Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1593
Title: THỰC TRẠNG VỆ SINH TRƯỜNG HỌC VÀ CẬN THỊ Ở HỌC SINH MỘT TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2019
Authors: CHỬ PHƯƠNG, THÚY
Advisor: CHU VĂN, THĂNG
NGUYỄN THỊ HỒNG, DIỄM
Keywords: Y tế công cộng
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Hiện nay, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với lứa tuổi học sinh, công tác y tế học đường đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Trong những năm qua, bệnh tật học đường đang có xu hướng gia tăng, các tật khúc xạ, bệnh răng miệng, cong vẹo cột sống, các bệnh liên quan đến dinh dưỡng là những bệnh học đường phổ biến hiện nay. Nguyên nhân của các bệnh học đường này bao gồm các yếu tố như: điều kiện vệ sinh học đường, sức ép học tập, kiến thức, thái độ, thực hành của học sinh về vệ sinh học đường [1]. Tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị hiện đang là mối quan tâm đặc biệt vì những tác động của nó tới sức khỏe cộng đồng cũng như sức khỏe của học sinh. Cận thị không chỉ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh mà khi mắc tật khúc xạ nặng sẽ có nguy cơ mắc nhiều biến chứng như vẩn đục dịch kính, đục thủy tinh thể, glôcôm, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc và nhược thị có thể gây mù lòa cho học sinh [2],[3]. Ngoài ra, chi phí liên quan đến điều trị tật khúc xạ cũng là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, trong chương trình "Thị giác năm 2020" Tổ chức Y tế thế giới đã xếp tật khúc xạ là một trong năm nguyên nhân hàng đầu được ưu tiên trong chương trình phòng chống mù lòa toàn cầu [4],[5],[6]. Ở Việt Nam theo báo cáo về công tác phòng chống mù lòa năm 2014 của Đỗ Như Hơn cho thấy tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường chiếm khoảng 40 - 50% ở học sinh thành phố và 10% - 15% học sinh nông thôn [7]. Tại Hà Nội, một số công trình nghiên cứu về tật khúc xạ trước đây cho thấy tỷ lệ cận thị ở học sinh rất cao. Nghiên cứu của Hoàng Văn Tiến (2006), tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh lớp 7 của quận Hoàn Kiếm Hà Nội là 40,6% [8]. Nghiên cứu của Bùi Thị Minh Thái (2010) về thực trạng cận thị và một số yếu tố liên quan của học sinh trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội, cho kết quả tỷ lệ cận thị ở học sinh là 50,3% [9]. Các vấn đề bất lợi về sức khỏe không chỉ gây ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe về thể chất mà còn gây ảnh hưởng tới khả năng học tập và các hoạt động trong chương trình chính khóa của học sinh. Cha mẹ học sinh là người chịu trách nhiệm đầu tiên về tình trạng sức khỏe của các em, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, do hầu hết thời gian ban ngày của các em là ở nhà trường. Vì vậy, các hoạt động chăm sóc sức khỏe của nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe cho các em. Để tăng cường công tác y tế trường học, ngày 12 tháng 5 năm 2016 Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch 13/2016/TT LT - BYT - BGDĐT quy định công tác y tế trường học. Chương Mỹ là một huyện đồng bằng của thành phố Hà Nội, nằm về phía tây nam thủ đô Hà Nội với 37 trường THCS có 19.923 học sinh [10]. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá về công tác vệ sinh trường học tại huyện Chương Mỹ theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT - BYT - BGDĐT và thực trạng cận thị của học sinh khối THCS. Để đánh giá thực trạng về vệ sinh lớp học, thực trạng và một số yếu tố liên quan đến cận thị ở học sinh từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện điều kiện học tập của học sinh, chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu đề tài “Thực trạng vệ sinh trường học và cận thị ở học sinh một trường trung học cơ sở ở thành phố Hà Nội năm 2019” nhằm các mục tiêu sau: 1. Mô tả thực trạng vệ sinh lớp học tại trường THCS Phụng Châu - huyện Chương Mỹ - thành phố Hà Nội năm 2019. 2. Xác định tỷ lệ cận thị và một số yếu tố liên quan đến cận thị ở học sinh trường THCS Phụng Châu - huyện Chương Mỹ - thành phố Hà Nội năm 2019.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1593
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
20THS1014.pdf
  Restricted Access
1.42 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.