Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1244
Title: KHẢO SÁT NỒNG ĐỘ CALPROTECTIN TRONG PHÂN Ở BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT ĐẠI TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU
Authors: NGUYỄN THỊ HƯƠNG, GIANG
Advisor: NGUYỄN THỊ VÂN, HỒNG
Keywords: Nội - Tiêu hóa
Issue Date: 2020
Publisher: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Abstract: Viêm loét đại trực tràng chảy máu (VLĐTTCM) là bệnh mạn tính kéo dài, phát sinh từ sự tương tác giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Bệnh được biết đến từ lâu nhưng cơ chế bệnh sinh của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ ràng, do đó chưa có phương thức điều trị triệt căn, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân thường sống với gánh nặng triệu chứng đáng kể và nguy cơ khuyết tật cao mặc dù được điều trị 1. VLĐTTCM thường gặp ở châu Âu và Bắc Mỹ nhưng thời gian gần đây đang có xu hướng tăng ở châu Á. Tại Trung Quốc, giai đoạn năm 1991 - 2000, số người mắc bệnh tăng gấp 3 lần so với giai đoạn năm 1981 - 1990 1. Tại Việt Nam, VLĐTTCM là bệnh hiếm gặp trong thập kỷ 70-80, nhưng gần đây bệnh đang có xu hướng tăng lên. Trong nghiên cứu của Vũ Văn Khiên và cộng sự năm 2006, VLĐTTCM chiếm 1,7% trong tổng số người có bệnh đại tràng 2. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy phân máu kèm theo sốt và sút cân. Biến chứng thường gặp trong VLĐTTCM là xuất huyết tiêu hóa thấp, phình đại tràng nhiễm độc, ung thư hóa, hẹp đại tràng,... Bệnh diễn biến dai dẳng, xen kẽ đợt thuyên giảm là các đợt tái phát với mức độ hoạt động khác nhau. Việc đánh giá mức độ hoạt động của bệnh là phần thiết yếu trong quản lý và điều trị bệnh, dựa trên biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm và nội soi đại tràng, trong đó nội soi vẫn là tiêu chuẩn vàng để đánh giá tình trạng viêm niêm mạc cũng như theo dõi kết quả điều trị thông qua quá trình chữa lành niêm mạc 3, 4. Tuy nhiên, thủ thuật nội soi thường gây khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân, thời gian chờ đợi lâu, chi phí cao và có thể gây tai biến như thủng ruột, chảy máu, không lý tưởng để lặp lại thường xuyên trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh nhân. Do những nhược điểm của thủ thuật nội soi, nhu cầu được đặt ra là cần có một dấu ấn sinh học không xâm lấn, có độ nhạy cao, thời gian xét nghiệm nhanh chóng, đáng tin cậy, chi phí hợp lý để đánh giá mức độ viêm của bệnh và có thể thay thế cho nội soi. Trong số các chỉ số xét nghiệm đã được đề xuất trong vài năm qua, calprotectin trong phân đã đạt được một vai trò quan trọng. Các hướng dẫn lâm sàng hiện nay khuyến nghị calprotectin trong phân như một phần của công cuộc chẩn đoán Crohn và VLĐTTCM5,6,7,8,9,10. Một số nghiên cứu đã chỉ ra giá trị của calprotectin trong phân trong việc phân biệt bệnh lý cơ năng và thực thể của ống tiêu hóa, gợi ý vai trò tiềm năng của nó trong chẩn đoán VLĐTTCM5, 6,11. Calprotectin trong phân có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, mức độ tương quan cao với điểm số nội soi trong đánh giá hoạt động viêm của bệnh lý VLĐTTCM12, 13. Từ thực tế lâm sàng cho thấy xét nghiệm nồng độ calprotectin trong phân chi phí rẻ hơn, thời gian xét nghiệm nhanh hơn và hơn thế nữa, đó là xét nghiệm không xâm lấn, thân thiện với bệnh nhân hơn so với các thủ thuật nội soi12. Tại Việt Nam, xét nghiệm calprotectin trong phân mới chỉ bắt đầu triển khai trong một vài năm gần đây và cho đến hiện nay, chưa có nghiên cứu trong nước nào về vấn đề này. Vì vậy, với mong muốn có thể ứng dụng một chỉ số xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng đánh giá mức độ hoạt động của VLĐTTCM thay vì bắt buộc phải nội soi đại tràng, từ đó có thể tiên lượng và thay đổi phác đồ điều trị thích hợp, chúng tôi tiến hành đề tài: “Khảo sát nồng độ calprotectin trong phân ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu” nhằm hai mục tiêu sau: 1. Nhận xét về nồng độ calprotectin trong phân ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu. 2. Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ calprotectin trong phân với một số yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1244
Appears in Collections:Luận văn chuyên khoa 2

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
20CKII0207.pdf
  Restricted Access
1.83 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.