Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1559
Title: KẾT QUẢ SỚM GHÉP HAI PHỔI TỪ NGƯỜI CHO CHẾT NÃO TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Authors: NGUYỄN VIỆT, ANH
Advisor: Nguyễn Hữu, Ước
Keywords: Ngoại - Lồng ngực
Issue Date: 2021
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Ghép phổi là phương pháp điều trị tối ưu cho rất nhiều nhóm các bệnh phổi giai đoạn cuối, khi không còn giải pháp điều trị nội - ngoại khoa nào khác, và nguy cơ tử vong rất cao trong vòng 1 - 2 năm. Trên thế giới, ghép phổi lần đầu tiên được thực hiện thành công vào năm 1963 bởi bác sĩ James D. Hardy và cộng sự tại Mỹ 1-3. Năm 1983 nhóm ghép phổi Toronto (Joel Cooper, Alex Patterson và cộng sự) đã hoàn thiện kỹ thuật ghép một phổi, và 3 năm sau đó là ghép hai phổi. Từ đó, ghép phổi nhanh chóng được thế giới chấp nhận và trở thành phương pháp được lựa chọn để điều trị bệnh lý phổi giai đoạn cuối. Qua những giai đoạn phát triển đầu tiên, với kinh nghiệm thực tiễn, nhất là về điều trị ức chế miễn dịch, số ca ghép phổi đã tăng lên rất nhanh chóng trong hơn 10 năm gần đây, thậm chí tiếp cận gần đến với số lượng ghép tim hàng năm, nhờ cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sau ghép. Theo số liệu của hiệp hội ghép tim phổi quốc tế (The international society for heart and lung transplantation - ISHLT), tính đến tháng 6/2018 đã có 69200 ca ghép phổi ở người lớn và năm 2017 có 4452 ca ghép phổi được thực hiện trên toàn thế giới4. Bệnh lý phổi có chỉ định ghép rất đa dạng với trên 80 bệnh khác nhau, được tập trung thành 4 nhóm: nhóm A - bệnh phổi tắc nghẽn; nhóm B - bệnh mạch máu phổi; nhóm C - xơ nang hoặc rối loạn suy giảm miễn dịch; nhóm D - bệnh phổi hạn chế. Trong số các kỹ thuật ghép phổi thì ghép hai phổi chiếm đa số, nhờ kết quả sớm cũng như khả năng sống lâu dài đều cao hơn kỹ thuật ghép một phổi, còn các dạng ghép phổi khác (ghép thùy phổi, ghép khối tim - phổi) đều chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguồn phổi hiến đa số đều lấy từ người cho đa tạng chết não; người cho sống rất ít và chủ yếu dành cho ghép phổi ở trẻ em. So với ghép các tạng khác (thận, gan, tim), thì toàn bộ qui trình ghép phổi phức tạp hơn rất nhiều, từ chuẩn bị trước mổ đến phẫu thuật và đặc biệt là săn sóc hậu phẫu. Do vậy, kết quả sau ghép phổi - dù đã có rất nhiều tiến bộ, vẫn hạn chế hơn ghép các tạng khác, với nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại là nhiễm trùng và thải ghép trong năm đầu, kết hợp thêm các biến chứng hẹp đường hô hấp cho những năm tiếp theo sau ghép. Do vậy, phát triển kỹ thuật ghép phổi luôn luôn là một thách thức đối với các trung tâm y học. Tại Việt Nam, ghép phổi là một chủ đề ghép tạng rất được quan tâm trong những năm gần đây, sau một số nghiên cứu thực nghiệm, đã có một vài nghiên cứu về ghép phổi trên người đã được báo cáo, như “ghép khối tim-phổi” từ người cho chết não ở bệnh viện Trung ương Huế (2015), “ghép hai phổi từ 2 người cho sống” tại bệnh viện 103 và Học viện Quân y (2017), “ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não” tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2018). Tuy nhiên, kết quả ban đầu vẫn còn một số hạn chế và ghép phổi vẫn luôn là một lĩnh vực còn nhiều thách thức. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào báo cáo về số lượng nhiều hơn 1 ca ghép phổi tại một trung tâm được công bố tại Viêt Nam. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trung tâm hàng đầu về ghép tạng - cơ quan từ người cho đa tạng chết não ở Việt Nam, như ghép tim, gan, thận, mô và tổ chức đồng loài. Riêng về ghép phổi, bệnh viện cũng đã thực hiện được nhiều ca ghép hai phổi từ người cho chết não nhất cả nước, kể từ tháng 12 năm 2018. Để góp phần phát triển kỹ thuật ghép phổi ở Việt Nam trong tương lai, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Kết quả sớm ghép hai phổi từ người cho chết não tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”, với 2 mục tiêu sau: 1. Nhận xét đặc điểm bệnh lý người nhận phổi. 2. Đánh giá kết quả sớm ghép hai phổi từ người cho chết não tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giai đoạn 2018 - 2021.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1559
Appears in Collections:Luận văn chuyên khoa 2

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21CKII0366.pdf
  Restricted Access
2.16 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.