Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1225
Title: KHẢO SÁT NỒNG ĐỘ TESTOSTERONE MÁU Ở NAM GIỚI TỪ 50 - 60 TUỔI VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN
Authors: NGUYỄN NGỌC, SƠN
Advisor: PGS.TS. Đỗ Trung, Quân
Keywords: Nội khoa;8720107
Issue Date: 2020
Publisher: ĐHY
Abstract: Testosterone là hormone sinh dục nam có bản chất là steroid được bài tiết chủ yếu bởi tế bào Leydig của tinh hoàn (trên 95%). Đây là hormone có vai trò quan trọng nhất trong chức năng sinh sản của nam giới. Có rất nhiều các tác dụng sinh học của testosterone đã được chứng minh. Testosterone rất cần thiết cho sự phát triển và biệt hóa cơ quan sinh dục trong và cơ quan sinh dục ngoài của nam giới trong suốt quá trình phát triển của bào thai. Trong giai đoạn dậy thì, sự tăng trưởng của bìu, mào tinh ống dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt và dương vật cũng phụ thuộc vào vai trò rất lớn của testosterone. Testosterone kích thích sự tăng trưởng của hệ cơ xương, phì đại niêm mạc và phát triển thanh quản làm cho giọng nói của nam giới trở nên trầm hơn và xuất hiện hiện tượng “vỡ giọng” ở tuổi dậy thì. Lông sinh dục, phát triển râu, ria mép và lông ở ngực bụng, lưng cũng như hoạt động của các tuyến bã nhờn. Các tác động khác bao gồm kích thích tạo hồng cầu và các thay đổi hành vi xã hội khác nhau giữa nam giới và nữ giới 1. Ngày nay, tuổi thọ dân số nói chung ngày càng tăng, tại Nhật Bản là 84,1 tuổi (theo WHO), tại Việt Nam là 73,6 tuổi trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,0 tuổi (theo báo cáo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê Việt Nam). Do đó, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nam giới lớn tuổi ngày càng được quan tâm hơn. Chính vì vậy, testosterone vẫn đóng vai trò quan trọng ở sau tuổi 50 kể cả về chức năng tình dục lẫn chức năng thể chất. Tuy nhiên do sự phát triển của kinh tế xã hội làm thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống, luyện tập, rượu bia, thuốc lá, các loại thuốc, mô hình bệnh tật.... đã làm ảnh hưởng đến nhóm đối tượng trên 50 tuổi, gây tác động đến nồng độ testosterone ở đối tượng này. Trước đây, testosterone chủ yếu được quan tâm trong các bệnh lý về suy sinh dục với các triệu chứng như: giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương,… 2. Tuy nhiên gần đây nhiều nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của testosterone đến các cơ quan khác trên cơ thể, tác động đến sức khỏe của nam giới, đặc biệt là nam giới trên 50 tuổi. Testosterone giảm làm giảm khối cơ, tăng khối lượng mỡ, đặc biệt là mỡ tạng. Khi sự tích lũy mỡ tạng tăng sẽ làm tăng tổng hợp acid béo dẫn tới tình trạng đề kháng Insulin, rối loạn lipid máu đây là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chuyển hóa ở nam giới. Ngược lại, trên những bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa thường có tình trạng béo phì. Tình trạng này làm tăng sản xuất các cytokine viêm và tăng chuyển testosterone thành estradiol ở mô mỡ, khi nồng độ estradiol cao sẽ gây ức chế tuyến yên sản xuất LH, FSH do đó làm giảm sản xuất testosterone. Hiện nay trên thế giới có nhiều nghiên cứu về nồng độ testosterone và tình trạng suy giảm testosterone ở nam giới theo tuổi. Theo một nghiên cứu dọc ở 1709 bệnh nhân nam giới ở bang Massachuset (Hoa Kỳ) tuổi từ 40 – 70 trong 7 – 10 năm, các tác giả nhận thấy mỗi năm testosterone toàn phần giảm 1,6%, testosterone tự do giảm 2,8%, SHBG tăng 1,3% 3. Trong một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện ở 230 người đàn ông Tây Ban Nha trên 50 tuổi, người ta nhận thấy bắt đầu từ độ tuổi 50, nồng độ testosterone máu sụt giảm đáng kể. Mức độ giảm testosterone máu tăng lên ở những người bị đái tháo đường hoặc béo phì 4. Trong một nghiên cứu thuần tập ở Phần Lan năm 2004 trên những bệnh nhân nam trung niên có nồng độ testosterone máu thấp theo dõi trong 11 năm cho thấy những bệnh nhân này có nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa và ĐTĐ gấp 2,3 lần so với nhóm chứng 5. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu về nồng độ testosterone máu ở nam giới. Trong nghiên cứu của Trần Đức Thành trên 294 BN nam bị đái tháo đường type 2 thấy rằng nồng độ testosterone máu ở BN bị ĐTĐ typ 2 thấp hơn nhóm chứng và sự suy giảm nồng độ testosterone máu làm tăng đáng kể nồng độ cholesterol và LDL-C, có mối tương quan nghịch giữa nồng độ testosterone máu với nồng độ cholesterone và LDL-C 6. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về nồng độ testosterone máu ở nam giới từ 50 – 60 tuổi. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khảo sát nồng độ testosterone máu ở nam giới từ 50 – 60 tuổi và một số yếu tố liên quan.” với 2 mục tiêu: 1. Khảo sát nồng độ testosterone máu ở nam giới từ 50 - 60 tuổi. 2. Nhận xét một số yếu tố liên quan với nồng độ testosterone máu ở nhóm đối tượng nghiên cứu có nồng độ testosterone thấp.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1225
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2020THS0166.pdf
  Restricted Access
1.69 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.