Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1485
Title: Đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở người trẻ tuổi tại bệnh viện K
Authors: HOÀNG NGỌC, GIÁP
Advisor: PGS.TS. Lê Chính, Đại
Keywords: Ung thư;8720108
Issue Date: 2020
Publisher: ĐHY
Abstract: Ung thư tuyến giáp (UTTG) là ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết, chiếm tới 90% và đang có xu hướng ngày một gia tăng.1,2 Theo GLOBOCAN 2018, ung thư tuyến giáp chiếm 3,1% trong tất cả các loại ung thư nói chung, bệnh thường gặp đứng hàng thứ 5 ở nữ giới với 436.344 ca mới mắc hàng năm và đứng hàng thứ 9 chung cho cả hai giới với 567.233 ca mới mắc hàng năm.3 Theo Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI) và Hiệp hội ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCCN), người trẻ tuổi là những những người dưới 40 tuổi.3,4 Ở nhóm đối tượng này, trong vòng 25 năm từ năm 1990 đến 2015, tỉ lệ ung thư tuyến giáp trên tổng số ung thư đã tăng từ 10% lên 23% ở nữ và từ 5% lên 8% ở nam, đưa UTTG trở thành một trong những loại ung thư hay gặp nhất.5 Ung thư biểu mô tuyến giáp được chia thành hai nhóm mô bệnh học khác nhau về lâm sàng, phương pháp điều trị, tiên lượng là UTTG thể biệt hóa và UTTG thể không biệt hóa. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy UTTG ở người trẻ có mô bệnh học chủ yếu là thể biệt hóa, bao gồm thể nhú và thể nang, chiếm hơn 90% số trường hợp6. Người trẻ tuổi mắc UTTG thể biệt hóa thường xuất hiện với khối vùng cổ không triệu chứng hoặc khi phát hiện di căn hạch vùng cổ. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, người trẻ tuổi mắc UTTG thể biệt hóa thường có kích thước khối u lớn hơn, u thường xâm lấn phá vỡ vỏ và xuất hiện di căn hạch nhiều hơn so với người lớn tuổi.7,8 Các triệu chứng lâm sàng như khàn tiếng, khó nuốt, khó thở, thường ít gặp.9 UTTG thể biệt hóa ở người trẻ tuổi có tiên lượng rất tốt, với tỉ lệ sống sau 5 năm đạt đến hơn 99%10, do vậy, điều trị ung thư tuyến giáp bên cạnh mục tiêu triệt căn cũng phải đặc biệt lưu ý đến các biến chứng dài hạn nhằm đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh. Hiện nay, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp, các phương pháp khác như điều trị I131, hormone, xạ ngoài chủ yếu được dùng với mục đích bổ trợ sau phẫu thuật để nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, mức độ rộng của phẫu thuật vẫn còn nhiều tranh luận. Mức độ rộng của phẫu thuật liên quan đến các tai biến và theo dõi sau điều trị. Ở nhóm người trẻ tuổi, các biến chứng phẫu thuật là thường gặp hơn và để lại hậu quả nặng nề hơn so với người lớn tuổi, tuy nhiên các biến chứng này là có thể phòng tránh được.9 Như vậy, các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đặc biệt là tiên lượng trong ung thư tuyến giáp có sự khác biệt đáng kể theo độ tuổi. Ở người trẻ tuổi, đây là loại ung thư hay gặp và đang có xu hướng ngày càng tăng.10 Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu về UTTG trên độ tuổi này còn hạn chế. Nhìn chung trong các nghiên cứu lâm sàng, nhóm người trẻ tuổi được ví như “ vùng đất không người” nằm giữa các chuyên ngành nhi khoa, ung bướu và nội tiết.7 Tại Việt Nam, tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về UTTG nhưng hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu riêng biệt nào về các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá kết quả phẫu thuật UTTG ở người trẻ tuổi. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở người trẻ tuổi tại bệnh viện K” với mục tiêu: 1. Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của UTTG thể biệt hóa ở bệnh nhân trẻ tuổi tại khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K. 2. Đánh giá kết quả sớm điều trị phẫu thuật ở nhóm bệnh nhân trên.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1485
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2020THS0323.pdf
  Restricted Access
3.02 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.