Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1343
Title: KẾT QUẢ PHẪU THUẬT SỬA VAN HAI LÁ DO HỞ VAN CÓ SỬ DỤNG DÂY CHẰNG NHÂN TẠO TẠI BỆNH VIỆN TIM HÀ NỘI
Authors: LÊ QUANG, THIỆN
Advisor: ĐOÀN QUỐC, HƯNG
Keywords: Ngoại - Tim mạch
Issue Date: 2021
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Bệnh lí van hai lá (VHL) là bệnh lí van tim hay gặp nhất, bao gồm ba thể chính: hẹp van đơn thuần, hẹp-hở van, hở van đơn thuần. Trong đó, hở VHL chiếm khoảng 2% dân số.1,2 Phẫu thuật tim hở thay hoặc sửa van là phương pháp điều trị triệt để khi tổn thương van không còn khả năng điều trị bảo tồn. Phẫu thuật sửa van là ưu tiên hàng đầu ở bệnh nhân (BN) hở van hai lá có chỉ định mổ. Sửa van thành công làm giảm dần kích thước buồng thất trái, cải thiện tỷ lệ sống về lâu dài, duy trì chức năng tim và tránh được các biến chứng của van nhân tạo.2,3 Alain Carpentier và cộng sự đã đưa ra quy luật vàng trong sửa VHL, đó là: bảo tồn cử động của lá van, phục hồi diện tích tiếp xúc hai lá van và sửa chữa lại vòng van. Cùng với phân loại hở van, những quy luật trên là nguyên lý cơ bản của các kỹ thuật sửa VHL đang được áp dụng.3 Dây chằng van là liên kết chính giữa những thay đổi ở tâm thất trái với hoạt động của VHL, lần lượt ảnh hưởng tiền tải và hậu tải của tim. Vì vậy, bảo tồn sự tương tác này có thể tăng cường hiệu quả lâm sàng của quá trình sửa chữa VHL. Các trường hợp dài hoặc đứt dây chằng thường là tổn thương phổ biến ở những bệnh nhân thoái hóa van, bệnh Barlow và một số bệnh lí khác.2,3 Các kỹ thuật chuyển vị và rút ngắn dây chằng mà Carpentier đề xuất thực tế phức tạp và khó thực hiện. Hiệu quả lâu dài của các kỹ thuật này không cao, do các dây chằng sửa chữa vẫn có thể diễn tiến dài ra hoặc đứt theo thời gian, gây hở van tái phát.4,5 Dây chằng nhân tạo (DCNT) được sử dụng trong sửa van hai lá từ năm 1960. Một loạt các vật liệu đã được sử dụng ban đầu như: chỉ lụa, chỉ nylon, màng tim tự thân. Khi chỉ polytetrafluoroethylene (hay gọi là chỉ Gore-Tex) đưa vào sử dụng từ năm 1985, nó đã trở thành vật liệu tiêu chuẩn do có nhiều tính ưu việt và bền hơn so với loại khác.4 Cùng với sự ra đời của chỉ Gore-Tex, nhiều kỹ thuật DCNT được áp dụng. Năm 2012, Ibrahim và cộng sự có nghiên cứu gộp đánh giá tổng hợp 40 kỹ thuật sửa van sử dụng DCNT, đã kết luận: kỹ thuật DCNT có nhiều ưu điểm như tái sắp xếp lại mô VHL thay vì cắt bỏ, giữ được liên kết giữa các cấu trúc của hệ thống van hai lá, bảo tồn được diện áp.5 Sự ứng dụng các kỹ thuật DCNT trong sửa VHL đã làm phong phú các phương pháp sửa van và giúp một số lượng lớn bệnh lý VHL có thể sửa chữa hơn là thay thế. David và cộng sự nhận định rằng DCNT có thể giúp sửa chữa 95% các tổn thương sa van do thoái hóa.6 Ở Việt Nam, phẫu thuật sửa VHL được thực hiện từ thập niên 1990 tại bệnh viện Việt Đức và Viện Tim Hồ Chí Minh.7,8 Hiên nay, phẫu thuật này đã trở thành thường quy tại các trung tâm tim mạch trong nước và có nhiều báo cáo đánh giá tổng quát các kỹ thuật sửa VHL. Tuy vậy, các nghiên cứu đánh giá riêng về hiệu quả của kỹ thuật DCNT chưa nhiều, số lượng bệnh nhân nhỏ.9,10,11,12,13,14 Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi tiến hành sửa van cho hầu hết bệnh nhân hở van hai lá có chỉ định phẫu thuật. Trong 5 năm gần đây, chúng tôi đã áp dụng phương pháp dây chằng nhân tạo để sửa van hai lá ngày càng nhiều. Những vấn đề về chọn lựa kỹ thuât, tỷ lệ thành công, và kết quả phẫu thuật cần phải nghiên cứu. Chính vì điều này, chúng tôi tiến hành đề tài "Kết quả phẫu thuật sửa van hai lá do hở van có sử dụng dây chằng nhân tạo tại bệnh viện tim Hà Nội" nhằm hai mục tiêu: 1. Nhận xét đặc điểm bệnh lí và tổn thương của bệnh nhân được phẫu thuật sửa van hai lá do hở van có sử dụng dây chằng nhân tạo. 2. Đánh giá kết quả sớm và trung hạn của phẫu thuật sửa van hai lá do hở van có sử dụng dây chằng nhân tạo tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1343
Appears in Collections:Luận văn chuyên khoa 2

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
21CKII0230.pdf
  Restricted Access
2.48 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.