Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1577
Title: ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG HOÀNG ĐIỂM BẰNG CHỤP OCT SAU PHẪU THUẬT ĐAI CỦNG MẠC ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN BONG VÕNG MẠC
Authors: NGUYỄN THỊ HÀ, MI
Advisor: Phạm Thu, Minh
Mai Quốc, Tùng
Keywords: Nhãn khoa
Issue Date: 2019
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Bong võng mạc là bệnh lý nặng của nhãn khoa trong đó lớp tế bào quang thụ của võng mạc bị tách ra khỏi lớp biểu mô sắc tố do sự tích lũy dịch ở khoang dưới võng mạc [1]. Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo Haimann, tỷ lệ bong võng mạc hàng năm tại Thụy Sỹ là 3,8 trên 100.000 dân từ năm 1949 đến năm 1956 [2]. Còn theo Mitry nghiên cứu từ năm 1970 đến năm 2009, tỷ lệ này khoảng 6,3 đến 17,9 trên 100000 dân biến đổi tùy theo vùng địa lý [3]. Ở Việt Nam, theo các số liệu được báo cáo gần đây, tỷ lệ mắc bệnh mỗi năm khoảng 0,01% dân số [4]. Điều trị bong võng mạc có nhiều phương pháp và rất phức tạp. Năm 1930, Gonin đã chỉ ra ba nguyên tắc để phẫu thuật thành công dựa trên việc bịt tất cả mọi vết rách và làm võng mạc áp trở lại bằng điện đông [5]. Sau đó, Schepens và Arruga đã phát triển và hoàn thiện phương pháp đai củng mạc điều trị bong võng mạc có vết rách vào năm 1957 [6],[7]. Phẫu thuật đai củng mạc có tỷ lệ thành công về giải phẫu võng mạc áp trở lại cao chiếm tới 85,7% [8]. Tuy nhiên, thị lực của bệnh nhân có thể phục hồi không hoàn toàn mặc dù phẫu thuật thành công về giải phẫu [9]. Điều này có thể xảy ra với cả bệnh nhân bong võng mạc qua và không qua hoàng điểm [10]. Nguyên nhân là còn nhiều thay đổi vi cấu trúc mà soi đáy mắt thông thường khó phát hiện được. Để theo dõi các tổn thương võng mạc sau phẫu thuật đai củng mạc, chụp OCT võng mạc là phương pháp hiệu quả không chỉ phát hiện các bất thường về hình thái võng mạc mà còn đánh giá tốt các tổn thương tế bào quang thụ. Tính ưu việt của kỹ thuật này là độ nhạy, độ phân giải cao, có khả năng ghi nhận những tổn thương kích thước rất nhỏ mà không cần sinh thiết, không tiếp xúc, không gây tổn thương và dễ thực hiện. Những nghiên cứu của Joe và Rashid (2013) đã phát hiện những thay đổi vi cấu trúc vùng hoàng điểm trên OCT, đặc biệt là sự mất liên tục đường ranh giới giữa phần trong và phần ngoài tế bào quang thụ, màng ngăn ngoài có liên quan với sự phục hồi thị lực kém [11],[12]. Bên cạnh đó, những bất thường về hình thái võng mạc như dịch dưới võng mạc, màng trước võng mạc, nang hoàng điểm làm chậm sự phục hồi thị lực sau phẫu thuật bong võng mạc [13],[14]. Nghiên cứu của tác giả Seo về phẫu thuật đai củng mạc cũng cho thấy mối liên quan giữa sự suy giảm thị lực và dịch dưới võng mạc [15]. Ở Việt Nam đã có những nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp đai củng mạc nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá tổn thương hoàng điểm sau phẫu thuật đai củng mạc bằng chụp OCT võng mạc trên bệnh nhân có bong võng mạc qua và không qua hoàng điểm cũng như sự ảnh hưởng của các tổn thương võng mạc sau phẫu thuật đến thị lực. Vì vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Đánh giá tình trạng hoàng điểm bằng chụp OCT sau phẫu thuật đai củng mạc điều trị bệnh nhân bong võng mạc” với hai mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và hình ảnh OCT vùng hoàng điểm trước và sau phẫu thuật đai củng mạc. 2. Đánh giá mối liên quan giữa thị lực với hình ảnh OCT sau phẫu thuật đai củng mạc.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1577
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
19THS1062.pdf
  Restricted Access
2.3 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.