gãy lồi cầu được ghép sụn sườn tự thân chiếm tỉ lệ cao hơn ghép lồi cầu và ổ chảo nhân tạo tại khoa Chấn thương chỉnh hình hàm mặt – Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội. Tuy nhiên, cần có thêm cơ sở khoa học cũng như minh chứng đáng tin cậy về những ưu nhược điểm của phương pháp phẫu thuật ghép sụn sườn điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới. Với mong muốn trên, chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu “Kết quả điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới do chấn thương bằng ghép sụn sườn tự thân” với 2 mục tiêu sau: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và hình ảnh X-quang gãy lồi cầu xương hàm dưới do chấn thương được điều trị ghép sụn sườn tự thân tại bệnh viện Răng hàm mặt trung ương Hà Nội từ 8/2019 đến 9/2020. 2. Đánh giá hiệu quả điều trị phẫu thuật đối với những bệnh nhân trên.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/2975
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
20THS0748.pdf
  Restricted Access
2 MBAdobe PDFbook.png
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.