Please use this identifier to cite or link to this item: http://dulieuso.hmu.edu.vn/handle/hmu/1160
Title: ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ NANG NHẦY MÔI VÀ NANG NHÁI SÀN MIỆNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP MỞ THÔNG VI THỂ
Authors: PHẠM THỊ CẨM, THƠ
Advisor: TS. Đặng Triệu, Hùng
TS. Lê Thị Thu, Hải
Keywords: Răng Hàm Mặt;8720501
Issue Date: 2020
Publisher: ĐHY
Abstract: Nang nhầy môi và nang nhái sàn miệng là bệnh lý hay gặp trong Răng Hàm Mặt, do tổn thương ống tuyến nước bọt, dẫn đến sự thoát chất nhầy hoặc tích tụ tại chỗ do tăng tiết nước bọt trong mô mềm. Chúng xuất hiện ở tuyến nước bọt dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ nằm rải rác trong khoang miệng, vị trí hay gặp là sàn miệng và môi dưới.1 Các tổn thương được phân loại mô bệnh học là nang nhầy thoát mạch và nang nhầy tích tụ, tùy thuộc vào sự hiện diện của lớp biểu mô dưới phân tích kính hiển vi. Nang do thoát mạch chất nhầy hầu hết được xem có nguồn gốc từ chấn thương, chẳng hạn cắn môi, trong khi nang do tích tụ chất nhầy là kết quả từ sự tắc nghẽn ống tuyến nước bọt.2 Nang nhầy thoát mạch chiếm hơn 80% tất cả nang nhầy và hay gặp ở bệnh nhân dưới 30 tuổi. Ngược lại, nang nhầy tích tụ tần suất gặp ít hơn và thường thấy ở bệnh nhân lớn tuổi.3 Nang nhầy tuyến nước bọt phụ (mucocele) thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn, với tỷ lệ giới tính như nhau, và có tiền sử lâm sàng thỉnh thoảng sưng nhưng không đau, có thể xuất hiện trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi bệnh nhân đến điều trị.1,4 Nó hiếm khi lớn hơn 1,5 cm và luôn luôn ở nông. Trong khi nang nhái sàn miệng thì lớn hơn, gây ra các vấn đề như khó chịu, ảnh hưởng đến phát âm, nhai và nuốt.2 Nang nhái sàn miệng (ranula) là những nang nhầy hiếm gặp xảy ra ở sàn miệng thông qua sự mở ra của cơ hàm móng tại vị trí 2/3 trước đã được quan sát thấy 45% trên xác chết ở một nghiên cứu và thường liên quan với các tuyến nước bọt chính.5 Cụ thể, nang nhái bắt nguồn từ thân tuyến nước bọt dưới lưỡi, trong các ống dẫn Rivinus của tuyến dưới lưỡi, và không thường xuyên từ các tuyến nước bọt ở tại vị trí này.6 Có nhiều phương pháp điều trị nang nhầy môi và nang nhái sàn miệng, bao gồm: mở thông khâu lộn túi, cắt bỏ nang, liệu pháp áp lạnh (cryotherapy), liệu pháp xơ cứng (sclerotherapy), cắt bỏ hydro (hydro-dissection) và cắt bỏ bằng laser (LASER ablation). Tỷ lệ tái phát tùy thuộc vào thủ thuật được thực hiện.7,8 Tuy nhiên, phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là cắt bỏ toàn bộ nang thường gặp khó khăn do nang rất dễ vỡ, dễ tổn thương các cấu trúc lân cận như thần kinh lưỡi, ống Wharton, đòi hỏi kỹ thuật cao, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Phương pháp mở thông nang và khâu lộn túi lại thường không đạt kết quả cao do nang dễ tái phát.9,10 Với phương pháp mở thông vi thể cải tiến đã được một số báo cáo nước ngoài chứng minh là rất hiệu quả, thực hiện đơn giản, ít xâm lấn, do đó ít bị những biến chứng liên quan đến thủ thuật xâm lấn, bệnh nhân chịu được tốt, hơn nữa thời gian thực hiện thủ thuật ngắn và ít tổn thương mô hay gây viêm.4,11 Ở Việt Nam các tài liệu nghiên cứu về vấn đề nang nhầy tuyến nước bọt mà chúng tôi thu thập được còn rất ít ỏi và tản mạn, đặc biệt chưa thấy có thử nghiệm điều trị nào bằng phương pháp mở thông vi thể, do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với hai mục tiêu sau: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng nang nhầy môi và nang nhái sàn miệng được điều trị bằng phương pháp mở thông vi thể. 2. Nhận xét kết quả điều trị nhóm bệnh nhân trên.
URI: http://dulieuso.hmu.edu.vn//handle/hmu/1160
Appears in Collections:Luận văn thạc sĩ

Files in This Item:
File Description SizeFormat 
2020THS0116.pdf
  Restricted Access
3.19 MBAdobe PDFThumbnail
 Sign in to read


Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.