Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1271
Title: KẾT QUẢ SỚM CỐ ĐỊNH XƯƠNG SƯỜN GÃY BẰNG NẸP VÍT TRONG CHẤN THƯƠNG NGỰC KÍN
Authors: NGUYỄN VĂN, TRƯỜNG
Advisor: PGS.TS. NGUYỄN HỮU, ƯỚC
Keywords: Ngoại – Lồng Ngực;62720705
Issue Date: 2020
Publisher: ĐHY
Abstract: Chấn thương ngực kín (CTNK) là những chấn thương gây tổn thương vào thành ngực và các tạng trong lồng ngực, nhưng khoang màng phổi không thông với bên ngoài1. Chấn thương ngực (CTN) chiếm khoảng 25% các loại chấn thương, trong đó 90% là chấn thương ngực kín2. Tại Mỹ, tỉ lệ tử vong do CTN chiếm khoảng 25% tổng số tử vong do chấn thương. Ở Việt Nam, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, số bệnh nhân chấn thương ngực do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và mức độ nặng (mảng sườn di động, CTN hai bên, gãy nhiều xương sườn, đa chấn thương…)3,4,5. Vào nửa cuối thế kỷ XIX đã có một tiến bộ quan trọng trong điều trị CTN - đó là dẫn lưu màng phổi, như Hewit ở Anh (1876), Subbotin ở Nga, Gotthra ở Đức (1891) 6. Tới nửa sau thế kỷ XX, với sự tiến bộ về gây mê hồi sức, về giải phẫu – sinh lý hô hấp, ngành phẫu thuật lồng ngực đã có những bước tiến rất lớn cả trong chẩn đoán và điều trị CTN, giải quyết những thương tổn của khoang màng phổi (TM-TK, máu cục, ổ cặn…), các tạng trong lồng ngực (vỡ khí phế quản, chấn thương tim và mạch lớn…). Những tổn thương thành ngực chủ yếu được điều trị bảo tồn với thuốc giảm đau (đường uống, tiêm, phong bế thần kinh liên sườn, hoặc tê ngoài màng cứng), hạn chế vận động. Với tổn thương MSDĐ thì được cố định theo các phương pháp kinh điển là cố định trong ( thở máy) và cố định ngoài (khâu treo, xuyên kim Kirschner…). Phương pháp cố định trong bằng thở máy có hiệu quả nhưng gây tăng nguy cơ viêm phổi, xẹp phổi, kéo dài thời gian nằm trong đơn vị điều trị tích cực (ICU) và thời gian nằm viện. Mục đích của các phương pháp cố định ngoài kinh điển không phải để cố định ổ gãy hay phục hồi biến dạng lồng ngực do gãy di lệch nhiều xương sườn, mà tránh những rối loạn sinh lý hô hấp tuần hoàn ( hô hấp đảo ngược, trung thất lắc lư) do sự đi động nghịch thường của MSDĐ gây nên. Những ổ gãy không được cố định hầu như đều gây ra đau ngực mạn tính,gãy di lệch nhiều xương sườn làm lồng ngực biến dạng gây giảm dung tích phổi, xấu về mặt thẩm mỹ, những điều này làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những năm gần đây, phẫu thuật mở nắn và cố định trong (ORIF: open reduction and internal fixation) đã phát triển thành một chiến lược tốt để điều trị gãy xương sườn trong CTNK, khi có chỉ định. ORIF giúp giảm đau thành ngực nhanh chóng, sửa chữa biến dạng thành ngực, ổn định chức năng hô hấp, rút ngắn thời gian nằm ICU và thời gian nằm viện, nhanh chóng trả lại chức năng cơ thể và nhanh chóng trở lại làm việc 7. Ở Việt Nam, điều trị CTN đã triển khai ở hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện tuyến Trung ương, đã có nhiều bài giảng, báo cáo, nhiều công trình nghiên cứu về chẩn đoán, điều trị bệnh nhân CTN, như: Đặng Hanh Đệ 1; Nguyễn Hữu Ước 8,9; Đoàn Quốc Hưng 10; Nguyễn Công Minh 6; Nguyễn Thế Hiệp và cộng sự5; Lê Ngọc Thành 11; Nguyễn Quốc Kính 12; và nhiều luận văn, luận án về chấn thương ngực. Tuy nhiên điều trị gãy xương sườn chưa được chú ý, đến nay vẫn chưa thấy báo cáo nào về chỉ định và đánh giá kết quả kỹ thuật KHXS bằng nẹp vít trong CTN. Tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực bệnh viện Việt Đức đã triển khai kỹ thuật này trong gần một năm qua nhưng chưa tổng kết và đánh giá. Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài: “Kết quả sớm cố định xương sườn gãy bằng nẹp vít trong chấn thương ngực kín” với hai mục tiêu sau: 1. Nhận xét chỉ định và kỹ thuật cố định xương sườn gãy bằng nẹp vít trong chấn thương ngực kín tại bệnh viện Việt Đức. 2. Đánh giá kết quả sớm điều trị cố định xương sườn gãy bằng nẹp vít trong chấn thương ngực kín.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1271
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2020THS0200.pdf
  Restricted Access
3.14 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.